Đây là một số nội dung Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất đối với việc sửa đổi Luật Công đoàn qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Công đoàn 2012.
Hạn chế tình trạng chèn ép người lao động
Theo Tổng Liên đoàn Việt Nam, qua thực tiễn thi hành Luật Công đoàn 2012 cho thấy, việc thao túng, phân biệt đối xử, chống công đoàn vẫn diễn ra với nhiều hành vi đa dạng, tinh vi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn. Những quy định được Luật Công đoàn ghi nhận vẫn còn mang tính khái quát, chưa phân loại khoa học, cụ thể nên khó áp dụng trong thực tế. Các báo cáo hàng năm của cơ quan thanh tra lao động các cấp cũng cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn rất ít được xử lý.
Vì vậy, để bảo đảm các quy định của Luật Công đoàn về các hành vi bị nghiêm cấm, bảo đảm tính tương thích với Bộ luật Lao động 2019, khắc phục những hạn chế trong thực tiễn, cần nghiên cứu để phân loại các nhóm hành vi, quy định chi tiết hơn các hành vi bị nghiêm cấm. Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các hành vi được xác định trong Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17.1.2022 của Chính phủ vào Luật Công đoàn. Đồng thời, xem xét, bổ sung các quy định cấm chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn…
Bên cạnh đó, việc phân loại nhóm hành vi một cách rõ ràng theo các tiêu chí cụ thể, quy định chi tiết hơn các hành vi phân biệt đối xử, can thiệp, thao túng chống công đoàn sẽ góp phần khắc phục, hạn chế tình trạng chèn ép của người sử dụng lao động đối với người lao động, cán bộ công đoàn, công đoàn trong thực hiện các phần việc liên quan đến công đoàn. Đồng thời, tạo điều kiện để người lao động, cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn hoạt động công đoàn tốt hơn. Hầu hết các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương đã đề xuất cần quy định cụ thể các nhóm hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn trong Luật Công đoàn nhằm góp phần bảo đảm cơ chế bảo vệ công đoàn được thực thi hiệu quả.
Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng
Theo Luật Công đoàn 2012, công đoàn có quyền tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Quy định này giúp công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành cho thấy, việc thực hiện quy định này của các cấp công đoàn còn những bất cập do quy định tại Điều 14 Luật Công đoàn về tư cách “tham gia, phối hợp” giám sát của tổ chức công đoàn là chưa rõ ràng, đầy đủ. Do đó, tạo ra những cách hiểu khác nhau về vai trò của công đoàn trong hoạt động giám sát, gây hạn chế hiệu quả, tính chủ động của công đoàn. Luật hiện hành cũng còn thiếu quy định về hình thức giám sát của công đoàn; quy định giống nhau giữa thanh tra, kiểm tra, giám sát và chưa làm rõ được mức độ tham gia của công đoàn trong các phương thức thực hiện này, dẫn đến những cách hiểu, thực hiện chưa thống nhất.
Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, việc trao quyền giám sát để khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện lớn nhất của giai cấp công nhân, đồng thời, hướng tới xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; khẳng định bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa của nhà nước ta. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét để quy định trong Luật Công đoàn chi tiết về quyền độc lập kiểm tra, giám sát của Công đoàn đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.