Trong đó, có điểm mới khá quan trọng, đó là: “Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ” (Điều 7), thay vì... “tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm” như Nghị quyết 35/2012/QH12.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, pháp luật, Quốc hội Khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào Kỳ họp thứ Sáu ngày 25.10.2018. Các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn gồm 50 người, nhưng tham gia lấy phiếu lần này chỉ 48 người (2 chức danh là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới được bầu và phê chuẩn nên chưa được lấy phiếu tín nhiệm lần này). Trong số 48 chức danh được lấy phiếu gồm: Khối Chủ tịch nước 1 người, khối Quốc hội 18 người, khối Chính phủ 26 người, khối Tư pháp 2 người và Kiểm toán Nhà nước 1 người. Tổng số ĐBQH cho đến ngày lấy phiếu là 485 người, số phiếu phát ra 475, số phiếu thu về 475. Ngay trong ngày, kết quả lấy phiếu đã được công bố và được các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đăng tải sau đó. Nghị quyết của Quốc hội xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm “bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật”. Một số kết quả tổng hợp như sau:
Như 2 lần trước, cộng 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” thì tất cả 48 chức danh đều đạt quá bán từ “tín nhiệm” trở lên, không có chức danh nào bằng hoặc dưới 50% so với tổng số đại biểu. Chức danh đạt cao nhất tới 97,32%, chức danh đạt thấp nhất cũng được 68,87% (đây cũng là chức danh duy nhất đạt dưới 70%); khoảng cách giữa chức danh đạt cao nhất và thấp nhất chỉ còn 28,45% (lần đầu tới 40,96%, lần thứ hai 36,82%). Với con số 47/48 chức danh đạt mức “tín nhiệm cao” cộng “tín nhiệm” từ 70% trở lên thì có thể nói, tuyệt đại đa số các chức danh trong bộ máy nhà nước ở Trung ương về căn bản là bảo đảm chất lượng.
Chỉ tính riêng mức “tín nhiệm cao”, các chức danh đạt từ 50% trở lên thì có 34/48 chức danh, chiếm gần 71% tổng số chức danh được lấy phiếu tín nhiệm (trong đó: khối Chủ tịch nước có 1, khối Quốc hội có 17, khối Chính phủ 14, khối Tư pháp 1 và Kiểm toán Nhà nước 1). Con số gần 71% chỉ ra rằng, đến thời điểm cuối tháng 11.2018, về cơ bản các chức danh trong bộ máy nhà nước ở Trung ương không những được bảo đảm chất lượng mà còn được tín nhiệm cao. Tuy vậy, chức danh có số phiếu “tín nhiệm thấp” (từ 100 phiếu trở lên), lần này cũng còn 1 người...
Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, ở hầu hết các chức danh, lần lấy phiếu sau có bước tiến hơn lần trước. Kết quả này đúng với cả trường hợp người đã trải qua 2 nhiệm kỳ liên tiếp và đúng với cả trường hợp người được kế nhiệm chức danh nhiệm kỳ trước. Có thể minh họa bằng một vài ví dụ về số phiếu mức “tín nhiệm cao” sau đây: Ở khối Chủ tịch nước: lần đầu Chủ tịch nước đạt 66,27%, lần thứ hai 76,46%, lần thứ ba chưa đủ thời gian công tác để lấy phiếu. Phó Chủ tịch nước, lần đầu 52,81%, làn thứ hai 60,76%, lần thứ ba (nhân sự mới) 66,60%.
Ở khối Quốc hội: Chủ tịch Quốc hội, lần đầu 65,56%, lần thứ hai 68,41%, lần thứ ba (nhân sự mới) 90,10%. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, lần lượt là 64,66%, 65,39%, 76,70%. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật 59,04%, 62,58%, lần thứ ba (nhân sự mới) 65,36%. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách 58,43%, 63,38%, lần thứ ba (nhân sự mới) 66,60% ...
Ở khối Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ, 42,12%, 64,39%, lần thứ ba (nhân sự mới) 81,03%. Phó Thủ tướng phụ trách tài chính - tiền tệ 33,57%, 40,64%, lần thứ ba (nhân sự mới) 72,99%. Bộ trưởng Bộ Tư pháp 33,54%, 40,24%, lần thứ ba (nhân sự mới) 65,57%. Tổng Thanh tra Chính phủ 32,93%, 34,21%, lần thứ ba (nhân sự mới) 62,68%...
Ở khối Tư pháp: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao 39,16%, 41,25%, lần thứ ba (nhân sự mới) 58,97%. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 39,76%, 41,65%, lần thứ ba (nhân sự mới) 42,06%
Tổng kiểm toán Nhà nước, lần đầu chưa được lấy phiếu, lần thứ hai 21,13%, lần thứ ba (nhân sự mới) 50,52%...
Trở lại con số 34/48 chức danh đạt trên 50% phiếu “tín nhiệm cao” nói trên, khối Chủ tịch nước có 1, khối Quốc hội 17, khối Chính phủ 14, khối Tư pháp 1, Kiểm toán Nhà nước 1. Trong đó, khối Chính phủ có sự bứt phá ngoạn mục: lần đầu chỉ có 2 chức danh, lần thứ 2 lên 9 và lần thứ ba lên tới 14 chức danh đạt trên 50% trở lên đối với mức “tín nhiệm cao”.
Kết quả này một lần nữa cho thấy tác dụng lớn lao của việc lấy phiếu tín nhiệm tuân thủ nguyên tắc, “Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” mà Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội đã chỉ dẫn.