Đó là 1 giải pháp quan trọng trong Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về việc “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031”.
Mở rộng hình thức lấy ý kiến Nhân dân
Nâng cao chất lượng các quyết sách của HĐND, cùng với xác định quan điểm: không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung không bảo đảm trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định đối với các nghị quyết quy phạm pháp luật, Thường trực HĐND phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các cơ quan liên quan bảo đảm nghiêm túc quy trình xây dựng nghị quyết theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các nghị quyết quy phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, trình, ban hành nghị quyết HĐND, bảo đảm các nghị quyết của HĐND đúng với chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương. Các Ban HĐND phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tổ chức khảo sát, trường hợp cần thiết lấy ý kiến chuyên gia trong quá trình chuẩn bị và thẩm tra các văn bản trình kỳ họp.
Đề án nhấn mạnh việc đổi mới hình thức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND; ngoài lấy ý kiến Nhân dân thông qua Cổng thông tin điện tử, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân thông qua phương tiện báo, đài của tỉnh (đối với nghị quyết HĐND tỉnh). Cùng với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết của các Ban HĐND các cấp; hoạt động thẩm tra phải bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, phải có quan điểm, chính kiến rõ về nội dung thẩm tra. Quá trình thẩm tra đối với những vấn đề lớn, phức tạp khi cần thiết tổ chức tham vấn chuyên gia để phục vụ cho việc ban hành nghị quyết bảo đảm tính phù hợp, khả thi.
Kênh thông tin quan trọng xem xét, đánh giá cán bộ
Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về việc “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031” nhấn mạnh: nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, cần lựa chọn đúng, trúng trọng tâm, trọng điểm những nội dung cần tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình; đặc biệt là những vấn đề bức xúc được nhiều cử tri, đại biểu quan tâm; tăng cường tranh luận trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Linh hoạt và đa dạng hóa hình thức giám sát. Mở rộng thành phần, mời chuyên gia (nếu xét thấy cần thiết) tham gia các cuộc giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND để tăng hiệu quả giám sát.
Tiếp tục nâng cao chất lượng và tổ chức hiệu quả hoạt động chất vấn, ban hành nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp HĐND, tăng cường hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND các cấp. Nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm những vấn đề nổi cộm, bức xúc, nhiều cử tri kiến nghị, kiến nghị nhiều lần, đơn thư tồn đọng kéo dài nhưng chậm được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng có dấu hiệu chưa bảo đảm quy định pháp luật.
Các hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND đều phải ban hành kết luận về kết quả giám sát, giải trình; ban hành nghị quyết về kết quả giám sát, nghị quyết về chất vấn (đối với hoạt động giám sát, chất vấn của HĐND). Các kết luận giám sát, kết luận phiên giải trình phải nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, kiến nghị rõ những việc cần phải làm trong thời gian tới, xác định rõ thời gian hoàn thành để làm căn cứ cho việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đối với các nghị quyết về kết quả giám sát, nghị quyết về chất vấn của HĐND, phải đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, thời gian, lộ trình thực hiện, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc khắc phục những hạn chế, tồn tại qua giám sát, chất vấn.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27.10.2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Xem xét, chủ động, kịp thời chuyển cơ quan chức năng cùng cấp: Ủy ban kiểm tra cấp ủy xem xét kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức và cá nhân liên quan có hành vi vi phạm các quy định của Đảng; chuyển cơ quan thanh tra đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật của Nhà nước; chuyển cơ quan điều tra để điều tra xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, hành vi tham nhũng, tiêu cực, có nguy cơ gây thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước qua giám sát của HĐND các cấp (HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND); đồng thời, báo cáo thường trực cấp ủy để biết và chỉ đạo.
Định kỳ hàng năm, Đảng đoàn HĐND (đối với cấp tỉnh), Thường trực HĐND cấp huyện, xã báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát của HĐND, là kênh thông tin quan trọng giúp Ban Thường vụ cấp ủy xem xét đánh giá đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý hàng năm. Trước khi đánh giá công vụ, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân các sở ngành, UBND các huyện, thành phố trực thuộc UBND tỉnh, UBND tỉnh gửi lấy ý kiến Thường trực HĐND tỉnh. Đối với cấp huyện và cấp xã vận dụng tương tự như cấp tỉnh.