Quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt
Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Với những đặc tính đó, không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội, đem lại nhiều cơ hội mới để các quốc gia xây dựng và phát triển.

Không gian mạng được coi như vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia, chứa đựng lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một phần không thể tách rời của chủ quyền quốc gia, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Việc nhận diện, xác lập chủ quyền không gian mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, công cuộc chuyển đổi số của quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Theo báo cáo của Cục An ninh mạng (Bộ Công an), tỷ lệ người dùng internet của Việt Nam chiếm hơn 70% dân số. Trung bình thời gian sử dụng internet của người Việt lên tới gần 7 giờ/ngày. Trong điều kiện nước ta đẩy mạnh chuyển đổi số để trở thành chính phủ số, việc bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, là yếu tố then chốt, phục vụ cho hình thành không gian mạng an toàn, ổn định.
Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia đối với các vùng dữ liệu, thông tin trên không gian mạng do Nhà nước quản lý, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng hệ thống chính sách, pháp luật và các công nghệ phù hợp với luật pháp quốc tế. Là một bộ phận quan trọng không thể tách rời với chủ quyền quốc gia (như đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời), do vậy các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức có chủ quyền quốc gia riêng trên không gian mạng.
Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng - an ninh, không gian mạng đã trở thành môi trường tiến hành tác chiến mạng, tác chiến thông tin. Có thể khẳng định, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Môi trường lý tưởng xâm phạm an ninh quốc gia
Mỗi ngày đều có nhiều ứng dụng và dịch vụ mới ra đời. Các tiến bộ về khoa học công nghệ tiếp tục cách mạng hóa cuộc sống của con người theo hướng tiện ích, hiện đại hơn. Đặc biệt, thế giới đang đứng trước những thay đổi quan trọng trên không gian mạng, trong đó có sự tiến bộ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (data analytics), điện toán đám mây (cloud computing) và 5G, sự gia tăng các rủi ro vật lý mạng trong Internet vạn vật (IoT), sự phổ biến của kết nối kỹ thuật số sau đại dịch và gia tăng căng thẳng trên không gian mạng.
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội như tốc độ truyền tải thông tin cao, khả năng lưu trữ lớn cùng với nhiều công nghệ hiện đại…, không gian mạng cũng ẩn chứa những hiểm họa khôn lường, là môi trường lý tưởng cho các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Hàng loạt cuộc tấn công xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp, phá hoại dữ liệu đã không được kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin, dẫn đến không kịp thời phát hiện được nguy cơ, lỗ hổng, mã độc bị cài vào trong hệ thống. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn, thách thức với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, các loại tội phạm mạng xuất hiện ngày càng nhiều và nguy cơ ngày càng lớn làm tăng các nguy cơ ANPTT.
Thượng tá, Tiến sĩ, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu phân tích, không gian mạng hiện nay không chỉ là môi trường tương tác ảo mà đã trở thành một mặt trận thực sự trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Tội phạm công nghệ cao và các thế lực phản động đang lợi dụng triệt để các nền tảng số để thực hiện các hành vi chống phá Nhà nước, thao túng thông tin và thực hiện hành vi phạm tội xuyên quốc gia.
Về bản chất, không gian mạng là biên giới “mềm” của quốc gia. Nếu không kiểm soát tốt, đây sẽ là nơi: các tổ chức phản động tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tội phạm điều hành đường dây ma túy, buôn người, rửa tiền, cá độ bóng đá, giả mạo tài khoản ngân hàng từ xa, gây thiệt hại kinh tế lớn và ảnh hưởng đến uy tín cơ quan nhà nước. Các nhóm hacker tấn công vào hạ tầng công nghệ trọng yếu: giao thông, y tế, năng lượng, hàng không… gây đình trệ, tê liệt hoạt động.
Đặc biệt nguy hiểm là việc xuất hiện "chợ đen dữ liệu", nơi mua bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số định danh công dân – đe dọa đến quyền riêng tư và an ninh thông tin của toàn xã hội.
Thiếu cảnh giác, lỗ hổng bảo mật
Hiện nay, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng phổ biến: lừa đảo qua website, ứng dụng giả mạo; lừa đảo qua email; giả mạo email cơ quan chức năng, tổ chức; lừa đảo qua mạng xã hội; lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại. Trong số những nạn nhân của tội phạm mạng, có cả người cao tuổi, sinh viên và thậm chí trẻ em.
Theo báo cáo của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các phương thức lừa đảo chủ yếu của tội phạm là: tuyển cộng tác viên tham gia kinh doanh, buôn bán, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (chiếm 44,7%); phát tán mã độc, tấn công chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo (17,3%); gọi điện giả danh lực lượng chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng, viễn thông... (11,6%); tạo lập các sàn giao dịch, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoán (13,2%); giả danh công ty tài chính, ứng dụng vay tiền (8,5%); một số hình thức lừa đảo khác (4,7%).
Lực lượng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên toàn quốc đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc, tổng số tiền thiệt hại hơn 2.487 tỷ đồng.
Có một thực tế đáng quan ngại, nhận thức về an ninh, an toàn mạng của người dân và chủ thể các hệ thống công nghệ còn hạn chế, thiếu cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, không có kiến thức về bảo mật thông tin; hệ thống công nghệ thông tin quan trọng tồn tại điểm yếu kỹ thuật, lỗ hổng bảo mật; việc thực thi, chấp hành quy định bảo vệ dữ liệu chưa nghiêm; năng lực đối phó với tấn công mạng ở các hình thức tinh vi hơn còn hạn chế…