Bài 3: Hoàn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân
Mặc dù quan điểm coi trọng giáo dục đã thể hiện ngay từ buổi đầu lập hiến, nhưng phải đến những năm 1980 điều đó mới thực sự được thể chế hóa rõ nét khi Luật Giáo dục đầu tiên được Quốc hội thông qua, quy định thống nhất mục tiêu giáo dục; yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục; hệ thống giáo dục quốc dân…
Luật Giáo dục đầu tiên
GS.VS. Phạm Minh Hạc làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1987 - 1990. Ông từng kể, giai đoạn đó “đất nước thiếu thốn tới mức thiếu từng hạt gạo, mớ rau phải xếp hàng cho đến các vật dụng khác. Lúc này đổi mới là một bước ngoặt và cực kỳ quan trọng”.
Thời kỳ này, Bộ Giáo dục phụ trách bậc phổ thông và ngành sư phạm. Tình hình chung giáo dục khi ấy “vỡ từng mảng, học sinh bỏ học hàng nghìn em, ngay giáo viên cũng hàng nghìn người bỏ việc”… Điều này đặt ra việc phải khôi phục hệ thống giáo dục, chỗ nào còn bấp bênh phải củng cố, nơi nào làm tốt phải giữ vững để không sa sút.
GS. VS. Phạm Minh Hạc cho biết, sau 3 - 4 năm đổi mới thì nền giáo dục đã có căn cứ để xây dựng Luật Phổ cập giáo dục Tiểu học (được thông qua ngày 12.8.1991 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa VIII) - luật chuyên ngành đầu tiên về giáo dục Việt Nam mà ông được phân công làm Trưởng ban soạn thảo. Dù phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ giới hạn đối với phổ cập một bậc học, nhưng đã có tác dụng lớn trong nâng cao dân trí, góp phần thực hiện chính sách phổ cập giáo dục tiểu học...
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976 - 1987) Nguyễn Thị Bình từng chia sẻ, tình hình từ năm 1986 đã có nhiều thay đổi với đường lối đổi mới, rồi đường lối kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Giáo dục lại đứng trước thử thách mới, đòi hỏi một cuộc cải cách mới… Trong bối cảnh ấy, giáo dục đi trước một bước, tạo hiệu quả tác động đến các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Hiến pháp 1992 đã xác định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” (Điều 35).

Từ sự đổi mới về nhận thức ấy, Luật Giáo dục là một trong những luật được Đảng quan tâm chỉ đạo xây dựng và ban hành sớm nhất. Tại Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giáo dục nêu rõ: “Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, có hệ thống tổ chức rộng lớn, liên quan mật thiết đến mọi người, mọi gia đình, mọi tổ chức xã hội. Để xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, nhân dân và các đoàn thể cần tham gia tích cực và rộng rãi hơn; Nhà nước cần xác định rõ trách nhiệm của mình; các cấp quản lý giáo dục, các cơ quan liên quan và các tổ chức xã hội cần được phân định rõ hơn về trách nhiệm và quyền hạn. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần phải có một đạo luật về giáo dục để điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực này”.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa X, tháng 11.1998, Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua, là lần pháp điển hóa đầu tiên pháp luật về giáo dục, quy định thống nhất mục tiêu giáo dục; tính chất, nguyên lý giáo dục; yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục; hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường và cơ sở giáo dục khác… Có thể nói, Luật Giáo dục đã tạo khuôn khổ pháp lý ổn định cho phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Hoàn thiện từng bước
Cũng trong Khóa X, căn cứ quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi) và Luật Giáo dục 1998, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và Nghị quyết về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhờ đó, giáo dục nước nhà đã có nhiều thay đổi. Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước Quốc hội tháng 11.2004 nêu rõ: Kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học được duy trì, củng cố và phát huy. Chủ trương phổ cập giáo dục trung học cơ sở đang được triển khai tích cực. Số năm đi học bình quân của cư dân 15 tuổi trở lên tăng liên tục từ 4,5 (năm 1990) lên 6,34 (năm 2000) và đến năm 2003 là 7,3. Đây là những thành tựu quan trọng, nhất là khi so sánh với các nước có trình độ phát triển kinh tế và thu nhập tính theo đầu dân tương đương hoặc cao hơn nước ta.
Giai đoạn này cũng đã xây dựng được hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất, khá hoàn chỉnh bao gồm đủ các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo, các loại hình nhà trường và phương thức giáo dục. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 13% năm 1998 đã tăng lên trên 23% năm 2003. Chất lượng nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực. Việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh, sinh viên có năng khiếu được chú trọng và đạt những kết quả rõ rệt…

Cùng với sự phát triển của đất nước, Luật Giáo dục được sửa đổi, bổ sung kịp thời để phù hợp với thực tiễn. Liên tục tham gia Quốc hội từ năm 1997 - 2011, chứng kiến Hiến pháp sửa đổi năm 2001, thảo luận dự án Luật Giáo dục 2005, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng nhận định: “Luật Giáo dục 2005 đã hoàn thiện một bước về hệ thống giáo dục quốc dân, khẳng định vị trí của giáo dục thường xuyên, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo ba trình độ đào tạo, tăng khả năng liên thông, phân luồng giữa các bộ phận của hệ thống. Luật quy định thống nhất việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học, được hiệu trưởng nhà trường xác nhận trong học bạ. Luật cũng xác định những trường hợp Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định học sinh có thể học trước tuổi học vượt lớp, học lưu ban…”.
Bên cạnh đó, theo GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Điều 30, Luật Giáo dục 2005, quy định cơ sở giáo dục phổ thông gồm cả trường phổ thông có nhiều cấp học, xuất phát từ thực tế ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc tổ chức các trường phổ thông cho tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông riêng biệt, do số lớp học và số học sinh không đủ theo quy định. Luật cũng quy định bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở. Việc bỏ kỳ thi này góp phần giảm bớt tốn kém cho gia đình, nhà trường và xã hội cũng như tâm lý căng thẳng trong thi cử của học sinh…
Đến nay, tiếp tục kế thừa và khẳng định “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, hệ thống pháp luật về không ngừng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục - đào tạo nước nhà phát triển.
“Một số tổ chức thế giới đánh giá, về trình độ kinh tế Việt Nam có thu nhập thấp, nhưng trình độ giáo dục tương đương với một số nước thu nhập cao. Tôi cho đó là điểm sáng. Lâu nay có những phát biểu cảm tính, phủ nhận mọi đóng góp của giáo dục. Nhưng khi có phép đo quốc tế đánh giá đúng, công bằng, sẽ khôi phục niềm tin của người dân với giáo dục”.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo