Bài 3: Chuyên gia đề xuất giải pháp đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

B3.png

Để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã góp ý, đề xuất nhiều giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.

A3-04.png
A3-03.png
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Ảnh: Duy Thông)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ sự vui mừng khi vấn đề đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một trong những nội dung của Kết luận 91-KL/TW; đồng thời khẳng định đây là chủ trương vô cùng lớn để thực hiện mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, kết quả của việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường chưa cao; thậm chí ở nhiều địa bàn, nhiều cơ sở giáo dục, nhiều nhóm đối tượng, chất lượng dạy học ngoại ngữ nói chung và dạy tiếng Anh nói riêng rất thấp. “Hành trình đẩy nhanh tiến độ để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là hành trình gian nan”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận.

Để thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa vấn đề này vào quy định trong Luật Giáo dục. Bên cạnh đó, phải có chính sách và chiến lược - không chỉ là đường hướng trong các văn bản mà phải được cụ thể hóa thành các đề án và phải có nguồn lực.

“Muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, phải có những đề án rất cụ thể. Trong các đề án này, nếu xét đến tính ưu tiên, tôi nghĩ rằng ưu tiên đầu tiên phải là đề án đào tạo đội ngũ giáo viên. Bởi thực hiện dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai không chỉ đơn thuần là giáo viên dạy ngoại ngữ mà cần có giáo viên dạy song ngữ cho những môn khoa học cơ bản trong nhà trường”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Theo bà Hoa, cần bắt đầu từ việc đầu tư cho các cơ sở đào tạo giáo viên, không chỉ là các trường sư phạm, mà phải mở ra cả các khoa ở các trường đào tạo ngành cơ bản. Sinh viên khi tốt nghiệp có những kiến thức về các môn khoa học cơ bản và sẽ học thêm ngoại ngữ để trở thành giáo viên dạy song ngữ trong các nhà trường. Bên cạnh đó, cần có những đề án liên quan tới cơ sở vật chất, hạ tầng. Việc đưa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường không thể “dạy chay”, “học chay” mà phải có những phòng học bộ môn, phương tiện, phải đưa công nghệ vào hỗ trợ.

Ưu tiên thứ ba là phải có được những chương trình thiết thực. Hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần sự tính toán; không thể thực hiện dạy song ngữ đồng loạt, ồ ạt ở tất cả các môn bởi sẽ không thể đủ về điều kiện con người, cơ sở vật chất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng cần phương án thí điểm về cách thức tổ chức chương trình, về cơ chế phối hợp giữa các trường ngoài công lập và các trường công lập,… Đặc biệt, cần những đề án cải cách thi cử.

“Xưa nay, học sinh Việt Nam hay “thi thế nào thì học thế đấy”. Ngay cả cách dạy của các thầy cô giáo cũng thường là “thi thế nào thì dạy thế đấy”. Nếu chúng ta cải cách hình thức thi, phương thức thi, phương thức tuyển sinh vào các trường đại học sẽ điều chỉnh ngay được cách dạy và học tiếng Anh. Tôi cho rằng cải cách thi cử là vấn đề phải tính đến để có được sự đồng bộ trong tất cả giải pháp”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay.

A3-05.png
A3-06.png
GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (Ảnh: Duy Thông)

GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, khi thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo thì công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là hai công cụ như “hai chân” có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu.

Tại Việt Nam, chúng ta đang làm rất tốt “chân” về công nghệ thông tin, nhưng “chân” về tiếng Anh đang yếu. Như vậy, chúng ta sẽ khó khăn để có thể “chạy đua” với các quốc gia khác trong bối cảnh hiện nay, khi ở trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng lành mạnh, có nghĩa phải cạnh tranh bằng năng lực.

Năm 2000, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Sau 1/4 thế kỷ, có thể nhận thấy những bước tiến ngoạn mục về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.

GS Trần Văn Nhung nhìn nhận, nếu có một chỉ thị tương tự Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá” nhưng cho ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội thì việc dạy và học, sử dụng tiếng Anh trên đất nước ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và cũng sẽ có những bước tiến ngoạn mục.

Theo ông, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, toàn bộ "cái khó" sẽ nằm ở vùng khó. Tất cả chiến lược này thành hay bại phụ thuộc vào vấn đề triển khai thực hiện ở các vùng khó khăn thế nào. Đơn cử, ở thành phố lớn như Hà Nội, tiếng Anh có thể được xem là ngôn ngữ thứ hai tại trường học; nhưng ở các tỉnh vùng cao, vùng khó, có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, tiếng Việt còn chưa thạo nên đầu tiên phải học tiếng Việt, sau đó đến tiếng dân tộc của họ, tiếng Anh đứng ở vị trí thứ ba.

GS Trần Văn Nhung cũng cho rằng, chúng ta phải chấp nhận “mô hình khí động học” hay “mô hình mũi tên nhọn”, không thể dàn hàng ngang để cùng tiến lên trong giáo dục thì hệ thống mới có thể phát triển. Chương trình quốc gia về từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, muốn phát triển được, phải có người đi trước. Ngay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng cần người đi trước và khu vực vùng sâu, vùng xa cũng phải cần người đi trước.

Cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội. Chương trình, sách giáo khoa, thi cử môn tiếng Anh đối với các trường ở thành phố lớn, các tỉnh có điều kiện sẽ thuận lợi hơn, có thể được nâng cao hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở miền núi, có đồng bào dân tộc. Cần có sự phân tầng, cần cho phép và có những chính sách để các nơi có thể “tự thân vận động”. Sau này, các địa phương phát triển, đã làm tốt có thể thường xuyên xuống những vùng khó khăn để giúp đỡ, cả giúp đỡ trực tiếp và qua các phương thức trực tuyến.

Bên cạnh đó, các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai dạy và học tiếng Anh hiệu quả tại các vùng khó khăn. GS Trần Văn Nhung nhấn mạnh, những kinh nghiệm quốc tế cũng sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc giúp đồng bào tại các khu vực vùng sâu, vùng xa hiện nay.

A3-07.png
A3-08.png
Chuyên gia giáo dục, TS. Đàm Quang Minh

Theo chuyên gia giáo dục, TS Đàm Quang Minh, hiện nay, đa phần các trường tư thục đều có chương trình song ngữ đi kèm, thực tế là sử dụng tiếng Anh cho việc học tập, tức là học các môn bằng tiếng Anh. Đây là mô hình rất tốt cho quá trình sau này, khi đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tuy nhiên, khi triển khai các chương trình này, theo quy định của pháp luật hiện hành, các trường phải trải qua khá nhiều bước, thông thường mất từ 1 - 2 năm xin phê duyệt. Với cùng một chương trình đã triển khai tại một trường, sau đó áp dụng tại trường khác cùng hệ thống vẫn phải bảo vệ lại từ đầu. Điều này gây nhiều khó khăn cho các nhà trường.

TS Đàm Quang Minh cho rằng, việc rút ngắn thời gian phê duyệt khi một chương trình đã được phê duyệt tại trường cùng hệ thống có thể nhân rộng các chương trình song ngữ tại các nhà trường. Bên cạnh đó, để có thể triển khai việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học ở quy mô quốc gia, cần có giải pháp mang tính đồng bộ cho các trường công lập và ngoài công lập.

Ông cũng kiến nghị về việc cần mạnh dạn có những mô hình trường song ngữ. “Chúng ta phải quy định thế nào là trường song ngữ và phải có hành lang pháp lý cho các trường song ngữ. Với địa bàn thuận lợi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc trung ương, cần một số trường tư thục hoặc công lập tiên phong theo mô hình song ngữ. Hiện nay, có khá nhiều chương trình phối hợp với các trường công lập, dạy Toán hoặc Khoa học bằng tiếng Anh. Tôi cho rằng mô hình này nên được khuyến khích”, TS Đàm Quang Minh cho hay.

A3-09.png
A3-10.png
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT Thái Văn Tài (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Để giải quyết một trong những “điểm khó” lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh là thiếu giáo viên, từng bước thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các nhà trường, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài cho rằng cần triển khai 4 giải pháp.

Thứ nhất, đối với những địa phương chưa tuyển giáo viên theo Quyết định 72 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT trong quá trình tuyển dụng giáo viên cần gấp rút xây dựng phương án để tuyển giáo viên, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên môn tiếng Anh.

Thứ hai, với những địa phương đã tuyển giáo viên nhưng gặp khó khăn trong quá trình triển khai, tuyển dụng, không có nguồn tuyển, cần báo cáo với các cấp chính quyền để có những chính sách địa phương và sự truyền thông rộng rãi. Từ đó, thu hút lực lượng giáo viên môn tiếng Anh về công tác tại địa phương mình theo kế hoạch, chính sách địa phương đã xây dựng.

Giải pháp thứ ba, hiện rất nhiều địa phương đã xây dựng phương án đào tạo giáo viên theo hình thức đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ. Đây là một trong những giải pháp bền vững nhất mà hầu hết địa phương đang áp dụng. “Trong những năm tới đây, số giáo viên được gửi đi đào tạo sẽ kết thúc khóa học. Rất mong các địa phương tiếp tục giữ mối liên hệ, làm tốt công tác truyền thông, công tác tư tưởng và có những kế hoạch bài bản để tiếp đón các em khi trở về địa phương, theo đúng kế hoạch chúng ta đã xây dựng”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài nói.

Giải pháp cuối cùng là tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết các vấn đề khó khăn về giáo viên. Cần đảm bảo rằng, nơi nào có học sinh, nơi đó các em được học các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, trong đó có môn tiếng Anh.

B5.png
A3-12.png
PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Ảnh: Duy Thông)

PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi đặt ra vấn đề làm thế nào để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, đầu tiên cần đưa ra mô tả, định nghĩa rõ ràng: “Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là như thế nào”. Nên chia các cấp độ khác nhau theo các khía cạnh: việc giảng dạy các môn học ngoài tiếng Anh bằng tiếng Anh; việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày của trường học; xây dựng những góc học liệu, thư viện bằng tiếng Anh; tổ chức những hoạt động ngoại khóa bằng tiếng Anh,... sau đó có lộ trình, kế hoạch cụ thể.

Theo PGS.TS Hà Lê Kim Anh, một số quốc gia trên thế giới đã có những mô hình thành công trong việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Với Việt Nam, khi thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, chúng ta không thể học tập nguyên mô hình của một nước nào, thay vào đó cần chắt lọc trong các mô hình những điểm phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam để đưa vào học tập, từ đó xây dựng chính sách và lộ trình triển khai.

PGS.TS Hà Lê Kim Anh nhấn mạnh, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần từng bước, không nóng vội. “Từng bước” thể hiện ở lộ trình, theo thời gian và là quá trình dài hơi. “Từng bước” cũng thể hiện ở các vùng miền khác nhau, không thể thực hiện đồng loạt, những vùng thuận lợi cần tiên phong làm trước, sau đó tiếp tục lan tỏa.

Đơn cử, ngay sau khi có Kết luận 91-KL/TW, Trường Đại học Ngoại ngữ đã yêu cầu đơn vị trực thuộc là Trường THCS Ngoại ngữ xây dựng đề án đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong Trường THCS Ngoại ngữ. Mô hình này đã tiến hành thí điểm, việc tập huấn giáo viên đã triển khai những bước đầu tiên, tất cả những bản tin của trường đều được chuyển thành song ngữ, đưa tiếng Anh trở nên thân thuộc trong các hoạt động hàng ngày.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, khi đầu tư nguồn lực,trước hết cần đầu tư cho phát triển đội ngũ, phát triển chính sinh viên tại các trường sư phạm hiện nay và các trường có đào tạo về khoa học cơ bản (sau đó sẽ học thêm về phương pháp giảng dạy).

Bên cạnh đó, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai không chỉ thực hiện ở trường phổ thông, mà cần ở cả trường đại học, cần có có những chương trình đào tạo hay các hoạt động trong trường đại học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các chính sách, lộ trình đầu tư phù hợp vào đối tượng sinh viên sẽ từng bước tạo đà để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Đối với vùng sâu, vùng xa, PGS.TS Hà Lê Kim Anh cho rằng không nên đặt mục tiêu quá cao, không nhất thiết phải yêu cầu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Thay vào đó, chỉ cần hướng đến việc dạy - học tiếng Anh ở các khu vực khó khăn như một ngoại ngữ và thực hiện tốt, giúp người học tiếp cận, yêu thích môn tiếng Anh đã là thành công.

A3-13.png

TS Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, Ba Đình là địa bàn trung tâm chính trị - hành chính - văn hóa và kinh tế của Thủ đô, xếp hạng giáo dục đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã. Nhu cầu học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng trên địa bàn tương đối cao, từ cả phía phụ huynh lẫn phía học sinh.

Tuy nhiên, vấn đề triển khai dạy và học tiếng Anh hiện vẫn còn một số khó khăn như chương trình GDPT 2018 yêu cầu số lượng giáo viên lớn hơn so với chương trình cũ, nhưng việc tuyển dụng tương đối khó khăn vì giáo viên giỏi, sinh viên giỏi đôi khi không chọn nghề giáo mà đã chuyển công việc khác. Bên cạnh đó, mục tiêu của việc dạy học ngoại ngữ theo chương trình GDPT 2018 đã bị lệch đi khi có tình trạng thầy cô dạy để thi, học sinh học để đi thi hay phụ huynh cho con học vì điểm số. Nhiều học sinh rất tự tin về kỹ năng đọc và viết, nhưng giao tiếp còn hạn chế.

A3-14.png
TS Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: Duy Thông)

Với vai trò của cán bộ quản lý cấp địa phương, TS Lê Đức Thuận cho rằng, việc đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học có 2 thách thức: thách thức về chiến lược, chính sách và thách thức từ thực tiễn.

Theo đó, thách thức lớn nhất là cần xây dựng được chiến lược quốc gia về vấn đề này, trong đó phải chỉ rõ tầm nhìn, mục tiêu, chỉ tiêu và lộ trình. “Ở góc độ cơ sở, chúng tôi thấy rằng trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cũng như chuyển đổi số, chúng ta cần những chính sách đặc biệt hơn đối với giáo viên tiếng Anh và giáo viên Tin học. Trên thực tế, công tác tuyển dụng hiện rất khó, kể cả với địa bàn trung tâm như quận Ba Đình, chưa nói đến các địa bàn khó khăn. Với những vùng khó khăn, có lẽ càng cần chính sách đặc biệt hơn”, TS Lê Đức Thuận cho hay.

Đối với cán bộ cấp quản lý, là thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu tập thể, nếu năng lực tiếng Anh kém sẽ rất khó đưa ngôn ngữ này trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Hiện nay, các địa phương khi tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng, Hiệu phó, quy định về ngoại ngữ và tin học đã rất thông thường. Tuy nhiên, TS Lê Đức Thuận cho rằng nếu có chiến lược quốc gia, chúng ta phải quy định cao hơn, trước hết yêu cầu người đứng đầu phải nói được tiếng Anh trong trường học của mình.

Bên cạnh đó, cần có một bộ tiêu chí về vấn đề sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động chính thống và hoạt động hàng ngày, giao tiếp… tại nhà trường, có chia các mức độ rất rõ ràng. Tiêu chí này do Bộ GD-ĐT ban hành và phải có kiểm định, tự đánh giá, đánh giá ngoài công nhận.

Với thách thức về thực tiễn, theo Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Nghị quyết 29-NQ/TW, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã khẳng định ưu tiên nguồn lực cho giáo dục, nhưng trên thực tế câu chuyện tuyển dụng giáo viên đang không dễ dàng.

Ngoài ra, vấn đề môi trường để thực hành tiếng Anh cũng còn hạn chế. Khác với công nghệ thông tin đã trở nên rất quen thuộc hiện nay, hiện hữu trong tất cả các hoạt động, ở mọi lứa tuổi thì với tiếng Anh, nhiều người chất vấn: “học để làm gì”,“có bao giờ dùng đến tiếng Anh đâu”.“Đây chính là câu chuyện kiến tạo môi trường thực hành”, TS Lê Đức Thuận nói.

7.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh là hết sức quan trọng

Ngày 24.9, trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã làm việc với ông Amit Sevak, Chủ tịch Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin về chủ trương mới của Việt Nam là tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Theo Bộ trưởng, để thực hiện được nhiệm vụ này, nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh là hết sức quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị ETS hỗ trợ để Bộ GD-ĐT thực hiện được nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; hai bên có thể xem xét bổ sung thêm nhiệm vụ này vào Bản ghi nhớ hợp tác đã ký năm 2022.

Tác giả: Hồng Hạnh - Nguyễn Liên - Cao Kỳ
Trình bày: Quang Trung

Giáo dục

Hà Nội: Tổ chức đa dạng các hoạt động trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2024
Giáo dục

Hà Nội: Tổ chức đa dạng các hoạt động trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2024

Theo kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 diễn ra từ ngày 1.10 đến ngày 7.10. Trong thời gian này, Hà Nội sẽ tổ chức hội sách để giới thiệu sách mới; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đổi mới thư viện trường học, phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục, cộng đồng...

 Xúc động câu chuyện trong bão số 3 tại chương trình phát động nâng bước em tới trường
Giáo dục

Xúc động câu chuyện trong bão số 3 tại chương trình phát động nâng bước em tới trường

Sáng 30.9, báo Tiền Phong phối hợp Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) tổ chức lễ phát động Chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường” với sự tham gia của 1.500 học sinh 3 trường học gồm: THCS Cầu Giấy, THCS - THPT Nguyễn Siêu, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và đại diện hàng chục trường học trên toàn thành phố. 

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: Vừa thiếu, vừa yếu lại thêm nguyên tắc “có vào thì sẽ có ra”
Giáo dục

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: Vừa thiếu, vừa yếu lại thêm nguyên tắc “có vào thì sẽ có ra”

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN cho biết, mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu nghiên cứu sinh, bên cạnh đó phương châm đào tạo còn lỏng lẻo. Ngoài ra, kinh phí dành cho đào tạo sau đại học, trong đó có đào tạo NCS thấp, và rất thấp so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Khởi công xây dựng Tòa nhà Trung tâm điều hành Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc
Giáo dục

Khởi công xây dựng Tòa nhà Trung tâm điều hành Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc

Ngày 27.9, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Tòa nhà Trung tâm điều hành - Khu trung tâm ĐHQGHN thuộc Dự án “Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQGHN”. Công trình được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Thế giới.

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Từng bước thí điểm và nhân rộng
Video

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Từng bước thí điểm và nhân rộng

Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm “Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?”. Tọa đàm nhằm ghi nhận ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng hoạt động dạy và học tiếng Anh tại các trường học ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đề xuất giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?
Giáo dục

20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?

Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao đến năm 2030 dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỷ đồng.