Thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên

Bài 3: Chưa chủ động trong tổ chức thực hiện

- Thứ Bảy, 01/08/2020, 08:06 - Chia sẻ
Đây là một trong những hạn chế khiến việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do hạn chế về nhận thức của một số cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, địa phương. Do đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chống tham nhũng, quan liêu của bộ máy nhà nước trong thực hiện các FTA để bảo đảm việc thực hiện FTA mang lại lợi ích thực sự cho đất nước.

Nơi làm tốt, nơi không quan tâm 

Việc thực hiện các FTA thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Khẳng định điều này, song Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc tổ chức thực hiện vẫn chưa đồng bộ, tính chủ động của một số cơ quan quản lý nhà nước, địa phương chưa cao. Thứ trưởng Bộ Công thương nêu ví dụ, Bắc Giang và Sơn La là hai địa phương đã làm rất tốt trong việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thời gian qua, bất kể ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các địa phương đã chủ động tìm kiếm thị trường, kết nối thương nhân, doanh nghiệp ngay từ trước khi vụ mùa bắt đầu. Kết quả là, trong vụ mùa vải thiều năm nay, Bắc Giang đã tiêu thụ được 164.700 tấn vải của toàn tỉnh, tăng 109% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 86.470 tấn, tăng 122% so với cùng kỳ. Đối với thị trường xuất khẩu, sản lượng vải thiều xuất khẩu của địa phương này đạt khoảng 78.230 tấn. Doanh thu từ vải thiều của Bắc Giang đạt 5.140 tỷ đồng, tăng 107,76 % so với cùng kỳ. “Hay như Sơn La, cho đến thời điểm này, xoài ra bao nhiêu hết bấy nhiêu; nhãn ra bao nhiêu cũng hết bấy nhiêu”, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết. Trong khi đó, "có những địa phương, dưa hấu mới thừa một ít đã kêu ầm ầm, Bộ Công thương cử người vào tận nơi để xử lý, còn tỉnh không biết, không quan tâm”. Đưa ra những ví dụ này, đại diện Bộ Công thương kết luận, “tỉnh nào quan tâm thì hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu của tỉnh đó rất khác, còn tỉnh nào không quan tâm thì nông sản ùn ứ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải đi xử lý”.

Sự thiếu chủ động của một số cơ quan quản lý nhà nước, địa phương còn thể hiện qua việc thực hiện kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai thực thi các FTA. Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong việc thực hiện Kế hoạch hành động để thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các bộ, ngành, địa phương hầu hết đã có kế hoạch hành động nhưng nhìn chung chưa có kế hoạch thực hiện chi tiết. ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc các địa phương ban hành kế hoạch thực thi FTA còn mang tính hình thức. Ngay sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24.1.2019 về Kế hoạch thực hiện CPTPP. Phụ lục đính kèm Quyết định số 121/QĐ-TTg đã trình bày cụ thể nội dung công việc cho từng bộ, ngành có liên quan, đi kèm với lộ trình hoàn thành. Kế hoạch hành động của Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải có kế hoạch thực thi nhưng không đưa ra cụ thể từng nội dung công việc, lộ trình thời gian hoàn thành đối với các địa phương. Đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng có địa phương làm rất tốt và có địa phương không quan tâm.

Báo cáo của các địa phương cũng cho thấy, hiện nay mới chỉ khoảng 40% tỉnh, thành phố trên cả nước có hoạt động xuất khẩu với các thị trường tham gia CPTPP. Đây là sự lãng phí không nhỏ trong việc tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường mà hiệp định này mang lại.

Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI Nguyễn Thị Thu Trang  

Ảnh: T.Chi 

Nâng cao trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước

Trên thực tế, doanh nghiệp cũng đang gặp trở ngại trong việc hưởng lợi từ các FTA do bất cập trong tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước. Dẫn kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với 250 phản hồi của doanh nghiệp trong 4 ngành sản xuất: Dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, 2 yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA lần lượt là thiếu thông tin về cam kết cũng như cách thực hiện và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo kết quả điều tra này, mặc dù những vấn đề thuộc về hạn chế của doanh nghiệp (như năng lực cạnh tranh kém, khó đáp ứng quy tắc xuất xứ), cam kết bất lợi cũng rất lớn, nhưng vẫn xếp sau các yếu tố gắn với hành động của cơ quan nhà nước.

Kết quả điều tra trên được công bố tháng 4.2016 nhưng theo quan sát của VCCI thì "có thể vẫn đúng vào thời điểm này". Nêu lên một số khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện các FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho biết, việc xử lý, giải quyết các trường hợp đặc thù, vướng mắc thực tiễn phát sinh trong quá trình thực thi các cam kết về quy tắc xuất xứ của các cơ quan nhà nước liên quan còn chậm, thiếu linh hoạt. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các cam kết trong FTA do nội hàm các cam kết, đặc biệt trong FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, phức tạp và khó hiểu. Trong khi đó, hiện chưa có đầu mối tại các cơ quan nhà nước liên quan để tư vấn, phản hồi, giải thích chính thức cho doanh nghiệp về các cam kết trong FTA, nhất là khi có sự khác nhau trong cách hiểu, giải thích cam kết giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và nhà đầu tư… Bên cạnh đó là tình trạng thiếu minh bạch, nhũng nhiễu, bất hợp tác, quan liêu của một số cán bộ, cơ quan nhà nước, khiến việc thực hiện các FTA chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cũng nêu lên hạn chế, khó khăn trong thực hiện các FTA. Đó là công tác phối hợp về hội nhập giữa các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương với các địa phương, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý, đặc biệt trong nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý nhà nước về giá cả, chất lượng nông sản, vật tư nông nghiệp… Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu nêu, “mặc dù một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được ban hành khá đồng bộ, kịp thời, hợp lòng dân, nhưng lại chậm được triển khai thực hiện ở từng cơ quan, đơn vị. Trong quá trình thực hiện, thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về các FTA chưa đạt hiệu quả cao”.

Còn theo báo cáo của Bộ Công thương, nguyên nhân của tình trạng "thiếu đồng bộ, thiếu chủ động" trong tổ chức thực hiện các FTA là do nhận thức ở các cấp chưa đầy đủ về tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế và chưa quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác hội nhập. Bên cạnh đó, năng lực của các cán bộ thực thi công tác hội nhập kinh tế quốc tế ở các cấp còn hạn chế…

Việc thực hiện các FTA mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, kinh tế địa phương cũng như đất nước; song đồng thời, đặt ra những thách thức lớn hơn, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhấn mạnh điều này, Đoàn giám sát đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức về việc thực hiện các cam kết của các FTA; tăng cường nâng cao năng lực cán bộ, phân bổ hiệu quả nguồn nhân lực. Đoàn giám sát cũng cho rằng, Chính phủ cần nâng cao chất lượng và hiệu lực thực thi các văn bản pháp quy. Tăng cường chế tài và áp dụng xử phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm và chú trọng hơn tới việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, đơn vị.

Với các địa phương, Đoàn giám sát cho rằng, chính quyền cần chủ động hơn trong thực hiện các kế hoạch hành động triển khai thực thi các FTA. Chủ động đề xuất các định hướng, biện pháp cụ thể nhằm cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế. Có như vậy, mới có thể tận dụng tối đa lợi ích mà FTA mang lại.

Nhất là trong bối cảnh, hôm nay, 1.8, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao, chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận thị trường 18.000 tỷ USD. Với mức cam kết cao nhất mà EU dành cho Việt Nam, EVFTA hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho hàng hóa Việt Nam cũng như việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xuất khẩu, tạo thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động…

Nhật An