Kinh nghiệm Quốc Tế về Kiểm Soát mức tiêu thụ rượu bia

5 giải pháp giảm tính sẵn có của rượu bia

- Chủ Nhật, 24/01/2021, 08:55 - Chia sẻ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 5 giải pháp được khuyến cáo để giảm tính sẵn có của rượu, bia bao gồm: quản lý cấp giấy phép bán lẻ; quy định mật độ cửa hàng; hạn chế ngày bán, giờ bán; quy định tuổi tối thiểu được phép mua rượu, bia; và chính sách kiểm soát việc bán/sử dụng rượu, bia ở những nơi công cộng.

Hiện nay, 168 quốc gia trên thế giới đã có các quy định để kiểm soát rượu, bia, bao gồm quy định về điểm bán uống tại chỗ, điểm bán mua mang đi, ngày được bán tùy thuộc vào loại đồ uống. Trên 50% các quốc gia có quy định về giờ mở cửa.

Quản lý giấy phép bán lẻ

Trước đây, khoảng 1/3 bang tại Mỹ áp đặt chế độ chính quyền độc quyền về rượu, bia, trong khi 2/3 còn lại thiết lập hệ thống giấy phép tư nhân dành cho kinh doanh rượu, bia. Ở các bang độc quyền, chính quyền quản lý việc mua bán thức uống có cồn, bán lẻ các loại rượu mạnh thông qua các cửa hàng riêng. Hầu hết các bang này đều có văn phòng "kiểm soát thức uống có cồn" (ABC) và điều hành các cửa hàng rượu có tên ABC store.

Từ những năm 1960 trở đi, nhiều tiểu bang đã nới lỏng sự độc quyền của họ và bán các cửa hàng rượu cho tư nhân hoặc để doanh nghiệp tư nhân đại diện cho tiểu bang.

Một tạp chí về bia của Mỹ khẳng định "lấy được giấy phép kinh doanh bia là một trong những trải nghiệm kinh hoàng nhất của những người kinh doanh". Nhưng do lợi nhuận cao, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng chịu tốn kém tiền, thời gian để có được giấy phép. Giấy phép kinh doanh rượu, bia ở Mỹ có khi lên đến 14.000 USD, và để có giấy phép phải mất 5 - 6 tháng tùy vào loại giấy phép và tùy bang. Như bang New York, phí này ở mức 4.500 USD, còn California cần đến 13.900 USD. Chưa hết, doanh nghiệp phải gia hạn giấy phép 1-3 năm/lần, tùy bang, và phải đóng phí để được xét gia hạn.

Hạn chế về thời gian, địa điểm

Tại Singapore, Luật Kiểm soát đồ uống có cồn được Quốc hội thông qua vào tháng 1.2015 và chính thức có hiệu lực từ 1.4.2015. Luật này quy định, việc uống rượu, bia ở nơi công cộng bị cấm từ 22h30 đến 7h sáng ngày hôm sau. Các cửa hàng bán lẻ cũng không được bán bia, rượu cho khách hàng mang đi trong thời gian từ 22h30 đến 7h sáng.

Tại Thái Lan, việc sử dụng bia, rượu được xác định là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông và những hành động bạo lực quá khích. Để giảm thiểu tác hại của bia, rượu đối với các vấn đề xã hội, sức khỏe của người dân, quốc gia này có quy định những “Ngày không bia, rượu”. Trong những ngày lễ lớn của Phật giáo hay ngày bầu cử, bia, rượu bị cấm bán tuyệt đối, kể cả tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, các địa điểm giải trí.

Ngoài ra, Luật Kiểm soát đồ uống có cồn của Thái Lan có hiệu lực từ năm 2008 và sửa đổi năm 2015 quy định:

- Đồ uống có cồn chỉ được phép bán từ 11 giờ sáng đến 2 giờ chiều và từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm mỗi ngày. Vi phạm quy định bị phạt tù dưới 6 tháng và/hoặc tối đa 10.000 bath.

- Cấm bán đồ uống có cồn ở một số địa điểm công cộng. Vi phạm sẽ bị phạt tù 6 tháng và/hoặc phạt 10.000 bath.

Vào đầu năm 2016, Chính phủ Thái Lan tiếp tục ban hành lệnh cấm bán các sản phẩm rượu, bia trong phạm vi 300m đối với trường học, với ngoại lệ dành cho những nhà hàng hay khách sạn trong các khu vực vui chơi giải trí đặc biệt vốn đã nằm gần trường.

Hạn chế về độ tuổi

Canada, Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi, việc Chính phủ độc quyền về sản xuất và kinh doanh rượu, bia đã chứng minh tính hiệu quả trong kiểm soát và giảm được một cách đáng kể tác hại của rượu, bia. Ngoài ra, việc quy định về giới hạn độ tuổi sử dụng rượu, bia cũng được hầu hết các nước áp dụng khi cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Theo số liệu báo cáo toàn cầu của WHO năm 2012, trong số 166 quốc gia có báo cáo thì 115 nước giới hạn độ tuổi được mua rượu, bia là 18; có 15 nước giới hạn ở 16 tuổi, 7 nước giới hạn ở tuổi 20 và 14 nước giới hạn tuổi mua rượu, bia là từ 21 tuổi. Tại EU, độ tuổi mua rượu hợp pháp là từ 16 - 18 tuổi. Người mua cần xuất trình giấy tờ để chứng minh mình đủ tuổi.

Tại Đức, pháp luật về rượu, bia được thiết kế không phải để thanh thiếu niên tránh xa các loại thức uống có cồn. Mục đích chính của luật này là để giáo dục họ cách tiếp cận thích hợp với các loại rượu, bia. Có 3 ngưỡng tuổi cấm uống rượu, bia tại Đức là 14 tuổi, 16 tuổi và 18 tuổi. Trẻ vị thành niên 14 tuổi được phép tiêu thụ các thức uống lên men như rượu vang hay bia với sự giám hộ của người lớn. Tuổi 16 trẻ vị thành niên được uống các loại thức uống có cồn (lên men) như bia và rượu nhẹ mà không cần sự giám hộ của người lớn. Tuổi 18 họ được tiêu thụ các loại rượu mạnh. Các hành vi vi phạm việc bán/tiêu thụ/phục vụ rượu, bia cho trẻ vị thành niên tùy mức độ tuổi có thể bị phạt từ 500 - 4.000 euro.

Tại Australia chỉ phục vụ rượu, bia cho những người từ 18 tuổi trở lên, kể cả khách nước ngoài (được yêu cầu xuất trình hộ chiếu khi mua rượu, bia).

Tại bang Victoria cần phải có đầy đủ giấy phép của chính phủ để được kinh doanh rượu. Nếu trẻ vị thành viên bị bắt khi đang uống rượu, bia nơi công cộng, nhà chức trách sẽ thông báo đến người giám hộ và có thể xử phạt.

Thái Lan cũng cấm bán đồ uống có cồn cho người dưới 20 tuổi và người đang say rượu. Vi phạm sẽ bị phạt tù dưới 1 năm và/hoặc tối đa 20.000 bath.

Luật Mỹ cũng quy định muốn mua rượu, bia, mọi người đều phải xuất trình thẻ ID (như thẻ căn cước công dân) và các cửa hàng chỉ bán rượu cho những người trên 21 tuổi.

Quỳnh Vũ