Đổi mới và kiến tạo kinh tế quốc gia:

Bài 2: Xây dựng triết lý phát triển kinh tế đột phá về tư duy mở

- Thứ Hai, 09/11/2020, 06:18 - Chia sẻ
Hiện nay, để hướng tới xây dựng thực lực nền kinh tế quốc gia vững mạnh làm nền tảng chiến lược cho đổi mới toàn diện, đồng bộ, với phương thức phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng XHCN một cách hoàn bị, hiện đại, trong tầm nhìn 2045, trước mắt năm 2030, cần kiên quyết đột phá và đổi mới mạnh mẽ về tư duy.

Nghĩa là, chuyển mạnh mẽ và triệt để từ một nền kinh tế tồn tại sang một nền kinh tế cơ cấu, với phương thức chuyển từ lợi thế tiềm năng sang lợi thế cạnh tranh động lực thị trường. Chúng ta từng bước hướng tới xây dựng tư tưởng kinh tế Việt Nam của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, để dân tộc trở nên tự cường, phát triển mạnh mẽ và bền vững, trong tư thế là nước công nghiệp, hiện đại vào năm 2045.

Cần thiết phải nhấn mạnh luận điểm sau đây: Định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường, trước hết xuất phát từ tính khách quan của nền kinh tế thị trường, đặt ra, tạo nên trong tiến trình phát triển, đồng thời Nhà nước phải chủ động qua chính sách, pháp luật hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, và tạo ra, xây dựng mặt xã hội (an sinh xã hội, tính công bằng, nhân bản xã hội và sinh thái...) của nó mà kinh tế thị trường khó tạo ra được. Và như thế mới là định hướng XHCN đúng đắn chứ không phải là áp đặt chủ quan từ Nhà nước. Thị trường dù là cái chìa khóa vạn năng cũng không thể thoát khỏi bàn tay Nhà nước, huống hồ nó không phải như vậy, nhưng không thể “sùng bái hóa” Nhà nước. Làm trái đi chỉ là tự mình mù quáng hoặc là “bí hiểm hóa” xảo biện hoặc là thổi phồng vô lối nó mà thôi.

TS. Nhị Lê

Chuyển mạnh từ nền kinh tế tồn tại sang nền kinh tế cơ cấu

Tư tưởng kinh tế đó là gì? Là nước đi sau, chúng ta dứt khoát phải chọn cho mình một lối riêng, với phương lược phát triển phù hợp với trào lưu chung, không bắt chước càng không rập khuôn, với những xung lực và hệ đòn bẩy kinh tế tương thích. Nhìn dưới góc độ văn hóa, đó chính là sự khác biệt, là biểu hiện của sự phát triển đa dạng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế rất quan trọng, nhưng đẳng cấp của nền kinh tế mới là cái phải hướng tới xây dựng, mà tiêu chí hàng đầu là chất lượng và giá trị của sự phát triển. Đó là cái gốc của đẳng cấp nền kinh tế. Cuộc cạnh tranh hoặc thắng hoặc thua trên thế giới trong tương lai, sự thành hay bại của chúng ta chính là ở chỗ này.

Nói gọn lại, đó chính là đẳng cấp, là thương hiệu kinh tế Việt, mà đội ngũ tiên phong, chính là các doanh nghiệp - rường cột là đội ngũ doanh nhân nước nhà trên tất cả các khu vực kinh tế và các thành phần kinh tế (dù cách gọi này chỉ là tương đối) giữ vai trò quyết định. Tôi nhấn mạnh lần nữa vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân tiên phong có ý nghĩa quyết định thành công hội nhập quốc tế, trước hết trên lĩnh vực kinh tế và khoa học - công nghệ. Mấu chốt ở đây là, chuyển mạnh từ tư duy về xây dựng nền kinh tế tồn tại sang nền kinh tế cơ cấu song hành với kinh tế động lực, chuyển mạnh từ lợi thế cạnh tranh tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh động lực và định vị thương hiệu về kinh tế trên thế giới của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế mạng và trí tuệ nhân tạo.

Toàn bộ công cuộc đổi mới nền kinh tế phải nhằm mục tiêu giữ vững tốc độ tăng trưởng bền vững từ 6 - 7%/năm trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2030. Theo dự báo của Công ty tư vấn Pricewaterhouse, chỉ với tốc độ tăng trưởng GDP hơn 5%, như hiện nay, các quốc gia Việt Nam, Nigeria, Philippines, tới năm 2030 sẽ có mức tăng trưởng lớn nhất trong bảng xếp hạng GDP, và trước năm 2030, GDP của Việt Nam sẽ đạt giá trị 1.301 tỷ USD, đứng thứ 29 thế giới. Với những tiền đề đó, Việt Nam có thể có bước phát triển nhanh, dự báo có thể đặt ra mục tiêu năm 2030 - 2035 có mức thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu giá trị từ 15.000 USD tới 180.000 USD, tạo tiền đề để năm 2045, trở thành quốc gia thực sự thịnh vượng, phát triển.

Trái điều đó sẽ tụt hậu và nguy cơ thất bại khó tránh khỏi.

Nhưng, trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kết quả 9 tháng năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 2,21%, dù cao trong khu vực và châu Á, nhưng bảo đảm tăng trưởng dự kiến chỉ 6% thực sự đang là thách thức như “vượt đỉnh Fansipan” đầy cam go và thách thức, trong nhiều năm tới. 

Phải là nền kinh tế thị trường hiện đại từ đó mới có nền kinh tế thị trường XHCN. Khi nó chưa ở trình độ hiện đại thì là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng tính chất định hướng, sự định hướng ấy chỉ mới mang tính khởi phát, từng bước hoàn thiện trong hiện thực và còn lâu dài trong xu hướng vận động, từ kinh tế thị trường định hướng XHCN tiến dần lên nền kinh tế thị trường hiện đại XHCN và nằm trong phạm trù kinh tế thị trường XHCN.

TS. Nhị Lê

Đổi mới thể chế - khâu đột phá quyết định

Theo ý tưởng đó, ở đây, trước mắt, tập trung làm tốt mấy phương diện tối thiểu sau:

Trước hết, tư duy về đổi mới thể chế, thể chế và thể chế phát triển làm riềng mối hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phải được coi là khâu đột phá.

Nhất định phải thực thi điều đó, nếu không sẽ rơi vào lệch lạc, khiếm khuyết, thậm chí ảo tưởng, dù hiện nay 71 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Đây chính là thách thức trong việc kiến tạo môi trường kinh tế để xử lý trước hết và trực tiếp các mối quan hệ đối nội và đối ngoại của nền kinh tế. 

Thị trường! Thị trường! Và, thị trường!

Nếu không nắm lấy và phát triển thị trường theo quy luật và chủ kiến của chúng ta, bằng một thể chế phù hợp, nhất định đất nước sẽ tự mình hoặc co thủ hoặc bịt kín mọi con đường phát triển lên phía trước. Và, chúng ta sẽ khó có tương lai như mong muốn.

Do đó, thể chế! Thể chế! Và, thể chế!

Kinh nghiệm lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, sau khi xác lập chiến lược phát triển và các nhân tố cơ bản của nền kinh tế, cái còn lại giữ vai trò quyết định thành công là thể chế. Sẽ không thể có một thị trường hoàn bị và mạnh mẽ, nếu thể chế bất cập, cho dù mức độ hội nhập thương mại và đầu tư có thể rộng hoặc sâu đến mức nào. Không đổi mới về thể chế, nhất định chúng ta sẽ không thể tiến thêm một bước nào đáng kể cả trong việc kiến tạo và phát triển thị trường theo chủ kiến của chúng ta một cách hợp quy luật.

Vì vậy, xây dựng thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là hai vấn đề cực kỳ quan thiết, có ý nghĩa như những trụ cột của tiến trình phát triển mạnh mẽ và bền vững. Việc phát triển và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bao gồm rất nhiều việc, từ các kết quả nghiên cứu, trước mắt tiếp tục xây dựng mấy việc cần kíp, trước hết về tư duy. Ở nhiều nước, khi trình độ của nền kinh tế chưa đạt tới trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoặc đang hiện đại hóa thì đề ra xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN (định hướng XHCN) qua thực tiễn tỏ ra là đúng và phù hợp.

Nhưng, kỳ lạ ở chỗ, đối với nước ta, nói kinh tế thị trường XHCN thì ít có tranh cãi, nhưng nói kinh tế thị trường định hướng XHCN thì lại nổ ra tranh luận lớn, thậm chí có người lợi dụng ào lên bài xích và phản bác. Dường như người ta quên mất rằng, ở đây chỉ là nền kinh tế quá độ, nghĩa là còn các yếu tố tư bản chủ nghĩa và chúng ta sử dụng, dẫn dắt nó phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn cho thấy, “phải dùng cả hai tay” nắm lấy những gì tốt nhất của chủ nghĩa tư bản, để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với các nước thuộc loại này, trước đây dự định “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” một cách duy ý chí, trên lĩnh vực kinh tế, nhưng không khả thi và đã thất bại. Hiện nay, vấn đề là bỏ qua sự thống trị của giai cấp tư sản trong chính trị và kinh tế, chứ không bỏ qua những thành tựu của chủ nghĩa tư bản, tức rút ngắn, lược bỏ giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nghĩa là trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trình độ nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế cổ phần (chủ nghĩa tư bản nhà nước, kinh tế hỗn hợp, cơ chế thị trường năng động...). Dù muốn hay không, phải thừa nhận rằng, không thể có chủ nghĩa xã hội phi tư bản và phi thị trường khi chưa phải là chủ nghĩa xã hội với thực thể hoàn chỉnh của nó.

Nước ta, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, thì những ngày đầu khó tránh khỏi tính sơ khai, thậm chí cả sự “tự do”, “hoang dã” của thị trường và ngay cả hình thức kinh tế của chủ nghĩa tư bản cũng còn ở trình độ thấp, thậm chí còn có những yếu tố của thứ “chủ nghĩa tư bản thân hữu”... Nhớ rằng, chủ nghĩa tư bản phải mất hơn 500 năm mới có nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, như ngày nay. Mặc dù nước ta không chấp nhận kinh tế thị trường tự do, mà kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng còn nhiều khiếm khuyết cần khắc phục, vượt qua... Do vậy, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, tự nó đang vươn tới mục tiêu XHCN, và rõ ràng là đúng hướng và hợp quy luật phát triển lịch sử - tự nhiên.

Có người cho rằng, nền kinh tế thị trường XHCN ở Trung Quốc hay nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nói như vậy có vẻ giống như cách nói của người “kết cấu lịch sử theo kiểu đòn bẩy F. Hegel” hay lối nói của những ông “thày bói của lịch sử”.

Kỳ thực, ai cũng thấy, chủ nghĩa tư bản đã nắm lấy kinh tế thị trường - thành quả văn minh của nhân loại, và biến nó thành mục tiêu của chế độ tư bản chủ nghĩa. Chúng ta nắm lấy kinh tế thị trường và nó là phương tiện, và khi là phương tiện thì chủ nghĩa tư bản nhà nước, đến lượt nó cũng chỉ là một ngả đường để chúng ta tới chủ nghĩa xã hội. Vì, không đi qua nó thì không có nền kinh tế thị trường XHCN đích thực, trình độ cao của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, ở đây vai trò định hướng XHCN đối với nền kinh tế thị trường là không tránh khỏi, và nền kinh tế thị trường trong tay chúng ta không phải là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thuần túy, càng không thể là nền kinh tế thị trường hoang dã... Điều này là hợp quy luật. Sự lựa chọn này của lịch sử về một loại hình, trình độ của chủ nghĩa xã hội hiện thực khi chưa vượt qua chủ nghĩa tư bản phát triển, phát triển song song với chế độ tư bản chủ nghĩa, là con đường dích dắc của hiện thực lịch sử mà K.Marx và F.Angel, trong điều kiện cụ thể, đều đang để ngỏ và đã dự báo. Và, chúng ta phải làm tiếp.

Chủ nghĩa xã hội thị trường, như có ý kiến đề xuất, nếu có thể nói như vậy, là một xã hội quá độ hỗn hợp, trung đạo, mang tính “hội tụ” giữa hai loại xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Nhưng xét sâu xa hơn, theo xu hướng và mang tính toàn thể, thì không phải hoàn toàn như vậy. Bởi, chủ nghĩa xã hội không đơn thuần là học chủ nghĩa tư bản, cải tiến chủ nghĩa tư bản mà là thay đổi nó, ở trình độ, hình thái cao hơn, văn minh hơn. Điều đó càng đúng khi chủ nghĩa tư bản phát triển cao tiến lên chủ nghĩa xã hội hoặc từ trình độ tiền tư bản, đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Do vậy, nếu coi hội tụ, như có người quan niệm, là quy luật tiến hóa xã hội sẽ là một sai lầm về mặt phương pháp luận và mất phương hướng về chính trị và lầm lẫn trong phát triển kinh tế.

Có người cho rằng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là “không đội trời chung”, nghĩa là không kết hợp với nhau được. Thoạt nhìn, về mặt hình thức, có vẻ hợp lý, nếu xét thuần túy cơ học theo bản chất xã hội. Nhưng, cần lưu ý tối thiểu rằng, ở một giai đoạn lịch sử nhất định, khi chủ nghĩa xã hội chưa thể chiến thắng hoàn toàn, thay thế chủ nghĩa tư bản thì sự “giao thoa”, “chồng lấn” đã xảy ra một cách tự nhiên và tất yếu; và ở đây “sự kết hợp các mặt đối lập” để “chuyển hóa các mặt đối lập” lại trở nên không gì cưỡng được. Đó là tự nhiên. Hơn nữa phải hiểu rằng, không phát triển từ tiền đề chủ nghĩa tư bản, không kế thừa nó, phát huy nó, khi nó còn mang tính tất yếu, cho dù là tính “tất yếu nhất thời” như K.Marx nói, còn là động lực tiến bộ, nhất là các nước kém phát triển - đang phát triển, trong xu thế toàn cầu hóa - hội nhập ngày nay thì làm ngược lại là trái quy luật, bất chấp cái tất yếu, tự tách đường đi cho mình, nhất định chuốc lấy thất bại được báo trước. Như thế hẳn chỉ còn là chủ nghĩa xã hội nguyên thủy - công xã, chứ không phải chủ nghĩa xã hội hiện đại, văn minh. Bài học thực tiễn đã chỉ ra như vậy, chứ không phải là đơn thuần suy luận logic.

TS Nhị Lê -  Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản