Bài 2: Vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội

Anh Phương 31/05/2019 08:08

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra trang mới cho lịch sử dân tộc. Nhân dân ta từ nô lệ trở thành người tự do, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ngày 3.9.1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp và đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó diệt “giặc đói” và “giặc dốt” là nhiệm vụ quan trọng ngang hàng với diệt “giặc ngoại xâm” - những thứ “giặc” đang đe dọa sự tồn vong của nước Việt Nam độc lập vừa giành được. Đây là vấn đề cần kíp đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi thành viên của Chính phủ lâm thời và sự đồng lòng, đồng sức của toàn dân, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố.

>> Bài 1: Nhà trí thức yêu nước chân chính, uyên bác

Người có công lớn trong diệt “giặc đói”

Với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, gần gũi với những người lao động, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố đã nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo, đưa ra những quyết sách đúng đắn, hợp lý, sát cánh cùng Chính phủ lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi hiểm nghèo. Hình ảnh một vị Bộ trưởng giản dị, xông xáo, nhân hậu, lăn lộn cùng dân vận động thành lập “Hội cứu đói” cùng Chính phủ và toàn dân bảo vệ thành quả cách mạng trong những năm 1945-1946 sống mãi cùng lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chế độ thực dân, nhất là hậu quả trực tiếp của chính sách kinh tế thời chiến của Pháp và Nhật trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai đã làm cho nền kinh tế, tài chính của nước ta xơ xác, tiêu điều. Nạn đói từ cuối năm 1944 đầu năm 1945 đã làm hai triệu đồng bào ta chết đói chưa khắc phục được thì nạn đói mới đang có nguy cơ xảy ra. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9.1945, Chính phủ đã ra quyết định phải chống “giặc đói”, phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi sản xuất ra ngô, khoai, sắn và những thứ lương thực khác, cần mở ngay một cuộc lạc quyên. “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”(1).

Trong cuộc vận động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người gương mẫu thực hiện đầu tiên và triệt để. Trong lễ phát động phong trào cứu đói đầu tiên, Bộ Cứu tế xã hội đã vận động nhân dân tích cực tham gia và thu được kết quả khả quan. Báo cáo tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 13.10.1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã báo cáo kết quả mà đội quân tiễu trừ giặc đói đã thực hiện được trong ngày đầu tiên ra quân (ngày 11.10) là thu được 5 tấn gạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố và các thành viên Chính phủ Cách mạng Lâm thời, năm 1945 Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố và các thành viên Chính phủ Cách mạng Lâm thời, năm 1945
Ảnh: Tư liệu

Ngày 2.11.1945, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, cụ Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội Cứu đói được tổ chức xuống tận các làng. Ban đầu, Hội được thành lập ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Phương pháp hoạt động chủ yếu là tìm nguồn thực phẩm, tiền và vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ; phát triển sản xuất, khuyến khích công việc đồng áng và trông nom đê điều; giúp đỡ nhân dân trong việc khai khẩn đất hoang hóa để đưa vào sản xuất.

Không chỉ đề ra quyết định thành lập Hội cứu đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp thực hiện chuyến “vi hành” đến các địa phương Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định trực tiếp chỉ đạo thành lập Hội cứu đói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp kêu gọi các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi tương thân, tương ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện các biện pháp, như “Hũ gạo tiết kiệm”, “Những ngày đồng tâm nhịn ăn” nhằm kêu gọi đồng bào chia sẻ những khó khăn với những hoàn cảnh khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố phát động nhiều cuộc vận động quyên góp ủng hộ người lao động nghèo và tổ chức nhiều triển lãm về chủ đề “nạn đói” cuối năm 1944 đầu 1945 do thực dân Pháp, phát xít Nhật gây ra.

Hưởng ứng những chủ trương của Chính phủ và của Bộ Cứu tế xã hội, một phong trào thi đua cứu đói nổi lên rầm rộ khắp cả nước dưới muôn vàn hình thức khác nhau. Ở Hà Nội, Nam Định xuất hiện các xe bò bác ái đi lạc quyên khắp các con phố. Nhân dân Hưng Yên nhận đỡ đầu nhân dân Thái Bình. Đồng bào thành phố Nam Định gửi 2 chuyến tàu gạo ra giúp các tỉnh ngoài Bắc. Nhiều làng ở Bắc Ninh tự nguyện bỏ hủ tục ăn uống lãng phí để tiết kiệm lương thực giúp đỡ người nghèo.

Trong khoảng 2 tháng (từ tháng 9 - 11.1945), Bộ Cứu tế xã hội đã quyên góp ở cả 3 miền với số tiền 160.000.000 đồng. Bộ cũng đã giao người phụ trách tải gạo từ Nam ra Bắc và giao gạo cho Hội cứu đói, có đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói đang có nguy cơ tái diễn.

Giải quyết vấn đề từ gốc: Tăng gia sản xuất

Để đánh tan giặc đói không chỉ thực hiện những giải pháp cấp cứu trước mắt mà điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề từ gốc: Tăng gia sản xuất. Đây không chỉ là cơ sở để giải quyết triệt để nạn đói mà còn là cơ sở cho toàn bộ chính sách kinh tế của Chính phủ Cách mạng Việt Nam. Chính phủ đã lập Ủy ban Trung ương phụ trách sản xuất. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã tích cực tham gia và có đóng góp lớn vào việc tăng gia sản xuất.

Ngày 15.11.1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã chủ trì phối hợp với Bộ Quốc dân kinh tế ký Hiệp định số 41-BKT, trong đó nêu rõ một loạt biện pháp nhằm khuyến khích tận dụng nguồn đất đai trồng màu cứu đói. Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn lãnh đạo Bộ Cứu tế, chủ trương phối hợp với Bộ Canh nông tổ chức thêm những cơ sở tăng gia tập thể, dùng nguồn đất công cộng còn trống như sân bãi, vỉa hè, bờ đê, vận động các cá nhân sử dụng tạm những mảnh vườn trống để tăng gia sản xuất.

Mặt trận quyết định nhất của tăng gia sản xuất cuối năm 1945 đầu năm 1946 là trồng màu. Lúa không còn kịp thời vụ nữa, phải dành phần lớn đất đai để tranh thủ trồng liên tiếp hai vụ màu bù cho phần thiếu hụt về lúa. Đây là giải pháp sáng suốt. Kết quả của việc thực thi giải pháp này là sản lượng màu đã tăng gấp 4 lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Chỉ trong 5 tháng, từ tháng 11.1945 đến 5.1946 đã đạt 614 nghìn tấn, quy ra thóc là 506 nghìn tấn, hoàn toàn có thể bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Bằng chứng rõ nhất là dân không đói, giá thóc gạo không tăng mà lại giảm. Giặc đói đã bị đánh lui. Đánh giá thành tích này trong lễ kỷ niệm một năm độc lập, Quốc khánh 2.9.1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là kỳ công của chế độ dân chủ”(2).

Diệt “giặc dốt” và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần xã hội

Hậu quả của chế độ thực dân để lại trong xã hội ta về lĩnh vực văn hóa thực khá nặng nề. Hơn 90% dân số không biết chữ, các tệ nạn xã hội, như nạn nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, mê tín, dị đoan… rất trầm trọng và phổ biến. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là diệt “giặc dốt” và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần xã hội.

Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta kiên cường đấu tranh, bảo vệ nền dân chủ cộng hòa non trẻ vừa giành được, mặt khác từng bước thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt “giặc dốt”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của Nhà nước với các đoàn thể cứu quốc để đưa dân trí đến với hàng triệu đồng bào. Chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Cứu tế xã hội và Nha Bình dân học vụ đã tổ chức 3 lớp huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ bình dân học vụ cho cấp tỉnh, trong đó có một số khóa dành đào tạo cán bộ cốt cán cho các dân tộc ít người. Khóa học đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội mang tên “Khóa học Hồ Chí Minh”, tiếp đó là khóa huấn luyện “Phan Thanh”, “Đoàn kết”. Sau khi tham gia huấn luyện, họ tản về các địa phương trong cả nước tích cực tuyên truyền, vận động và trực tiếp tham gia dạy chữ cho hàng triệu đồng bào.

Trong lịch sử, chưa bao giờ dân tộc ta ham học và đi học đông như thế. Nhờ đó, tỷ lệ người không biết chữ giảm xuống, dân trí được nâng lên rõ rệt. Hàng triệu đồng bào tham gia học tập. Hàng vạn người biết chữ hăng hái xung phong mở lớp giảng dạy. Phong trào chống “giặc dốt” kết hợp chặt chẽ với phong trào chống “giặc đói”, chống giặc ngoại xâm, có tác dụng đoàn kết mọi người thành một sức mạnh to lớn sát cánh cùng Chính phủ lâm thời chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua giai đoạn hiểm nghèo.

Cùng với việc diệt “giặc dốt”, Bộ Cứu tế đã mở cuộc vận động xây dựng “đời sống mới” và đã tiến hành tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân với mục đích giáo dục tinh thần yêu nước, yêu lao động, căm ghét bọn áp bức bóc lột, xây dựng đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tẩy rửa những thói hư tật xấu do xã hội cũ để lại. Nhờ những hoạt động tích cực của Bộ Cứu tế, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố, các phong trào tập quán lạc hậu trong nhân dân được giảm bớt nhiều. Một không khí mới, đời sống tinh thần, hệ giá trị đạo đức mới, một nền văn hóa mới được manh nha, sáng lên dần từ thành thị đến thôn quê.

Trên cương vị là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội, tuy thời gian không dài (từ ngày 25.8.1945 -2.3.1946), nhưng ở vào thời điểm khó khăn nhất của lịch sử dân tộc, khi chính quyền cách mạng trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói, nạn dốt, hai trong ba loại giặc nguy cấp của cách mạng Việt Nam thời điểm đó, góp phần quan trọng vào việc củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng ngày đầu thành lập, cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

_________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, tr7

2. Báo Cứu quốc, số ra ngày 19.5.1948

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 2: Vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO