Ngăn chặn "giấy khám sức khỏe" giả

Bài 2. Triệt phá nhiều đường dây

- Thứ Ba, 30/03/2021, 08:36 - Chia sẻ
Gần đây lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá nhiều đường dây mua - bán giấy khám sức khỏe giả, hàng ngàn giấy khám sức khỏe các loại đã bị cơ quan công an thu giữ, cùng nhiều tang vật khác.

Phá án từ thông tin trên mạng xã hội

Từ đầu năm 2021 đến nay, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội đã khám phá, bóc gỡ nhiều vụ án, đường dây làm giả con dấu, văn bằng, chứng chỉ, giấy khám sức khỏe, qua đó thu giữ nhiều tang vật. Chỉ tính riêng địa bàn quận Hà Đông, trong thời gian ngắn vừa qua đơn vị đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng trong 2 đường dây làm giả giấy khám sức khỏe, nhằm thu lợi bất chính. Qua đó Cơ quan Công an đã thu giữ gần 1.000 giấy khám sức khỏe giả và hai con dấu làm giả Bệnh viện Giao thông Vận tải và Bệnh viện Bộ Xây dựng

Thiếu tá Đỗ Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hà Đông, TP. Hà Nội

Liên tiếp thời gian gần đây, từ thông tin rao bán rầm rộ, công khai trên mạng xã hội, qua tin nhắn, lực lượng chức năng công an các địa bàn như quận Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông (TP Hà Nội) đã triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến việc mua bán giấy tờ giả, trong đó có giấy khám sức khỏe giả. Điển hình, ngày 15.1.2021, tại đường Tô Hiệu, phường Dịch Vọng, Công an quận Cầu Giấy đã bắt quả tang Nguyễn Tiến Thành đang mang 19 tờ giấy khám sức khỏe giả của Bệnh viện Giao thông Vận tải đi giao cho khách. Qua đấu tranh khai thác, Thành khai nhận làm thuê cho Minh.

Tiến hành khám xét phòng trọ của Thành tại phố Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, cơ quan công an phát hiện Minh và Ngô Thị Việt Anh (bạn gái Minh) cũng đang ở đây. Các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội và giao nộp 103 tờ giấy khám sức khỏe giả và chứng nhận sức khỏe các loại được cất giấu trong phòng. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận vào tháng 7.2020, Minh có đăng rao bán giấy khám sức khỏe đóng dấu Bệnh viện E và Bệnh viện Giao thông Vận tải trên mạng xã hội. Mỗi giấy khám sức khỏe, Minh bán với giá 75.000 - 95.000 đồng. Những giấy khám sức khỏe có ảnh sẽ được bán giá cao hơn. Ngô Thị Việt Anh có vai trò lập tài khoản trên mạng xã hội, mời chào ai có nhu cầu và thu tiền. Cơ quan công an cho biết, các đối tượng đã bán gần 3.000 tờ giấy khám sức khỏe giả.

Tiếp đến, vụ việc ngày 2.3.2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Long Biên, Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng gồm: Hồ Công Lệnh (thường trú tại Lục Ngạn, Bắc Giang); Nguyễn Trương Định (Ba Vì, Hà Nội); Phan Thế Huy (Đoan Hùng, Phú Thọ); Nguyễn Văn Quân và vợ là Nguyễn Thị Huế (Sông Lô, Vĩnh Phúc) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức cũng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng về hành vi, thủ đoạn làm giả con dấu của các bệnh viện để làm giả giấy khám sức khỏe.

Theo cơ quan điều tra, qua công tác quản lý nghiệp vụ, Đội điều tra Tổng hợp Công an quận Long Biên có thông tin về đường dây mua bán giấy tờ giả qua mạng xã hội; đối tượng trong đường dây hoạt động khép kín; việc mua bán được tiến hành với số lượng lớn, tài liệu làm giả là giấy khám sức khỏe của các bệnh viện lớn tại Hà Nội... Từ thông tin trên, Đội đã nhanh chóng vào cuộc thu thập tài liệu, xác định Hồ Công Lệnh là đối tượng cầm đầu ổ nhóm. Quá trình điều tra, bước đầu xác định Lệnh thuê địa điểm, chuẩn bị công cụ, phương tiện làm giả con dấu, nhận các đầu đơn qua tài khoản Zalo.

Trong ổ nhóm còn có sự tham gia tích cực của Nguyễn Trương Định và Phan Thế Huy. Sau khi bán giấy khám sức khỏe cho khách, Định nhận tiền và chuyển lại cho Lệnh… Định là người giúp sức đắc lực cho Lệnh trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài việc nhận đơn từ Lệnh, Định còn trực tiếp nhận các đơn đặt giấy khám sức khỏe của khách lẻ trên zalo; Huy là người giúp sức cho Lệnh và Định hoàn thiện các giấy khám sức khỏe (như đóng dấu, ký nháy chữ ký của các bác sĩ), sau đó đặt chuyển phát nhanh cho khách.

Lực lượng chức năng thu giữ tang vật máy móc, con dấu làm giả giấy khám sức khỏe  

Hám lợi, bất chấp làm bừa

Qua trao đổi với lực lượng chức năng từ các chuyên án trên được biết, trong hầu hết các vụ mua bán giấy tờ hồ sơ giả được khám phá, bắt giữ thời gian gần đây, các đối tượng đều khai nhận do hoàn cảnh khó khăn, mất việc do dịch Covid-19 nên dẫn đến làm liều.

Cụ thể, từ vụ án Hồ Công Lệnh và đồng bọn nêu trên, tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận: do việc làm ăn thua lỗ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lệnh nảy sinh ý định làm con dấu và giấy khám sức khỏe giả của các bệnh viện để bán lấy tiền tiêu xài. Nghĩ là làm, Lệnh lên mạng xã hội tìm hiểu cách sản xuất dấu giả và đặt mua một máy khắc lazer để sản xuất dấu. Tuy nhiên do không biết cách sử dụng nên Lệnh chỉ làm được 1 - 2 con. Sau đó, đối tượng lên mạng tìm hiểu những nơi nhận làm con dấu giả và đặt mua các con dấu giả của các bệnh viện lớn trên cả nước. Khi có khách đặt mua dấu, Lệnh đã liên hệ mua dấu giả với giá 500.000 đồng, Lệnh bán cho khách với giá dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng/con dấu…

Tương tự,  đối tượng Quân và Huế (trong đường dây mua bán giấy tờ giả do đối tượng Hồ Công Lệnh cầm đầu) cũng khai nhận đang làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long nên biết được người muốn xin việc làm thì cần phải có giấy khám sức khỏe của bệnh viện. Để có thêm tiền, Nguyễn Thị Huế nảy sinh ý định làm giấy khám sức khỏe giả bán lại cho những người có nhu cầu để thu lợi bất chính. Theo đó, từ tháng 3.2020, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số công nhân bị thất nghiệp tăng cao, đồng nghĩa với việc nhu cầu giấy khám sức khỏe để làm hồ sơ xin việc mới tăng cao. Nắm rõ nhu cầu này của người lao động, Huế đã nghiên cứu cách thức làm và lên mạng đặt mua con dấu giả một số bệnh viện. Khi khách có nhu cầu, Huế trực tiếp làm giấy khám sức khỏe giả và giao cho khách với giá tiền từ 40.000 - 130.000 đồng/tờ. Về phía Quân (chồng Huế), cũng do thấy lợi trước mắt nên bất chấp mọi thủ đoạn để cùng vợ phạm pháp, trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ vợ làm giấy tờ giả và giao cho khách.

Theo Trung tá Ngô Văn Điển, Đội trưởng Đội điều tra Tổng hợp Công an quận Long Biên, hành vi làm giấy khám sức khỏe giả với số lượng lớn của nhiều bệnh viện khác nhau không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở khám chữa bệnh, mà còn tác động khôn lường đối với người lao động và cả người sử dụng lao động. Bởi với giấy khám sức khỏe giả, người lao động khi bị phân công làm trong môi trường công tác không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính họ, ảnh hưởng đến an toàn lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của đơn vị, doanh nghiệp.

Bài và ảnh: H.Thanh - Th.Yến - Ng.Ngân