Triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14

Bài 2: Tạo sinh kế để phát triển bền vững

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 06:20 - Chia sẻ
Cuối năm 2019, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp…
Cán bộ NHCSXH huyện Bắc Bình, Bình Thuận kiểm tra và động viên các hộ đồng bào dân tộc Chămvay vốn làm gốm truyền thống
Ảnh: Đức Kiên

Giải bài toán đất, vốn, dạy nghề

Cấp đất, cho vay vốn và nâng cao kỹ năng sản xuất được ví như “trao cần câu”, “hướng dẫn câu...”, giúp đồng bào DTTS nâng cao thu nhập, thay đổi và ổn định cuộc sống. Theo ĐBQH, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh, “nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố trên, chắc chắn sẽ rất khó thực hiện thành công nhiệm vụ giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đất sản xuất là nhu cầu không thể thiếu đối với người nông dân nói chung và đồng bào các DTTS nói riêng. Thời gian qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã được triển khai, tuy nhiên, đến nay tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn là bài toán nan giải. Tại Tây Nguyên, tình trạng đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa không có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất vẫn tồn tại khá nhiều. Đơn cử, buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk có 234 hộ, với 846 nhân khẩu thì có đến 50% số hộ thiếu đất sản xuất, người dân chủ yếu sống bằng việc đi làm thuê, làm mướn theo mùa vụ nên đời sống vô cùng khó khăn. Tính đến thời điểm cuối năm 2020, toàn buôn có 112 hộ nghèo, 46 hộ cận nghèo.

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo Quyết định 2085/QĐ-TTg tỉnh Đắk Lắk còn 9.878 hộ đồng bào DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, 8.097 hộ cần đất ở. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh chưa bố trí hỗ trợ đất sản xuất cho dân.

Những tồn tại về đất đai ở Tây Nguyên cũng là bài toán chưa có lời giải ở Tây Bắc và Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nghề cho đồng bào thiểu số vẫn còn nhiều bất cập. Phần vì trình độ tiếp thu của đồng bào còn hạn chế, phần vì các nghề đào tạo chưa thực sự sát với nhu cầu người học, chưa gắn chặt với sự phát triển của địa phương…

Thực tế cho thấy, có quá nhiều rào cản, khó khăn để phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rõ ràng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước; ý chí vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thì sự quyết tâm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Với cùng một điểm xuất phát, cùng một cơ chế, chính sách đầu tư nhưng có nơi làm tốt, quyết liệt, lập tức sẽ thay đổi cuộc sống của đồng bào.

Trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, NHCSXH xác định mục tiêu tăng cường nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước; nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng

Vai trò đặc biệt của tín dụng chính sách

Thời gian qua, đã có gần 120 chương trình, đề án, chính sách đặc thù về mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Trong đó, phải kể tới Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS; Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 26.9.2011 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; Quyết định 2086/QĐ-TTg ban hành ngày 31.10.2016 Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025...

Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ sự dàn trải, chồng chéo, thiếu tập trung dẫn đến lãng phí. Đây cũng là một trong những lý do dẫn tới việc Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết 88/2019/QH14 nhằm tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, trong 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đã nêu trong Nghị quyết 88/2019/QH14, nhiệm vụ đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp quan trọng, cần thiết bởi sự lan tỏa rộng rãi và đồng hành của chính sách này trong cộng đồng người nghèo, gia đình chính sách và đồng bào các DTTS.

Thực tế 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân khoảng 10%/năm. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.197 tỷ đồng; với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong đó, có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách, với dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS và miền núi đạt 56.550 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 39,3 triệu đồng (bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng/hộ). Tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng DTTS và miền núi.

Quy mô dư nợ đối với đồng bào DTTS tăng trưởng ấn tượng, cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa tới tay hộ DTTS nghèo. Qua đó, giúp đồng bào DTTS phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương để từng nước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế. 

Bình Nhi