Chủ yếu tập trung vào các đại biểu chuyên trách
Từ thực tế triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có thể coi là bước tiến về thể chế của quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương, trong đó, số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp tỉnh tiếp tục được tăng cường, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Luật hiện hành còn nhiều điểm bất cập trong cơ cấu, tổ chức bộ máy HĐND khiến HĐND chưa thể phát huy tối đa vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Theo Luật hiện hành, Thường trực HĐND bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban HĐND tỉnh. Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao ban, giải trình, khảo sát trước khi cho ý kiến xử lý các công việc phát sinh... Chế độ làm việc tập thể của Thường trực HĐND đòi hỏi các thành viên phải có thời gian nghiên cứu và tham gia đầy đủ vào tất cả các hoạt động. Tuy nhiên, các chức danh này trong luật vẫn để “mở” cho phép hoạt động kiêm nhiệm, khiến cho hoạt động của Thường trực HĐND ở một số địa phương mất đi tính chất “thường trực” hay “thường xuyên”, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của HĐND, đặc biệt đối với những địa phương các Trưởng Ban HĐND đều hoạt động kiêm nhiệm.
Khoản 2 Điều 103 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ: “Đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND. Thời gian làm việc trong năm mà đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc…..”. Tuy nhiên, thực tế rất ít đại biểu kiêm nhiệm có thể bảo đảm thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND. Chưa kể, trường hợp những địa phương bố trí Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Đảng kiêm nhiệm Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh thì bản thân các lãnh đạo ban này dễ bị “quá tải” công việc, rất khó bố trí thời gian, tâm sức, trí tuệ để thực hiện tốt nhiệm vụ dân cử.
Trong hoạt động của HĐND, giám sát là khâu trọng tâm, then chốt nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và là một trong những hoạt động quan trọng, chủ yếu của các đại biểu HĐND. Quyền giám sát của đại biểu HĐND thể hiện rõ nét nhất trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp và trong giám sát chuyên đề của Thường trực và các Ban HĐND. Tuy nhiên, thực tế tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh Thanh Hóa, hoạt động chất vấn tuy sôi nổi nhưng chủ yếu tập trung vào các đại biểu chuyên trách, một số đại biểu kiêm nhiệm, có chức danh lãnh đạo ít khi tham gia chất vấn. Trong hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh, sự tham gia của các đại biểu kiêm nhiệm cũng còn hạn chế.
Tăng tỷ lệ chuyên trách ở các vị trí chủ chốt
Thực tế hoạt động của HĐND qua nhiều nhiệm kỳ cho thấy, công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt của HĐND là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần thống nhất mô hình quản lý cơ cấu tổ chức theo hướng tăng tỷ lệ chuyên trách ở các vị trí chủ chốt của HĐND. Tức là, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban HĐND tỉnh phải hoạt động chuyên trách, hoặc ít nhất có 2 Trưởng Ban chuyên trách đối với địa phương có 4 ban; có 1 Trưởng Ban chuyên trách đối với địa phương có 3 ban.
Thực tế, Ban HĐND là cơ quan giám sát, thẩm tra các đề án, báo cáo, dự thảo nghị quyết được phân công và chịu trách nhiệm trước HĐND về toàn bộ hoạt động đó. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, Trưởng ban kiêm nhiệm khó có thể tham gia nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, văn bản, tham gia phản biện đầy đủ và kịp thời. Chưa kể, quá trình triển khai hoạt động giám sát của các Ban, không phải nội dung nào Trưởng Ban cũng tham gia mà nhiều cuộc ủy quyền cho các Phó Trưởng ban HĐND. Trong khi đó, các Phó Trưởng ban HĐND khi làm Trưởng đoàn giám sát thì thẩm quyền, vị thế sẽ khác vị trí Trưởng ban, nhất là ở cơ sở - đối tượng chịu sự giám sát là Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND là ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Vì vậy, cùng với bố trí Trưởng ban HĐND chuyên trách để bảo đảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động của HĐND tỉnh, cần nghiên cứu cơ cấu cấp ủy đối với lãnh đạo các Ban HĐND chuyên trách.
Có thể khẳng định, hoạt động của các Ban HĐND đóng vai trò rất quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Đối với tỉnh Thanh Hóa, thành viên các Ban HĐND tỉnh đã tham gia phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND ngay từ khâu lập tờ trình để bảo đảm đúng quy định pháp luật. Các Ban HĐND triển khai khảo sát thực tế để đánh giá đúng tình hình, xác thực các nội dung trình, nghiên cứu các văn bản liên quan và nắm bắt tâm tư của người dân, dư luận xã hội để công tác thẩm tra đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, khối lượng công việc ở các Ban HĐND tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, thành viên các Ban hiện đa số hoạt động kiêm nhiệm khiến cho một số hoạt động của Ban HĐND chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Do đó, cần sớm có cơ chế tăng số lượng đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.