Tham vấn ý kiến cử tri về nội dung giám sát chuyên đề
Việc vận dụng tham vấn ý kiến nhân dân vào hoạt động của cơ quan dân cử được HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh vận dụng từ rất lâu. Theo đó, ngoài thông qua TXCT, tiếp công dân, đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề theo cách tổ chức các phiên giải trình “ba mặt một lời”, trong đó có đại diện cử tri cùng tham gia; sử dụng phiếu điều tra xã hội học và mới đây nhất là tương tác qua mạng xã hội về các quyết sách mà HĐND ban hành cũng như đánh giá việc thực thi một chuyên đề giám sát trong thực tiễn được HĐND thị xã Hồng Lĩnh vận dụng khá thành công.
Theo đó, sau khi ban hành kế hoạch giám sát, nhận báo cáo của đơn vị được giám sát, Đoàn dành thời gian tiếp xúc trực tiếp với các cử tri có ý kiến để thu thập thông tin; đồng thời, nghe thêm nguyện vọng, phản ánh của cử tri trên lĩnh vực được giám sát. Đi khảo sát thực tế để kết luận được chính xác. Sau khi có sơ bộ kết quả giám sát, đoàn xây dựng kế hoạch giải trình “ba mặt một lời” về kết quả giám sát nhằm thu thập, kiểm chứng thông tin để làm rõ các vấn đề quan trọng nhưng còn \ ý kiến khác nhau làm cơ sở xem xét kết quả. Trên cơ sở dự thảo sơ bộ kết quả giám sát, xây dựng kịch bản phiên giải trình, trong đó chỉ rõ những nội dung cần làm rõ, quy trách nhiệm cụ thể tới từng cá nhân, tổ chức cụ thể. Gửi nội dung yêu cầu giải trình và văn bản trả lời của các cơ quan, cá nhân tới các đại biểu HĐND tham gia đoàn giám sát và các Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND để nghiên cứu, tiếp tục chất vấn trực tiếp tại phiên làm việc.
Tại phiên giải trình, có sự có mặt của các bên nên các vấn đề chưa thống nhất, còn vướng mắc, kiến nghị có thể "ba mặt một lời", những vấn đề giải quyết được ngay giao đơn vị được giám sát tiếp thu và cam kết thời gian giải quyết để cử tri và cơ quan dân cử giám sát; những vấn đề kiến nghị cấp trên và các vấn đề khó khăn có thể giãi bày trực tiếp và bàn giải pháp tối ưu.
Tuy nhiên, không phải cứ nội dung nào “giải trình” cũng ra được vấn đề, nhất là những vấn đề giám sát đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đó, HĐND thị xã Hồng Lĩnh đã tổ chức tọa đàm để tranh thủ được nhiều ý kiến chuyên gia nhằm làm sáng rõ vấn đề. Tọa đàm cũng là một biểu hiện độc đáo mang bản chất của tham vấn ý kiến. Theo đó, Thường trực HĐND thị xã đã tổ chức tọa đàm chuyên đề HĐND cấp huyện, xã ban hành văn bản QPPL thế nào cho đúng. Từ thực trạng quá trình xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn, bên cạnh phân tích nguyên nhân, tại buổi tọa đàm đã có 15 ý kiến tham luận, tập trung vào 8 nhóm vấn đề phát sinh qua thực tiễn ban hành văn bản QPPL. Điển hình như: phân biệt văn bản QPPL và các loại văn bản quản lý nhà nước khác; nghị quyết phân bổ dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách là văn bản QPPL hay văn bản hành chính thông thường; việc quyết định vấn đề ngân sách tại kỳ họp HĐND nên ban hành nghị quyết riêng hay là chung với nghị quyết kinh tế - xã hội...
Chủ tịch HĐND huyện tiếp xúc, đối thoại với nhân dân
Đây là hình thức mang bản chất tham vấn ý kiến khá nhiều địa phương đang vận dụng thực hiện. Đó cũng là yêu cầu của công tác dân vận chính quyền theo chỉ đạo của Đảng: đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Thế nhưng, đối thoại chuyên đề để rồi trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhân dân tiếp thu và có những quyết đáp rõ ràng thì không mấy địa phương làm được. Tháng 6.2022, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Dũng đã tiếp xúc, đối thoại với nhân dân xã Lý Nhơn. Tại cuộc tiếp xúc, có 17 ý kiến về những khó khăn trong đời sống hiện nay.
Tiếp thu rõ ràng từng nội dung, Chủ tịch HĐND huyện đã yêu cầu vào giữa tháng 6.2022, UBND xã Lý Nhơn chủ trì phối hợp các phòng, ban chuyên môn huyện tổ chức buổi tiếp xúc trực tiếp từng cá nhân có nội dung kiến nghị tại Hội nghị để kịp thời giải quyết, hướng dẫn, công khai quy trình, các thủ tục liên quan đến vấn đề tách thửa, cấp giấy, chuyển mục đích sử dụng đất giúp người dân giải quyết khó khăn, không để kéo dài; đồng thời, khảo sát thực tế ngay các công trình, cống thoát nước, đường giao thông nông thôn tại các ấp để khắc phục, sửa chữa; đối với các công trình nhỏ thì sửa chữa ngay, đối với các công trình dài hơn cần đưa vào kế hoạch, đề án thực hiện chương trình nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025…
Tiếp thu, lắng nghe và có cách giải quyết cụ thể như Chủ tịch HĐND huyện Cần Giờ cho thấy rõ tâm thế của cơ quan dân cử trong việc đại diện cho quyền với lợi ích chính đáng của cử tri và nhân dân. “Nên mở rộng hình thức đối thoại trong TXCT, không chỉ dừng lại ở người đứng đầu cấp ủy chính quyền đối thoại với dân. HĐND cũng có thể tổ chức đối thoại chuyên đề về một dự thảo nghị quyết hoặc việc thực thi một chính sách hay nghị quyết nào đó trong thực tiễn còn những vướng mắc để điều chỉnh quyết sách cho trúng. Việc đối thoại cũng sẽ thiết thực hơn trong giám sát của HĐND, nhất là giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri” - ông Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết.
Cũng là một hình thức tham vấn, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân mà nhiều địa phương đang vận dụng là tiếp công dân. Thế nhưng, tiếp công dân theo định kỳ hàng tháng theo lịch rõ ràng của đại biểu HĐND huyện và xã tại Trụ sở UBND xã thì không mấy địa phương thực hiện được. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, định kỳ hàng tháng, HĐND xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đều đặn phát đi thông báo tiếp công dân của đại biểu HĐND huyện và xã tại Trụ sở UBND xã để cử tri và nhân dân trên địa bàn biết, đến dự. Mặc dù số lượng cử tri không đông như TXCT nhưng qua tiếp xúc, bà Trịnh Thị Lục - Chủ tịch UBMTTQ xã cho biết, cách làm này được duy trì thường xuyên sẽ giảm các đơn thư khiếu kiện, bởi các công dân đến tiếp xúc với đại biểu khi đại biểu tiếp dân đều có những trăn trở, băn khoăn, từ việc nhỏ, việc của cá nhân đến việc lớn, mang tầm vĩ mô như vấn đề xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn cũng được cử tri phản ánh.
Có thể khẳng định đây cũng là hình thức lấy ý kiến cử tri thiết thực nhất, nhất là tham vấn được nhiều ý kiến cử tri trong quá trình thực thi các nghị quyết của HĐND cũng như chính sách pháp luật nhà nước trên địa bàn.