Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2021)

Bài 2: Quốc hội kiện toàn bộ máy nhà nước

- Thứ Hai, 28/12/2020, 06:02 - Chia sẻ
Từ sau Kỳ họp thứ Nhất (đầu tháng 3.1946) đến Kỳ họp thứ Hai (cuối tháng 10.1946) của Quốc hội, nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc ngày càng nặng nề, phức tạp. Bên cạnh đó, nhân sự trong bộ máy có những biến đổi nhất định, do đó yêu cầu kiện toàn bộ máy nhà nước đặt ra cấp bách.

Riêng việc này, trong khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “lúc nước nhà đang gặp khó khăn, quốc dân tin ở người nào mới trao cho người ấy công việc lớn, mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải tự hỏi lương tâm mình... Những người bỏ đi kia, chứng tỏ họ không muốn gánh việc nước nhà, hoặc họ không đủ năng lực mà gánh nổi. Nay chúng ta không có họ ở đây, chúng ta cũng cứ gánh được như thường. Nhưng nếu các anh em ấy biết nghĩ lại mà trở về, thì chúng ta vẫn hoan nghênh”.

	Đại biểu Quốc hội Khóa II bầu Chủ tịch Nước và Phó Chủ tịch Nước tại Kỳ họp thứ Nhất, tháng 7.1960 Ảnh tư liệu
Đại biểu Quốc hội Khóa II bầu Chủ tịch Nước và Phó Chủ tịch Nước tại Kỳ họp thứ Nhất, tháng 7.1960 Ảnh tư liệu

Lập Chính phủ mới - đoàn kết, tập hợp nhân tài không phân biệt đảng phái

Vì nhiệm vụ cấp bách của cách mạng, vì sự biến đổi nhân sự mà thực tiễn đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải điều chỉnh, phân công lại và bổ sung, củng cố, kiện toàn bộ máy nhà nước cho vững mạnh hơn, ngang tầm với nhiệm vụ. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã thảo luận và thông qua các nghị quyết về nội trị, ngoại giao, về việc lập Chính phủ mới, về quyền quan thuế, về việc phát hành giấy bạc Việt Nam...

Về việc lập Chính phủ mới, Quốc hội quyết nghị tán thành với chính sách chung của Chính phủ; tiếp nhận sự từ chức của Chính phủ trước và ủy nhiệm cho cụ Hồ Chí Minh đứng ra lập Chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài không phân biệt đảng phái. Cụ Hồ Chí Minh đã cảm ơn Quốc hội và tuyên bố: “Lần này là lần thứ hai mà Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa, Việt Nam chưa độc lập, chưa thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận.

Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan, phát tài.

Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái.

Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: tôi chỉ có một Đảng - Đảng Việt Nam.

Tuy trong nghị quyết của Quốc hội không nói đến hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết.

Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích, trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”(1).

Ngày 3.11.1946, Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra mắt trước Quốc hội gồm các thành viên:

   1. Hồ Chí Minh                   Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

   2. Huỳnh Thúc Kháng        Bộ trưởng Bộ Nội vụ

   3. Võ Nguyên Giáp             Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

   4. Nguyễn Văn Huyên        Bộ trưởng Bộ Giáo dục

   5. Lê Văn Hiến                    Bộ trưởng Bộ Tài chính

   6. Trần Đăng Khoa               Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính

   7. Hoàng Tích Trí                Bộ trưởng Bộ Y tế

   8. Nguyễn Văn Tạo             Bộ trưởng Bộ Lao động

   9. Vũ Đình Hòe                   Bộ trưởng Bộ Tư pháp

  10. Ngô Tấn Nhơn                Bộ trưởng Bộ Canh nông

  11. Chu Bá Phượng              Bộ trưởng Bộ Cứu tế

  12. Một vị ở Nam Bộ           Bộ trưởng Bộ Kinh tế

  13. Nguyễn Văn Tố              Bộ trưởng không bộ

  14. Bồ Xuân Luật                  Bộ trưởng không bộ.

Quốc hội đã biểu quyết phê chuẩn tán thành danh sách các thành viên Chính phủ mới. Đây là một Chính phủ tỏ rõ “tinh thần Quốc hội liên hiệp”, “chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới”(2).

Thảo luận và thông qua Luật Lao động

Cũng trong Kỳ họp thứ Hai này, Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi về nhiệm vụ của Ban Thường trực Quốc hội và cuối cùng đã nhất trí biểu quyết giao cho Ban Thường trực các nhiệm vụ: Liên lạc với Chính phủ để góp ý kiến và phê bình Chính phủ; liên lạc với ĐBQH và triệu tập họp Quốc hội khi cần thiết; cùng với Chính phủ quyết định tuyên chiến, đình chiến hoặc ký hiệp ước với nước ngoài.

Ban Thường trực Quốc hội được kiện toàn tại kỳ họp này gồm 18 vị: Trưởng ban là cụ Bùi Bằng Đoàn; Phó Trưởng ban là cụ Tôn Đức Thắng và Tôn Quang Phiệt. 

Tiếp theo Chương trình kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Tạo thay mặt Chính phủ trình. Dự án Luật này quy định chế độ lao động, đã được Ban Thường trực Quốc hội, Tổng Liên đoàn lao động và Viện Thương mại tham gia ý kiến. Một tiểu ban lao động của Quốc hội đã xem xét dự án. Nội dung dự án Luật lao động gồm 25 điều, trong đó nổi bật lên 8 vấn đề có tính nguyên tắc. Đó là nhìn nhận lao động, không được ai bó buộc, lao động phải được tôn trọng, giá trị phải được xứng đáng; định rõ chế độ học nghề; định rõ thể lệ trong việc lập và thi hành khế ước; định rõ phụ cấp cùng việc chia lãi; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; bảo vệ công nhân nữ và trẻ em (lao động); bảo vệ sức khỏe công nhân; quyền tập hợp và đình công của công nhân.

Ngày 8.11.1946, Quốc hội đã nhiệt liệt hoan nghênh và thông qua Luật Lao động. Tiếp đó, Quốc hội tiếp tục xem xét bản dự thảo Hiến pháp đã được tu chỉnh...

-----

(1) Văn kiện Quốc hội toàn tập, Tập I, Nxb CTQG, HN 2006, trang 93 - 94.

(2) Lịch sử Quốc hội Việt Nam, Nxb CTQG, HN. 1994, trang 101.

TS Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội