Trong Quy hoạch tỉnh, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Tỉnh cũng xác định phát triển 2 vùng kinh tế - xã hội phía Nam và phía Bắc. Vùng phía Nam gồm TP. Sông Công và TP. Phổ Yên sẽ trở thành khu vực đô thị hóa tập trung, là hạt nhân và động lực phát triển của tỉnh; 2 huyện Phú Bình và Đại Từ sẽ trở thành thị xã. Vùng phía Bắc gồm 4 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa và Phú Lương, định hướng phát triển là vùng bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản và du lịch.
Từ trước đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã định hướng phát triển hạ tầng các địa phương khu vực phía Nam nhằm tạo ra cơ hội phát triển nhảy vọt cho tỉnh. Bởi lẽ cả huyện Phú Bình, TP. Phổ Yên và TP. Sông Công đều còn nhiều dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp, xây dựng, đô thị và thương mại.
Sau hai năm triển khai Nghị quyết, định hướng chiến lược phát triển hạ tầng ở khu vực phía Nam đã đi vào cuộc sống và hiện thực hóa ở hàng trăm các công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, công nghiệp, đô thị... “Số vốn đầu tư đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng trên địa bàn TP. Phổ Yên, TP. ông Công và huyện Phú Bình”, ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết.
Đáng chú ý, tỉnh đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 3 dự án giao thông trọng điểm ở khu vực này. Đó là dự án đường ĐT.266 dài 5km nối huyện Phú Bình với TP. Phổ Yên; dự án đường ĐT.261 dài 50km nối huyện Đại Từ, TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình; dự án đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội tuyến qua địa phận TP Phổ Yên, huyện Phú Bình dài trên 9km.
Ngoài ra, còn một số dự án có quy mô lớn đã được khởi công xây dựng. Ví dụ như dự án đường liên kết vùng kết nối các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thông qua 5 tuyến đường cao tốc. Dự án kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc và Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa dài trên 42km, tổng mức đầu tư trên 3.700 tỷ đồng cũng đã được khởi công tháng 5.2021, dự kiến khai thác trong năm 2025.
Cùng với đó là hàng chục dự án giao thông nội thành, nội thị ở các địa phương phía Nam đang được thi công và dự kiến sớm được khởi công.
Bằng việc dồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở ở khu vực phía Nam, Thái Nguyên đã và đang khai mở những tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.471 ha. Hầu hết các khu công nghiệp nằm ở các địa phương phía Nam của tỉnh – nơi có vị trí giao thương thuận lợi do gần tuyến Quốc lộ 3 cũ, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối đi các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), cảng Hải Phòng... và hạ tầng trong các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 269 dự án đăng ký đầu tư với 199 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tỉnh cũng có 22/35 cụm công nghiệp có chủ đầu tư kết cấu hạ tầng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.650 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút được 65 dự án đầu tư thứ cấp.
Lĩnh vực công nghiệp đang giải quyết việc làm cho trên 250 nghìn lao động, chiếm trên 40% tổng số lao động của tỉnh Thái Nguyên.
Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích là 4.245 ha; phát triển 41 cụm công nghiệp, với diện tích 2.067 ha.
Ngoài 5 khu công đang hoạt động, tỉnh Thái Nguyên hiện có 2 khu công nghiệp đã quy hoạch và vừa quy hoạch thêm 4 khu công nghiệp khác - đều nằm bên cạnh đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và đường liên kết vùng Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc nên có thế mạnh thu hút đầu tư rất lớn theo đúng định hướng của tỉnh. Đó là chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao tại các công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị gia tăng.
Đồng thời, phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại; ưu tiên phát triển các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Gắn phát triển công nghiệp với đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao: Logistic, tài chính, ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin và truyền thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho rằng, với mục tiêu và định hướng phát triển công nghiệp rõ ràng, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, thách thức phía trước cũng không ít. Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh,... theo hướng ngày càng đơn giản, rõ ràng, công khai, minh bạch; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đối với nhà đầu tư.
“Tỉnh vận dụng phù hợp cơ chế, chính sách của Trung ương, kết hợp với cơ chế, chính sách của tỉnh để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tập trung triển khai các cơ chế, chính sách về giao đất, cho thuê đất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chuẩn bị mặt bằng; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu; xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm; đào tạo lao động...”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thái Nguyên sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đây là cơ chế riêng của tỉnh nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hiện đại, thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Từ đó, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia; hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn.
Có thể nói Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã đi vào thực tiễn từ rất sớm, đặc biệt việc phát triển cơ sở hạ tầng các địa phương khu vực phía Nam của tỉnh đã được cụ thể hóa theo diện rộng, chiều sâu, đồng bộ. Đây là bước đệm quan trọng để tỉnh Thái Nguyên phát triển đột phá trong giai đoạn tới.
Trình bày: Xuân Tùng