B2.png

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi tiếng Anh từ một ngoại ngữ sang ngôn ngữ thứ hai trong trường học có thể thực hiện được theo Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị nếu có một chiến lược toàn diện, nhưng đòi hỏi thời gian, nguồn lực cùng sự cam kết mạnh mẽ từ nhà trường, giáo viên và học sinh.

B4.png
A2-03.png
TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ GD-ĐT)

Trong Báo cáo thường niên dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm học 2022-2023 do GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ GD-ĐT) cùng các cộng sự thực hiện đã chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế và rào cản trong việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam hiện nay.

Theo đó, những điểm ưu việt của chương trình môn tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là không thể phủ nhận. Chương trình GDPT mới giảm tải hơn so với trước đó, các bài học vừa đủ, gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống để bảo đảm thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động học tích cực, tự lực của học sinh. Nội dung, kiến thức đưa vào vừa đủ và gắn với thực tiễn, các bài học tiếng Anh trong chương trình mới tạo thuận lợi cho học sinh ứng dụng vào các tình huống giao tiếp hàng ngày ở trường và ở nhà.

Dù vậy, hầu hết học sinh không thấy sự khác biệt về nội dung so với các chương trình ngoại ngữ mà các em đã học ở những năm trước đó, thậm chí nhiều học sinh cho rằng nội dung bị lặp đi lặp lại giữa các lớp. Nhiều học sinh chưa có đủ năng lực ngoại ngữ cơ bản từ cấp dưới. Đa số học sinh còn yếu về tiếng Anh, chưa bắt kịp chương trình mới do đã học ở cấp 2 chương trình và sách cũ. Có nhiều em chưa nắm vững, đầy đủ kiến thức cấp 2 nên khi tiếp cận chương trình THPT bị hổng kiến thức, không theo kịp và dễ đuối sức.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ GD-ĐT) nhìn nhận, chương trình mới rất hay, rèn luyện kỹ năng nghe nói tốt, nhưng sẽ rất nặng với các em học sinh không tập trung học ở THCS vì sẽ tiếp xúc lượng lớn từ vựng ở chương trình THPT.

Đối với kỹ năng nói, không có tiết dạy cho phần phiên âm quốc tế - phần vốn rất quan trọng để học cách phát âm cho đúng, từ đó tự tin giao tiếp hơn. Phần này có thể các em đã học ở cấp dưới, nhưng rất ít học sinh hiểu biết và vận dụng đúng. Đối với kỹ năng viết, khả năng ngoại ngữ của của học sinh không đồng đều, nhiều em vốn từ rất ít nên khi nói và viết không đủ từ để diễn đạt, điều này cần trau dồi từ những cấp học dưới đi lên. Đa phần học sinh ít khi được học về kỹ năng viết nên cảm thấy học văn bằng tiếng Việt đã khó, chuyển sang bài viết tiếng Anh càng khó hơn.

Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Thị Mai Hữu, cơ sở vật chất và kỹ thuật chưa đồng bộ với chương trình là một trở ngại lớn. Chương trình môn tiếng Anh theo chương trình GDPT 2018 được thiết kế mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng đòi hỏi phương pháp dạy - học phong phú, đa dạng, sáng tạo và ứng dụng nhiều công nghệ.

Sự không đồng bộ về quy mô lớp, thời lượng, cơ sở vật chất và kỹ thuật với các nội dung, cấu trúc và yêu cầu của chương trình khiến giáo viên và nhà trường khá chật vật khi triển khai chương trình. Trở ngại này có thể trở thành khó khăn lớn trong việc đạt được mục tiêu của chương trình.

“Thời gian trên lớp không đủ để tất cả học sinh đều được thực hành nói tiếng Anh. Nhiều em còn ngại ngùng khi được yêu cầu nói, việc hoạt động nhóm để luyện nói còn chưa có điều kiện triển khai thường xuyên và chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, lớp học quá đông, giáo viên không thể bao quát hết học sinh trong lớp, học sinh không được luyện tập nhiều, kỹ năng nghe - nói đều không đủ thời gian cho tất cả luyện tập và giáo viên chỉnh sửa cho các em. Trình độ của học sinh không đồng đều nên khó áp dụng các phương pháp dạy học mới”, TS Nguyễn Thị Mai Hữu phân tích.

Một khó khăn khác là không đủ tiết để ra sản phẩm đối với kỹ năng viết, việc thực hiện các bài tập nhỏ quá nhanh khiến học sinh không đủ thời gian để ngấm. Tài liệu còn hiếm trong quá trình hướng dẫn học sinh tự học, tự bồi dưỡng thêm tại nhà, ngoài giờ lên lớp. Đặc biệt, đối với học sinh vùng cao, đôi khi khả năng giao tiếp tiếng Việt còn chưa rõ ràng, rất khó để tiếp thu kiến thức tiếng Anh.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu cho biết, quá trình dạy - học thời gian vừa qua đã bộc lộ những thực tế cho thấy việc đạt được mục tiêu đề ra của Chương trình là không dễ dàng. Do vậy, cần sự đầu tư hơn nữa vào cơ sở vật chất, trang thiết bị để đa dạng hoá và tăng mức độ thường xuyên sử dụng các sản phẩm công nghệ trong quá trình dạy và học ngoại ngữ.

A2-04.png
A2-05-2.png
TS Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

TS Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để phân biệt giữa tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai và tiếng Anh như là ngoại ngữ, phải căn cứ vào môi trường sử dụng ngôn ngữ.

Theo đó, tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL) được sử dụng trong môi trường mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp hàng ngày, giáo dục, công việc, và các hoạt động xã hội. Người học ESL có thể sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong cuộc sống ngoài môi trường học tập.

Tiếng Anh như ngoại ngữ (EFL) được học và sử dụng chủ yếu trong các lớp học hoặc bối cảnh học tập chính thức và ít được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Người học EFL thường không có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học.

Vì vậy, người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai thường có nhu cầu sử dụng tiếng Anh để giao tiếp thực tế trong đời sống, công việc hoặc học tập; mục đích là sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo trong cả môi trường chuyên môn và xã hội. Người học tiếng Anh như ngoại ngữ thường học để đạt các mục tiêu như vượt qua kỳ thi hoặc sử dụng tiếng Anh trong các tình huống giao tiếp quốc tế hoặc trong bối cảnh nghề nghiệp nhất định. Mức độ thực hành trong cuộc sống hàng ngày ít hơn so với người sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

“Chính vì lẽ đó, Chính phủ và hệ thống giáo dục của các nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai thường có các chính sách và chương trình hỗ trợ việc học tiếng Anh, thậm chí đưa tiếng Anh vào giảng dạy như ngôn ngữ chính hoặc đồng chính thức trong các trường học. Còn ở các nước mà tiếng Anh chỉ là ngoại ngữ, việc học tiếng Anh thường được coi là một môn học bổ sung và có thể không có sự hỗ trợ tương đương từ hệ thống giáo dục hay Chính phủ”, TS Đỗ Tuấn Minh cho hay.

TS. Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh, việc chuyển hóa từ giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ sang dạy và sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong một trường học có thể thực hiện được nếu có một chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi thời gian, nguồn lực và sự thay đổi căn bản trong tư duy giáo dục.

A2-06.png
Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN tổ chức chương trình thực địa nằm trong Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại 35 trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, với sự tham gia của 40 giảng viên tại các khoa đào tạo về tiếng Anh cùng các giáo viên tiếng Anh Trường THCS Ngoại ngữ
A2-07.png

Theo TS. Đỗ Tuấn Minh,Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc một trường học mong muốn chuyển từ việc dạy tiếng Anh như ngoại ngữ sang ngôn ngữ thứ hai không phải là điều thường gặp ở hầu hết các trường học hiện tại, đặc biệt là ở các quốc gia nơi tiếng Anh không phổ biến rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể.

Mục tiêu này có thể xuất phát từ mong muốn nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh và chuẩn bị cho các cơ hội học tập và nghề nghiệp quốc tế tốt hơn. Nhiều trường quốc tế hoặc các trường song ngữ đã áp dụng thành công mô hình dạy và sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và điều này đã giúp học sinh có khả năng sử dụng thành thạo cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Anh.

TS. Đỗ Tuấn Minh phân tích, thời gian chuyển đổi này có thể mất nhiều thời gian vì còn phụ thuộc vào các yếu tố: mức độ hiện tại của học sinh; hệ thống hỗ trợ; nguồn lực: các nguồn lực giáo dục như tài liệu học tập, công nghệ hỗ trợ, và môi trường thực hành đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa.

Việc xây dựng môi trường học đường mà tiếng Anh được sử dụng hàng ngày cũng là một thách thức và chương trình đào tạo và kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi này sẽ gặp nhiều khó khăn về năng lực giáo viên, thay đổi văn hóa học đường, áp lực học tập.

“Khả năng thành công của quá trình chuyển đổi này phụ thuộc vào cam kết của nhà trường. Nếu trường có cam kết mạnh mẽ, chiến lược và đầu tư vào quá trình này, khả năng thành công sẽ cao hơn. Việc xây dựng một môi trường học đường mà tiếng Anh được sử dụng hàng ngày là yếu tố quyết định. Đồng thời, cần đảm bảo giáo viên được đào tạo đủ kỹ năng và có các tài liệu, công cụ hỗ trợ việc dạy học bằng tiếng Anh. Học sinh cần được hỗ trợ tối đa, cả trong lớp học và ngoài lớp học và phụ huynh cần đồng hành cùng nhà trường trong quá trình này”, TS. Đỗ Tuấn Minh nói.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: "Quá trình chuyển đổi từ tiếng Anh như một ngoại ngữ sang ngôn ngữ thứ hai trong một trường học có thể thực hiện được, nhưng đòi hỏi thời gian, nguồn lực cùng sự cam kết mạnh mẽ từ cả nhà trường, giáo viên và học sinh. Mặc dù có nhiều khó khăn, nếu có chiến lược và đầu tư phù hợp, khả năng thành công là hoàn toàn khả thi".

GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn. Tuy nhiên, khi đã có chỉ thị của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc. Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan cũng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Cụ thể, căn cứ vào luật pháp, nghị quyết của Quốc hội, rút kinh nghiệm dạy và học tiếng Anh trước đây, Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai cụ thể việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thi cử, cơ chế, chính sách.

Ngoài ra, phải chú ý, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và các bậc cha mẹ ở các vùng khó khăn. Ví dụ, học sinh ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia, hải đảo còn có nhu cầu nói tiếng Trung, Lào, Campuchia. Vì thế, cần tính toán rất cụ thể để bảo đảm kết quả và thắng lợi của chỉ thị này.

A2-08.png

Trên thực tế, thời gian vừa qua, nhiều đơn vị, địa phương đã triển khai các mô hình mới giúp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, hành trình đẩy nhanh tiến độ để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học không dễ dàng và rất cần những “người đi trước”, những đơn vị tiên phong cả ở khu vực đô thị lẫn vùng sâu, vùng xa. Trong đó, toàn bộ "cái khó" sẽ nằm ở vùng khó.

A2-09.png
Một lớp học tiếng Anh của học sinh tiểu học huyện Mù Cang Chải

Mù Cang Chải - huyện nghèo vùng cao của tỉnh Yên Bái là một trong những đơn vị đã triển khai thành công mô hình dạy và học tiếng Anh mới trong điều kiện thiếu giáo viên trầm trọng, đem lại những kết quả bất ngờ.

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải Nguyễn Anh Thuỷ, huyện thiếu khoảng 300 giáo viên ở các cấp (không riêng giáo viên tiếng Anh), trong đó mầm non khoảng hơn 100 giáo viên, tiểu học khoảng 70 giáo viên, THCS gần 100 giáo viên. Với các môn học đặc trưng của Chương trình GDPT 2018 như Tin học và Ngoại ngữ, tình trạng thiếu giáo viên càng trầm trọng.

Dù nhiều năm tỉnh Yên Bái mở đăng ký ứng tuyển, nhưng sau 4 - 5 lần vẫn hầu như không nhận được hồ sơ nào cho vị trí giáo viên tiếng Anh. “Toàn huyện Mù Cang Chải hiện chỉ có duy nhất 1 giáo viên tiếng Anh biên chế cấp tiểu học, trong khi đó theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018, môn tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Thời gian ban đầu, tôi thậm chí không biết phải làm như thế nào”, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải Nguyễn Anh Thuỷ nói.

z5882368670767_5c3a969cdb35764503d3f2b1d520258d.jpg
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải Nguyễn Anh Thuỷ

Ông Nguyễn Anh Thuỷ cho biết, sau đó, lãnh đạo huyện Mù Cang Chải và Phòng GD-ĐT cùng chủ động đi tìm kiếm các giải pháp và đã nhận được sự hỗ trợ của một tập đoàn tại Hà Nội để thực hiện dự án "Dạy tiếng Anh qua Toán và Khoa học" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, mang đến cho trẻ em Mù Cang Chải cơ hội tiếp cận với tiếng Anh một cách sáng tạo và hiệu quả.

Trong cùng một khung giờ, gần 4.000 học sinh tại 117 lớp học từ 16 trường tại Mù Cang Chải được cùng kết nối trên nền tảng số, học tiếng Anh qua những bài giảng sinh động, có tính tương tác cao. Giờ học được giảng dạy bởi 1 giáo viên tiếng Anh có chuyên môn cao tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của 146 giáo viên đồng giảng tại Mù Cang Chải. Bài giảng số được cài đặt vào máy tính tại các lớp học ở địa phương. Giáo viên đồng giảng không nhất thiết phải biết tiếng Anh vì sẽ được tập huấn sử dụng các trang thiết bị điện tử, hệ thống phần mềm và quy trình vận hành một buổi học theo giáo án. Sau thời gian chuẩn bị kỹ càng, thử nghiệm nhiều lần, ngày 10.1.2023, chương trình chính thức khai giảng.

“Đến hết năm học đầu tiên, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra đánh giá, kết quả ban đầu vượt xa mong đợi. Các cháu học sinh trên này hết sức hào hứng, chịu khó tương tác và rất mong muốn đến tiết học để được học. Vì tất cả đều rất trực quan, rất sinh động, phần mềm dạng hoạt hình nên các cháu bé rất thích.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng được tiếp cận với phương pháp dạy học mới, biết sử dụng các trang thiết bị điện tử, biết khai thác tư liệu điện tử, khai thác bài dạy trên nền tảng số; từ đó có thêm những nhận thức về đổi mới trong phương thức dạy học. Đây là một trong những ưu điểm rất lớn khi triển khai mô hình này”, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải Nguyễn Anh Thuỷ cho hay.

Đến nay, chỉ sau 2 năm triển khai dự án, từ việc gần như chưa được tiếp cận ngoại ngữ, gần 4.000 học sinh thuộc 16 trường thuộc huyện Mù Cang Chải đã được học tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần (1 tiết tiếng Anh Toán và 1 tiết tiếng Anh Khoa học), 114 giáo viên địa phương thành thục thao tác kết nối và tương tác với thiết bị, bài giảng, các phần mềm dạy học.

A2-10.png
Dự án "Dạy tiếng Anh qua Toán và Khoa học" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã mang đến cho trẻ em Mù Cang Chải cơ hội tiếp cận với tiếng Anh một cách sáng tạo và hiệu quả

Năm học 2023 - 2024, số học sinh đạt điểm 7 trở lên và hoàn thành tốt môn tiếng Anh tăng trên 30%, số học sinh bị điểm dưới trung bình giảm đáng kể so với năm học 2022 - 2023. Đặc biệt, ở khối 4, số học sinh đạt điểm 9, 10 tăng gần 50% sau một năm học.

“Những kết quả thu được khiến khiến tất cả chúng tôi vô cùng bất ngờ. Kỹ năng của cả giáo viên và học sinh thay đổi rõ rệt. Với tầm nhìn xa hơn, việc trang bị ngoại ngữ cho các em từ cấp tiểu học sẽ tạo ra các thay đổi cơ bản cho nguồn nhân lực tương lai của địa phương”, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải Nguyễn Anh Thuỷ nhấn mạnh.

A2-11.png

Huyện Ba Vì, Hà Nội cũng là một trong những địa phương áp dụng thành công mô hình nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh, ghi nhận những kết quả tích cực. Huyện có có 7 xã miền núi, là nơi sinh sống tập trung của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm học 2019-2020, huyện Ba Vì lần đầu thực hiện thí điểm Đề án “Hợp tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì” tại 10 trường trên địa bàn; năm học 2020-2021 thực hiện tại 20 trường. Đến năm học 2021- 2022, huyện hợp tác với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai Đề án trên quy mô 35 trường THCS, mục tiêu để các hoạt động thực sự có hiệu quả, đi vào chiều sâu.

A2-12.png
Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN tổ chức chương trình thực địa nằm trong Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại 35 trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, với sự tham gia của 40 giảng viên tại các khoa đào tạo về tiếng Anh cùng các giáo viên tiếng Anh Trường THCS Ngoại ngữ.

Theo Đề án này, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức tập huấn 3 đợt cho 105 giáo viên dạy Tiếng Anh của 35 trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, tập trung bồi dưỡng về phương pháp dạy học, phương pháp ôn luyện cho học sinh, tập huấn về kiểm tra và thi.

Trường Đại học Ngoại ngữ phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì tổ chức 3 đợt thực địa tại 35 trường THCS (2 đợt trực tuyến, 1 đợt trực tiếp) với sự tham gia của 18 giảng viên, 111 giáo sinh. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Đề án của Trường Đại học Ngoại ngữ đã xây dựng kế hoạch thi thử dành cho học sinh lớp 9 mang tên "Hành trình vượt vũ môn", biến những cuộc thi trước nay học sinh thường cảm thấy áp lực trở thành động lực để các em phấn đấu.

Ngoài việc tập trung bồi dưỡng, hỗ trợ các thầy cô giáo và học sinh THCS, Đề án cũng quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học với 3 đợt tập huấn, nội dung tập trung vào việc bồi dưỡng giáo viên triển khai hiệu quả việc dạy học môn tiếng Anh bậc tiểu học trong Chương trình GDPT 2018; sử dụng và cách khai thác SGK môn tiếng Anh; giáo viên được hỗ trợ, bồi dưỡng phát triển toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; tăng sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, những hoạt động của đề án đã giúp học sinh có chuyển biến tích cực trong môn tiếng Anh, ý thức hơn, tự giác hơn trong học tập, yêu thích môn tiếng Anh hơn. Hiện nay, tại các trường đã có nhiều câu lạc bộ Tiếng Anh hoạt động sôi nổi; các em học sinh rất tích cực trao đổi với thầy cô thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại TP Hà Nội năm học 2022- 2023, điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh toàn huyện là 5,08 điểm (tăng 0,27 điểm so với năm trước); có 5 trường điểm trung bình đạt từ 6,0 điểm trở lên; 21 học sinh đạt điểm tuyệt đối 10/10. Trong số những học sinh đạt điểm 10 môn tiếng Anh, nhiều em là học sinh miền núi.

Tác giả: Hồng Hạnh - Nguyễn Liên - Cao Kỳ
Trình bày: Quang Trung

Giáo dục

Đề nghị ưu tiên bố trí kinh phí cho giáo dục nghề nghiệp
Chính trị

Đề nghị ưu tiên bố trí kinh phí cho giáo dục nghề nghiệp

Chiều 1.10, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; tình hình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và trẻ em. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.

Hà Nội: Tổ chức đa dạng các hoạt động trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2024
Giáo dục

Hà Nội: Tổ chức đa dạng các hoạt động trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2024

Theo kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 diễn ra từ ngày 1.10 đến ngày 7.10. Trong thời gian này, Hà Nội sẽ tổ chức hội sách để giới thiệu sách mới; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đổi mới thư viện trường học, phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục, cộng đồng...

 Xúc động câu chuyện trong bão số 3 tại chương trình phát động nâng bước em tới trường
Giáo dục

Xúc động câu chuyện trong bão số 3 tại chương trình phát động nâng bước em tới trường

Sáng 30.9, báo Tiền Phong phối hợp Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) tổ chức lễ phát động Chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường” với sự tham gia của 1.500 học sinh 3 trường học gồm: THCS Cầu Giấy, THCS - THPT Nguyễn Siêu, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và đại diện hàng chục trường học trên toàn thành phố. 

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: Vừa thiếu, vừa yếu lại thêm nguyên tắc “có vào thì sẽ có ra”
Giáo dục

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: Vừa thiếu, vừa yếu lại thêm nguyên tắc “có vào thì sẽ có ra”

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN cho biết, mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu nghiên cứu sinh, bên cạnh đó phương châm đào tạo còn lỏng lẻo. Ngoài ra, kinh phí dành cho đào tạo sau đại học, trong đó có đào tạo NCS thấp, và rất thấp so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Khởi công xây dựng Tòa nhà Trung tâm điều hành Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc
Giáo dục

Khởi công xây dựng Tòa nhà Trung tâm điều hành Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc

Ngày 27.9, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Tòa nhà Trung tâm điều hành - Khu trung tâm ĐHQGHN thuộc Dự án “Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQGHN”. Công trình được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Thế giới.

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Từng bước thí điểm và nhân rộng
Video

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Từng bước thí điểm và nhân rộng

Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm “Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?”. Tọa đàm nhằm ghi nhận ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng hoạt động dạy và học tiếng Anh tại các trường học ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đề xuất giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?
Giáo dục

20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?

Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao đến năm 2030 dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỷ đồng.