Phụ nữ tham gia vào cơ quan dân cử - Hướng tới bình đẳng thực chất

Bài 2: Nhiều kỳ vọng

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 11:14 - Chia sẻ

Nhìn vào những kết quả mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện bình đẳng giới, nhất là ở tỷ lệ phụ nữ là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, nhiều chuyên gia giới cho rằng, tỷ lệ là điều kiện cần, nhưng chất lượng của đại biểu nữ mới là điều kiện đủ để trở nhân tố thúc đẩy quá trình tiến tới mục tiêu bình đẳng giới đã được đặt ra trong các văn kiện đại hội đảng cũng chính sách pháp luật.

Mục tiêu... còn xa

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trên mọi lĩnh vực với 7 mục tiêu cụ thể. Trong đó, mục tiêu thứ nhất là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước ở các cấp đều có tỷ lệ nam giới cao hơn nữ. Báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Khoảng cách giới năm 2021 cho thấy: tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ còn hết sức khiêm tốn. Cụ thể, tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. 

Cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo.
Nguồn ITN

Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn; Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ. Ở khối dân cử, tỷ lệ nữ ĐBQH Khóa XV mặc dù đạt cao hơn nhiều so với những nhiệm kỳ khóa trước (đạt 30,26%), song so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, thì tỷ lệ này vẫn còn một khoảng cách khá xa. Trưởng bộ môn Khoa học xã hội, Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Ths Phạm Thị Thanh Mai cũng cho rằng: “Qua các kỳ bầu cử ĐBQH cho thấy, tỷ lệ nữ ĐBQH các khóa gần đây tăng, giảm không ổn định, thiếu bền vững.”.

Chia sẻ về vấn đề này, ĐBQH Khóa XIV Ksor H’Bơ Khăp nhìn nhận: việc cơ cấu ĐBQH là nữ nhiệm kỳ 2021-2026 đã đạt tỷ lệ bầu trúng cao cho thấy chủ trương của Đảng trong công tác cán bộ đối với giới nữ là chính đáng, phù hợp với xu hướng, đảm bảo cho một Việt Nam hiện đại, dân chủ và bình đẳng, xứng đáng với các chủ trương hội nhập Quốc tế của Nhà nước ta hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay ĐBQH nói chung, ĐBQH nữ nói riêng vẫn còn tính cơ cấu ngành nghề, địa phương cao... Điều này dẫn đến chất lượng cũng như sự tham gia thực chất của không ít người gần như rất hạn chế, nếu không muốn nói là rất “mờ nhạt”, không thể hiện được vai trò là người đại diện, không nói lên được tiếng nói của cử tri.

ĐBQH Khóa XIV Ksor H’Bơ Khăp
Nguồn ITN

Tôi đánh giá trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, năng lực của đại biểu nữ cũng được cải thiện đáng kể đáp ứng các tiêu chuẩn của ĐBQH. Chúng ta luôn phải lưu ý tăng cường số lượng phải đi kèm với chất lượng, tăng tỷ lệ cán bộ nữ không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trưởng Bộ môn Khoa học xã hội, Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Ths Phạm Thị Thanh Mai

Không chỉ là khoảng trống pháp luật

Nêu nguyên nhân khiến công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa đạt như mong đợi, nữ giới vẫn bị “lép vế” so với nam giới, các chuyên gia độc lập về bình đẳng giới cho rằng: do có “khoảng trống” trong chính sách pháp luật. Cụ thể, hệ thống chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa toàn diện, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản và các giai đoạn. Nếu Nghị quyết số 11-NQ/TW đặt ra phấn đấu đến năm 2020 có 25% trở lên cán bộ nữ tham gia cấp ủy thì Chỉ thị 35-CT/TW lại đặt ra “phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên”.

Đến nay vẫn chưa có các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo cấp vụ và tương đương, cấp phòng và tương đương trong bộ máy chính quyền nhà nước, các cơ quan của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. “Nếu không có tỷ lệ cụ thể ở các cấp này thì sẽ khó bảo đảm được tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt ở các cấp cao hơn”- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) Tiến sỹ Lê Văn Sơn cho biết.

Ngoài những nguyên nhân trên, một rào cản khiến mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa đạt được như mong đợi, là do định kiến giới vẫn còn. Kết quả khảo sát PAPI qua các năm 2019 và 2020 cũng cho thấy, định kiến của cử tri đối với ứng cử viên nữ đã có gia đình, phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo ở cấp thôn/tổ dân phố vẫn đang phổ biến. Điều này khiến tỷ lệ nữ làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố qua khảo sát trực tiếp ở 832 đơn vị thôn, ấp, bản, tổ dân phố đạt chưa đến 25%.

Bày tỏ về vấn đề này, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An Hoàng Thị Châu cũng nêu thực tế: định kiến giới vẫn đang tồn tại, nhất là ở cấp xã phường, quan niệm phụ nữ còn phải chăm lo việc nhà vẫn chiếm ưu thế nên dù nhiều chị e được trúng cử, được đề cử giữ các vị trí chủ chốt trong đơn vị song chưa được coi trọng.

ĐBQH Khóa XV Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình chia sẻ “Trước khi trở thành nữ nghị sĩ, mặc dù đã từng kinh qua nhiều vị trí công việc khác nhau, được học tập và nghiên cứu nhiều trong lĩnh vực pháp luật, có thời gian trải nghiệm thực tế, song do phụ nữ gánh trên vai quá nhiều trọng trách, ngoài  công việc cơ quan, còn phải thực hiện nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ nên bản thân luôn phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để xử lý, bố trí hài hòa giữa việc riêng và việc chung, như các cụ đã nói “Đảm việc nước, giỏi việc nhà”.

Nhóm PV Bạn đọc - Pháp luật