Quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh

Bài 2: Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối

- Chủ Nhật, 08/11/2020, 07:25 - Chia sẻ
Cổ phần hóa tức là doanh nghiệp được quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất, không thể để tư nhân nắm giữ quyền chi phối cả vùng đất mênh mông được. Với quan điểm như vậy, tại cuộc làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đề nghị, khi cổ phần hóa đất nông trường, lâm trường, Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối.

Vướng mắc nằm ở cổ phần hóa

Chậm xác định giá đất, giá trị cổ phần, xác định ranh giới giữa các công ty nông, lâm nghiệp để thực hiện cổ phần hóa là nguyên nhân gây ra hiệu quả sử dụng đất không cao. Vì vậy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng, đây cũng là nguyên nhân cốt lõi khiến việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về “tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng” bị ảnh hưởng.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, khó khăn trong thực tiễn là đất của các nông lâm trường rất lớn, lại có nhiều chủ sở hữu khác nhau, nên việc tái cơ cấu chưa thể giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, nông, lâm trường có nhiều loại đất, đất trồng cây lâu năm, đất dịch vụ. Một số nơi, nông, lâm trường còn quản lý cả rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, thậm chí cả rừng đặc dụng. Thứ trưởng Lê Minh Ngân nêu rõ “trong quá trình chuyển đổi nông, lâm trường theo hướng cổ phần hóa, nếu chúng ta không tính đến việc đưa cả quyền sử dụng đất vào cổ phần thì sẽ làm mất đất của Nhà nước. Chúng ta chuyển đất đai tập thể do nông lâm trường đại diện Nhà nước quản lý thành tư nhân, đương nhiên sẽ làm mất đất. Nên khi làm việc các tỉnh đều rất dè dặt đối với việc cổ phần hóa này”. Cổ phần hóa tức là doanh nghiệp được quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất, không thể để tư nhân nắm giữ quyền chi phối cả vùng đất mênh mông được. Khẳng định điều này, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị, khi cổ phần hóa đất nông, lâm trường, chúng ta phải nhớ rõ Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Quyết liệt hơn nữa

Trong Nghị quyết 112 của Quốc hội có 5 nội dung yêu cầu Chính phủ thực hiện. Đó là chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp; khẩn trương xây dựng và hoàn thành việc phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp để tổ chức thực hiện theo mô hình mới... Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, chúng ta đã có sắp xếp lại, nhưng còn chưa mới.

Ủy viên Thường trực Đỗ Thị Lan đặt vấn đề, không thể cứ để khó, triền miên, nan giải là những từ nói mãi về cổ phần hóa các nông, lâm trường. Không có giải pháp mạnh, nên phải chăng cứ vướng mắc.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng, tổng diện tích đất các công ty nông, lâm trường bàn giao cho địa phương là khoảng 1.084.000ha, trong đó mới xây dựng phương án sử dụng khoảng 15% diện tích đất, (khoảng 158.045ha, diện tích còn lại chưa có phương án chiếm tới 927.376ha). Trước đó, trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16.6.2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh đã xác định đổi mới hoạt động công ty nông, lâm nghiệp, giao đất về cho địa phương. Qua điều tra, ước tính cả nước có hơn 381.293 người dân thiếu đất sản xuất, nhưng lượng đất chưa có phương án sử dụng vẫn lớn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, quỹ đất từ nông lâm trường rất lớn nhưng lại vượt tầm khả năng quản lý, rõ ràng "ôm vào" nhưng không phát huy hiệu quả sử dụng đất đai. Phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết. Tại sao địa phương cũng nắm rất chắc vấn đề này mà không làm được. Và một phần việc nữa cũng đang tồn tại là đất giao cho địa phương cũng chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả. Ghi nhận nỗ lực và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, song các đại biểu mong muốn, Bộ sẽ nêu rõ giải pháp khắc phục và quyết liệt hơn nữa trong thực hiện.

Ý Nhi