Bài 2: Nghỉ hưu: Quyền hay nghĩa vụ?

Ts. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Quỳnh Chi ghi
17/12/2018 08:09

Tuổi hưu hiện tại đang giới hạn ở mức 60 với nam và 55 với nữ. Nhưng tuổi nghề đôi khi lại không giống như vậy. Tuổi nghề có thể giúp một giáo viên dù 70 tuổi vẫn có thể đứng lớp để có thêm thu nhập. Nhiều người lao động nghỉ hưu vẫn có nhu cầu làm việc. Điều này chứng tỏ, xu hướng tăng tuổi hưu ngoài lý do đáp ứng nhu cầu làm việc, còn có thể giúp tăng thêm một khoản thu nhập chính đáng cho người lao động lớn tuổi.

Việt Nam thuộc nhóm nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp

Người lao động có thể lựa chọn giữa việc làm tốt hơn để có thu nhập tốt hơn hay về hưu để có thu nhập thấp. Vấn đề về hưu không đơn thuần là nghỉ ngơi. Tuổi về hưu của một đời người khác với tuổi hưu của một nghề. Trong thị trường lao động người lao động phải có sự chuẩn bị, cũng giống như người lao động đến 35 tuổi, nếu không có đủ khả năng làm việc ở ngành nghề này nhưng kinh nghiệm của họ có thể làm ở ngành nghề khác. Vì vậy, hết tuổi làm nghề đó thì chưa thể nghỉ hưu khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe có nhu cầu thì hoàn toàn có thể làm việc. Đây là quyền theo Hiến định, đồng thời cũng là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong thực tiễn, đặc biệt là khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang phát triển rất nhanh chóng, trong đó, một ưu điểm phải kể đến là có thể giúp con người hạn chế phần nào việc trực tiếp làm việc trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

Hệ thống hưu trí hiện tại của nước ta có đặc trưng là độ tuổi nghỉ hưu thấp, đặc biệt là đối với nữ giới và nhóm lao động được sắp xếp nghỉ hưu sớm. Mặc dù tuổi nghỉ hưu quy định là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, song trên thực tế, tuổi nghỉ hưu trung bình chỉ là 54,2 năm, trong đó với tuổi nghỉ hưu trung bình của nam là 55,6 tuổi và đối với phụ nữ 52,6 tuổi (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2016). Quy định tuổi nghỉ hưu thấp dẫn đến thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội ngắn (số năm đóng góp trung bình đối với nam là 28, nữ là 23) trong khi đó thời gian hưởng hưu trí dài. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, năm 2016, khoảng cách giữa tuổi thọ và tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam của nam giới là 11 năm (ở tuổi 60) và nữ là 20 năm (ở tuổi 55). Việt Nam thuộc nhóm nước có tuổi nghỉ hưu thấp trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Các nước khác có độ tuổi nghỉ hưu cao hơn ví dụ như: Singapore, Philippines và Hàn Quốc.

Trong khi đó, thực tế đã cho thấy, người lao động vẫn tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu với tỷ lệ rất cao. Kết quả điều tra Quốc gia về người cao tuổi nước ta cho thấy, có tới 60% người trong độ tuổi 60 - 69 đang làm việc. Tỷ lệ đi làm ở nam giới (45,3%) cao hơn nữ giới (34,9%). Nếu mỗi năm có khoảng 120.000 lao động nghỉ hưu sẽ có khoảng 48.000 lao động vẫn tiếp tục làm việc.
Chế độ hưu trí là một chế độ của bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm dài hạn cho người lao động khi già yếu, hết tuổi lao động, cung cấp một khoản tiền thay thế cho phần thu nhập không được nhận từ nghề nghiệp do phải nghỉ hưu. Có thể nói, đây là chế độ bảo đảm quan trọng nhất trong các chế độ bảo hiểm xã hội. Công ước quốc tế Về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận tại Điều 9: “Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền của mọi người được hưởng an sinh xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội”. Điều 25 phần IV Công ước số 102 năm 1952 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) quy định những quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội cũng nhấn mạnh: “Mọi nước thành viên chịu hiệu lực của Phần này trong Công ước phải bảo đảm cho những người được bảo vệ được nhận trợ cấp tuổi già theo những điều của Công ước”.
Xét ở khía cạnh nhân quyền thì được hưởng an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội nói chung và quyền hưởng hưu trí nói riêng là quyền của công dân, của người lao động. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh kinh tế của quan hệ bảo hiểm xã hội thì để được hưởng bảo hiểm xã hội người lao động phải tham gia (đóng) bảo hiểm xã hội theo một mức nhất định (thường là theo mức tiền lương, tiền công, thu nhập) do nhà nước quy định.

Cần hạn chế chi trả hưu trí một lần

Theo quy định tại Công ước số 128 Về trợ cấp tàn tật, tuổi già và tiền tuất năm 1967 của ILO thì về độ tuổi nghỉ hưu: “2. Độ tuổi quy định không quá 65. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền có thể quy định một độ tuổi cao hơn, theo các chỉ tiêu về nhân khẩu, kinh tế và xã hội thích hợp, được số liệu thống kê chứng minh; 3. Nếu độ tuổi quy định bằng hoặc cao hơn 65, độ tuổi đó phải được hạ thấp trong những điều kiện quy định nhằm mục đích trợ cấp tuổi già, đối với những người đã làm những công việc được pháp luật quốc gia coi là nặng nhọc hoặc độc hại”.

Như vậy, về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, để được hưởng chế độ hưu trí (tuổi già) thì người lao động có nghĩa vụ tham gia đóng bảo hiểm trong một thời gian và phải đạt đến một độ tuổi nhất định do pháp luật quốc gia quy định.

Tuy nhiên, khi đủ các điều kiện nói trên thì có hai vấn đề đặt ra. Một là, đủ điều kiện nghỉ hưu có phải là cơ sở để chấm dứt quan hệ lao động? Hai là, nghỉ hưu là quyền hay nghĩa vụ của người lao động?

Thứ nhất, quan hệ bảo hiểm xã hội là quan hệ giữa người lao động, người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội. Xét về bản chất, quan hệ lao động và quan hệ bảo hiểm xã hội là khác nhau (mặc dù có mối liên hệ mật thiết với nhau) nên không thể coi đủ điều kiện hưởng bảo hiểm hưu trí thì quan hệ lao động đương nhiên chấm dứt. Điều này cũng cắt nghĩa cho việc người lao động vẫn có thể tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động ngay sau khi nghỉ hưu. Như vậy, sự kiện chấm dứt quan hệ lao động chỉ đặt ra khi người lao động không có nhu cầu tiếp tục làm việc hoặc làm việc ở nơi khác chứ không thể và không nên tiếp cận khi người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu thì người sử dụng lao động có quyền chấm dứt quan hệ lao động (trừ khu vực hành chính công).

Thứ hai, trong các quy định của pháp luật quốc tế và quốc gia đều coi nghỉ hưu (với tư cách là một nội dung của an sinh xã hội) là quyền của người lao động. Như vậy, về hình thức có thể hiểu khi đủ các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội thì việc nghỉ hưu do người lao động có quyền quyết định có nghỉ hưu hay không. Tuy nhiên, nghỉ hưu không chỉ đơn thuần là quyền mà nó còn là vấn đề an sinh, lao động, việc làm và vấn đề pháp lý.

Thêm nữa, tùy tính chất, vị trí và khả năng hưởng lợi của quan hệ lao động tham gia mà người lao động có thể sử dụng quyền nghỉ hưu với những dụng ý khác nhau. Những người làm công việc nặng nhọc, cường độ lao động cao thường muốn sử dụng quyền nghỉ hưu sớm. Nhưng những người làm công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định, nhiều lợi ích thường muốn nghỉ hưu muộn. Chính vì vậy, với pháp luật nhiều nước nghỉ hưu vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người lao động. Nói cách khác, khi đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định người lao động có quyền được nghỉ hưu và người sử dụng lao động cũng có quyền yêu cầu người lao động chấm dứt quan hệ lao động để nghỉ hưu.

Ngoài ra, xuất phát từ bản chất của chế độ hưu trí thì quyền nghỉ hưu ở đây không đồng nghĩa với việc thực thi quyền này bất cứ lúc nào mà cần phải hướng đến sự bảo đảm an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn nguồn thu nhập nào khác. Vì vậy, pháp luật rất hạn chế việc chi trả hưu trí một lần và đặc biệt là chi trả trước tuổi nghỉ hưu. Pháp luật bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những trải nghiệm rất đáng suy ngẫm về vấn đề này trong thực tiễn như Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 về hưởng BHXH một lần.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 2: Nghỉ hưu: Quyền hay nghĩa vụ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO