Chỉ thị số 04-CT/TW: Khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng

Bài 2: “Lỗ hổng” trong thu hồi tài sản tham nhũng

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 08:47 - Chia sẻ
Với một hệ thống văn bản pháp luật tương đối đồ sộ liên quan đến phòng, chống tham nhũng, trong đó phải kể đến Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ luật Hình sự; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Phòng, chống khủng bố… Song từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng cho thấy, vướng mắc không chỉ nằm ở chính các quy định pháp luật mà còn ở khâu tổ chức triển khai với nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn.

Vướng từ quy định pháp luật…

Luật Thi hành án dân sự quy định, trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản trong những vụ án tham nhũng khi mà người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau và cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc không thể ủy thác thi hành án đến địa phương khác nếu chưa xử lý xong tài sản tại địa phương mình.

Cùng với các quy định được thể hiện tại Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng còn được quy định rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Chính vì vậy, không tránh khỏi sự chồng chéo, mâu thuẫn cũng như vắng bóng các quy định về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập. Đây được coi là “lỗ hổng” trong hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Chẳng hạn, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định tương đối cụ thể, rõ ràng về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, liên quan đến việc xử lý trách nhiệm đối với trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; giải trình được nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì Luật mới quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức mà chưa quy định vấn đề trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp này.

Hay, Luật Phòng, chống rửa tiền chưa quy định các giao dịch kinh tế, dân sự lớn phải thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nên nhiều giao dịch giá trị lớn vẫn chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân, tổ chức cũng như gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, đồng thời, dẫn đến trong thực tiễn, nhiều đối tượng phạm tội đã lợi dụng sự thiếu hụt này của pháp luật để thực hiện việc rửa tiền, tẩu tán tài sản.

Còn, Luật Thanh tra, tuy đã quy định về việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, bị sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra gây nên; nhưng để thực hiện cơ chế thu hồi tiền, tài sản này thì hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về quy trình, trình tự, thủ tục thu hồi tiền, tài sản. Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa có quy định để phân định rõ ràng giữa cơ chế thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, bị sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra gây nên theo quy định của pháp luật về thanh tra và cơ chế tịch thu tiền, tài sản theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Điều này đã phần nào giảm hiệu quả của công tác thu hồi tiền, tài sản qua hoạt động thanh tra.

Đặc biệt, trong giai đoạn thi hành án, nhiều vụ án xét xử đã lâu, tạm hoãn thi hành do chưa có điều kiện, khi phát hiện có tài sản thi hành thì đối với các tài sản thiệt hại là giấy tờ có giá như cổ phần, cổ phiếu, tỷ lệ góp vốn có sự chênh lệch giá rất nhiều so với thị trường hiện nay; tài sản hình thành trong tương lai chưa hoàn chỉnh về mặt pháp lý. Thế nhưng, pháp luật chưa quy định tiêu chí xác định giá trong những trường hợp này hoặc không định giá được vì người phải thi hành án chỉ mới thanh toán được một phần tiền mua tài sản, có vi phạm thời hạn của hợp đồng mua bán, gây phát sinh tranh chấp thanh toán hợp đồng với chủ đầu tư, không thi hành được, dẫn đến giá trị tài sản thiệt hại cần thu hồi về cho Nhà nước không còn nhiều.

Nhiều quy định của pháp luật chưa chặt chẽ dẫn đến người phạm tội tẩu tán tài sản

… đến tổ chức thi hành

Không chỉ vướng mắc trong quy định pháp luật, mà khâu tổ chức triển khai và đặc điểm của loại hình tội phạm cũng đã gây khó cho công tác phòng, chống tham nhũng. Thực tế cho thấy, các tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế thường do người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ học vấn và chuyên môn nhất định, am hiểu pháp luật, quản lý kinh tế, có khả năng nhận biết những kẽ hở pháp luật... Đặc biệt, có điều kiện tạo dựng được nhiều mối quan hệ có khả năng “che chắn”; “bảo vệ” cho hành vi sai phạm; có sự chuẩn bị chu đáo khi phạm tội, khi thực hiện xong chủ động xóa hết mọi dấu vết, tiêu hủy giấy tờ, hóa đơn, sổ sách, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Quá trình thực hiện, loại tội phạm này thường là quy trình khép kín, diễn ra lâu năm, có liên quan đến nhiều người và có sự liên kết, thống nhất về mặt lợi ích, có tổ chức chặt chẽ, dẫn đến việc tìm chứng cứ, chứng minh tội phạm và xác minh các tài sản liên quan đến tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế và thói quen sử dụng tiền mặt dẫn đến việc khó kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như các giao dịch tiền mặt, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng che giấu nguồn gốc bất minh của tài sản. Điều này cũng có nghĩa là gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc lần theo dòng tiền, chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi vi phạm. Đó là chưa kể việc giải quyết các vụ án hình sự trong một số lĩnh vực đặc thù, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài chính - ngân hàng, mua sắm công… đòi hỏi rất nhiều kết quả giám định tài sản, cần chuyên gia có trình độ năng lực và điều kiện kỹ thuật mới giải quyết được vụ án. Trong khi đó, phương tiện, quy trình, quy chuẩn giám định ở một số lĩnh vực này hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu; còn nhiều vướng mắc, chậm trễ trong công tác giám định. Do đó, rất khó khăn để bóc tách, xác định mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nêu thực tế, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là công tác có tính chất liên ngành, trong đó khâu thi hành án dân sự (xử lý tài sản) là khâu cuối cùng, nên hiệu quả của công tác này phụ thuộc nhiều vào công tác truy tìm, phong tỏa, kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, thậm chí là từ khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thiếu một khâu nào đều ảnh hưởng đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng vì người phạm tội phần lớn là những người có kiến thức, có nhiều thủ đoạn để che dấu, tẩu tán tài sản nhất là khi việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được hiệu quả.

Chia sẻ của Thứ trưởng Mai Lương Khôi cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, người làm công tác tư pháp. Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Hiện, chúng ta xây dựng cơ chế có nhiều cơ quan chức năng tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng hay cụ thể hơn là thu hồi tài sản. Việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các bên cần phải được xem lại chỗ nào chưa phù hợp để kịp thời điều chỉnh. Mặt khác, hoạt động của các cơ quan nhiều khi có sự trùng lặp, làm đi làm lại, điều đó đòi hỏi ngoài việc sửa đổi về mặt cơ chế, pháp luật thì cần có sự phối hợp, bàn bạc giữa các cơ quan từ khâu xây dựng kế hoạch đến quá trình tổ chức thực hiện sao cho nhịp nhàng, hiệu quả.

Song Hương