Trực tiếp đe dọa, xâm hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng
Tính đến năm 2022, khu vực biên giới (KVBG) nước ta có 51 dân tộc với 2.415.968 hộ và 9.634.735 khẩu; trong đó, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu tập trung ở KVBG đất liền thuộc các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nghệ An và Thanh Hóa, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Theo đó, DTTS ở tuyến biên giới đất liền có 295.224 hộ (chiếm trên 40% so với toàn tuyến) và 1.348.311 khẩu (bằng 44,6% so với toàn tuyến). Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số dưới 13,5% và tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26%.

Thiếu tướng, GS. TS. Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Việt Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQG Hà Nội và Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà, nguyên Phó cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, cũng như nhiều cán bộ an ninh đang công tác ở KVBG đều có chung nhận định: sự uy hiếp của vấn đề ANPTT chính là trực tiếp đe dọa, xâm hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng tại KVBG. Bởi lẽ, nó không chỉ là những vấn đề an ninh đơn thuần mà tất cả những tổn thương từ các sự vụ mang màu sắc ANPTT đều rất nhạy cảm, dễ dẫn đến những dư luận và nguy cơ ảnh hưởng, phá hỏng một khâu hoặc một mặt nào đó, thậm chí là một vùng đất trong bảo đảm an ninh quốc phòng.
Gia tăng nguy cơ mất an ninh, an toàn cho đồng bào
Dành trọn cuộc đời với mảnh đất Tây Nguyên, lăn lộn trên khắp miền biên giới, lập nhiều chiến công xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trong một lần trò chuyện về ANPTT tại KVBG, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Xuân Hà bày tỏ: Hiện nay, đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vị thế ngày một nâng cao trên trường quốc tế; cùng với đó, Đảng và nhà nước, các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị tiếp tục quan tâm đặc biệt, đầu tư phát triển toàn diện cho KVBG.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất cập cần tháo gỡ như: chênh lệch giàu nghèo còn khá lớn giữa vùng DTTS, biên giới với các vùng kinh tế phát triển của cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở còn yếu kém; hệ thống chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế hoạt động hiệu quả chưa cao; hệ thống chính trị cấp cơ sở và nguồn nhân lực tại chỗ chưa tương xứng với yêu cầu công việc và nhiệm vụ được giao; vấn đề biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan cũng sẽ tác động lên mọi mặt đời sống, xã hội của vùng đồng bào DTTS ở KVBG.

Mặt khác, địa bàn vùng DTTS là nơi xa xôi cách trở, đường biên giới kéo dài nên tạo thuận lợi cho các loại tội phạm ma túy, mua bán người hoạt động; đối tượng phạm tội nguy hiểm lẩn trốn; các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, rượu chè và phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ... làm gia tăng nguy cơ mất an ninh, an toàn cho đồng bào sinh sống ở KVBG.
Ở khía cạnh khác, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà cho rằng tính chất đa tộc người và cư trú phân tán, đan xen giữa các dân tộc tại KVBG dễ tạo ra những điều kiện, nguyên nhân có thể dẫn tới những xung đột, mẫu thuẫn giữa các dân tộc do chưa hiểu biết về phong tục, tập quán hoặc va chạm nhau về quyền lợi kinh tế, đặc biệt giữa các DTTS với dân tộc Kinh. Cùng đó, tình hình an ninh chính trị khá phức tạp bởi các thế lực thù địch thường xuyên và gia tăng lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, đời sống khó khăn, trình độ kinh tế và dân trí thấp của đồng bào các DTTS, để chống phá, gây mất ổn định chính trị - xã hội, mua chuộc, lôi kéo đồng bào thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc tiếp tay cho các đối tượng tội phạm trong nước và bên kia biên giới.
Nhiều khó khăn cho phòng ngừa, điều tra, xử lý
TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học cũng thông tin, những năm gần đây, ở KVBG xuất hiện một số vụ việc điển hình cho thấy tính chất nguy hiểm và mức độ gia tăng các mối đe dọa ANPTT, đặc biệt là ở KVBG và một phần trong nội địa với phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động hơn. Chúng sử dụng Flycam để giao nhận ma tuý và tiền, dùng các chiêu bài việc nhẹ, lương cao, dụ dỗ yêu đương, tuyển lao động đi xuất khẩu với mức lương cao để lừa bán ra nước ngoài sau đó bị cưỡng ép, đe dọa tham gia vào các tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia. Đơn cử như: ngày 11.6.2023, tại Đắk Lắk, vụ tấn công vũ trang vào trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur gây chấn động dư luận, làm 9 người thiệt mạng. Vụ việc mang dấu hiệu khủng bố nội địa, có tổ chức, cho thấy tội phạm đã lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai và thù hận xã hội.
Tháng 6.2024, lực lượng chức năng triệt phá đường dây mua bán người tại Quảng Ninh do đối tượng Nguyễn Phi Cơ cầm đầu. Hoạt động tội phạm sử dụng ứng dụng nhắn tin mã hóa như Telegram, chuyển tiền qua ngân hàng và lôi kéo nạn nhân thông qua mạng xã hội.
Tại Móng Cái (2022), các đơn vị phát hiện hơn 1.300 vụ buôn lậu, với tổng trị giá hàng hóa trên 233 tỷ đồng – gồm hàng điện tử, thuốc lá, thực phẩm không rõ nguồn gốc, đe dọa sức khỏe cộng đồng và tạo bất ổn thị trường nội địa.
Cuối tháng 1.2025, Công an tỉnh Bắc Ninh công bố, đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phá thành công chuyên án, triệt xóa đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao đặc biệt nghiêm trọng với số tiền bị chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13 nghìn bị hại trong nước.
Trò chuyện với chúng tôi, TS. Đào Trung Hiếu khẳng định: sự chuyển đổi trạng thái của tội phạm từ phương thức truyền thống sang “truyền thống kết hợp công nghệ cao”, “công nghệ cao hoàn toàn” đang diễn ra nhanh chóng, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm.
Ông dẫn chứng, cuối tháng 4.2024, Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức hoạt động “rửa tiền", "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng… Kết quả điều tra cho thấy các đối tượng “mắt xích” nằm trong đường dây tội phạm này đến từ nhiều nước, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp và quy mô xuyên quốc gia. Việc chuyển hàng chục ngàn tỷ đồng phạm pháp ra khỏi biên giới Việt Nam là một mối nguy đáng báo động, có thể khiến các tổ chức tài chính quốc tế đưa nước ta vào danh sách các nước cần theo dõi, kéo theo nhiều thiệt hại về giao thương quốc tế.