Văn học trinh thám Việt Nam - Đánh thức thuở vàng son

Bài 2: Hoài vọng “mùa vàng”

- Thứ Ba, 02/03/2021, 08:38 - Chia sẻ
Cùng với sự biến đổi sâu rộng của bối cảnh xã hội, văn học trinh thám Việt Nam dần tái xuất... Hai thập kỷ qua, văn đàn đón nhận dấu hiệu thay đổi tích cực với sự gia tăng số lượng tác giả, có những tác phẩm được đánh giá cao. Tuy nhiên, áp lực đặt ra với người cầm bút là làm thế nào để đưa truyện trinh thám Việt trở lại vị thế vốn có.

Bù đắp thiếu hụt

Sau những năm dài yên ắng, khi thế hệ cầm bút sinh những năm 1960, 1970 xuất hiện, văn đàn đã có nhiều tác phẩm trinh thám đặc sắc. Đầu tiên là Bùi Anh Tấn với “Một thế giới không có đàn bà”, ra mắt năm 2000 đã trở thành hiện tượng văn học. Trong suốt 500 trang sách, độc giả đi theo hành trình nghiệp vụ của các sĩ quan công an, mở ra thế giới lạ lùng phía sau ánh đèn vũ trường, nhà hàng, quán xá và những điểm hay lui tới của giới đồng tính… Cách đặt vấn đề này rất mới trong văn học Việt Nam bấy giờ.

Bùi Anh Tấn chia sẻ: “Tôi không có ý định tìm đề tài lạ, chơi nổi..., mà sau một thời gian dài nghiên cứu về hiện tượng đồng tính trên tư cách nhà báo, tôi phát hiện ra đây là một thế giới có nhiều màu sắc bi lẫn hài và không thể chuyển tải chỉ bằng vài bài báo. Tôi chọn thể loại trinh thám hình sự, và hiểu đây là một đề tài nhạy cảm, khó viết, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị bạn đọc hiểu sai”.

Tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn đã nhận giải A cuộc thi viết tiểu thuyết và ký “Vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên”, do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức. Nhìn lại, nhiều tác giả lựa chọn dấn thân với thể loại trinh thám một phần đến từ các cuộc thi vận động sáng tác được tổ chức định kỳ. Có thể kể thêm: "Đêm yên tĩnh" (2000, Hữu Mai), "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời" (2002, Nguyễn Thị Ngọc Hải), "Sát thủ online" (2010, Nguyễn Xuân Thủy), "Bão ngầm" (2015, Đào Trung Hiếu), "Hồ sơ một tử tù"(2002), "Phiên bản" (2009), "Cô Mặc Sầu" (2015, Nguyễn Đình Tú), "Ổ buôn người" (2011, Giản Tư Hải)... Sau đó, nhiều cây viết tiếp tục theo đuổi, ra mắt tác phẩm thể loại này như Bùi Anh Tấn với "Thám tử yêu" (2014), Nguyễn Xuân Thủy với "Có tiếng người trong gió" (2016), Giản Tư Hải với "Mật mã Cham-pa" (2016), "Minh Mạng mật chỉ" (2018)...

Điểm mặt tác giả trinh thám đương đại phải kể đến nữ nhà văn Di Li, giới phê bình đánh giá tiểu thuyết của cô mang “đậm chất trinh thám và giàu tính nghệ thuật hơn cả”. Cũng đi ra từ cuộc thi sáng tác văn học, từ "Trại Hoa Đỏ" (2007) đến "Câu lạc bộ số 7" (2015), Di Li đã pha trộn nhuần nhuyễn trinh thám và kinh dị, dung hòa giữa tính giải trí và tính nhân văn. Nhờ lối viết giàu sức gợi, ám ảnh, đa thanh, đa nghĩa, Di Li đã mở ra lối đi riêng, đại diện cho sự khác biệt rõ nét với các tác giả thời kỳ đầu.

Nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu nhận định: “Khác hẳn với thế hệ của Phạm Cao Củng hay Thế Lữ, đọc thế hệ sau, chúng ta nhận thấy trinh thám Việt không thuần túy thiên về lý trí trong giải quyết vụ án, mà tác giả bắt đầu quan tâm đến tâm lý, thấy vấn đề của cái ác, đẩy đến tầm triết lý cao hơn. Đó là điều đáng nói, khiến truyện trinh thám không chỉ là sự kiện, mà ly kỳ bởi có những rắc rối, ẩn ức bên trong con người”.

Thách thức lớn của trinh thám Việt nằm ở khả năng đổi mới tư duy của người cầm bút  

Đứng trước nhiều thách thức

“Hơn chục năm qua, ở Việt Nam, trinh thám vẫn túc tắc được độc giả yêu thích và cũng túc tắc có người viết. Như vậy là đáng mừng rồi”. Nói vậy, nhà văn Di Li cũng phân tích rất nhiều thách thức mới cho văn học trinh thám Việt Nam: Dù độc giả yêu thích, song xu hướng vẫn chuộng tác phẩm ngoại. Bởi hầu như độc giả trinh thám đầu tiên đều tiếp xúc với truyện ngoại nhập, mà trinh thám ngoại nhập lại được chuyển ngữ từ những cuốn hay nhất, bán chạy nhất trên thế giới. Do đó, trinh thám Việt ngay khi bước vào “sân chơi” đã ở thế yếu, chỉ những tác phẩm thực sự nổi bật mới có chỗ đứng.

Mặc dù các tác giả đã cố gắng đa dạng hình thức nghệ thuật nhưng truyện trinh thám Việt vẫn thiếu hấp dẫn bạn đọc. Đơn cử thể loại trinh thám hình sự, nhân vật chính thường là chiến sĩ công an hoặc ban chuyên án, trong khi thế giới rất đa dạng: Luật sư, thám tử tư, bác sĩ chuyên phân tích tâm lý tội phạm… Nhà văn Bùi Anh Tấn lý giải: “Thể loại văn học trinh thám hình sự (Việt Nam) rất hiếm tác phẩm hay, càng ít nhân vật “đinh” in đậm trong trí nhớ bạn đọc. Có lẽ do Việt Nam không có tiền lệ một công dân bình thường điều tra vụ án hình sự, mà việc này được giao cho cơ quan điều tra, vì thế tiểu thuyết trinh thám - hình sự khi viết cũng phải theo khuôn mẫu đó”.

Quan sát sự phát triển của văn học trinh thám hiện đại, TS Trần Ngọc Hiếu chỉ ra các yếu tố quan trọng: Lời văn, ngôn ngữ, nhịp điệu và khả năng đào sâu vào thực trạng xã hội. “Soi chiếu vào thể loại trinh thám Việt Nam, tôi có cảm giác hệ sinh thái vẫn ở giai đoạn sơ khai, tiết tấu đều đều, nhiều chi tiết mang tính dàn cảnh, nương theo sự kiện pháp đình chứ chưa khiến độc giả bị chi phối hoàn toàn. Hầu hết tác giả mới dừng lại ở sự tò mò về phần đen tối trong tinh thần con người hơn là biến trinh thám trở thành thể loại gắn liền với thực trạng xã hội”. Nhưng TS Trần Ngọc Hiếu cũng cho rằng, có lẽ chúng ta nên có thái độ cởi mở hơn với các tác giả trong nước, vì dù sao họ đã làm cho bức tranh văn học trinh thám đa dạng hơn trước rất nhiều.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, nhiều cây viết thế hệ 9X tham gia vào mạng lưới văn học trinh thám. Như Phạm Anh Tuấn với “Đánh đổi” và “Bẫy” (2015); Nguyễn Dương Quỳnh với “Thăm thẳm mùa hè” (2018); Phi Hành Gia với “Con ảo” (2019); Đức Anh với “Tường lửa” và “Thiên thần mù sương” (2019)… Mặc dù vẫn chờ đợi sức bứt phá, song có thể thấy ở họ nhiều dấu hiệu tích cực. Lấy ví dụ từ cây viết Đức Anh, theo TS Trần Ngọc Hiếu, có thể coi đây là một trong những hình mẫu của các tác giả trẻ viết truyện trinh thám hiện nay, nổi bật ở sự thông minh, hiểu rộng về thể loại và làm chủ thủ pháp rất cao. “Lứa tác giả như Đức Anh rất quan tâm đến việc kết nối vụ án với trạng thái tâm lý bất thường. Cũng như nhiều thế hệ viết trước, nó vẫn chưa làm thỏa mãn cảm giác về chiều kích chất vấn vấn đề thuộc về xã hội, văn hóa... nhưng nếu đọc và tìm hiểu việc viết của họ, tôi tin rằng chúng ta có nhiều thứ để kỳ vọng".

Hải Đường