Nhìn lại 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi

Bài 2: Gỡ khó cho địa phương

- Thứ Bảy, 27/11/2021, 09:23 - Chia sẻ
Nếu như phản ánh của cơ quan quản lý về con nuôi là tình trạng tự ý nhận con nuôi, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người nhận nuôi, thì vướng mắc của địa phương lại là từ những quy định thiếu rõ ràng, khó áp dụng tại Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn.

Thiếu tiêu chí, khó xác định 

Phản ánh của đại diện UBND các tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận, Hà Nam… cho thấy, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể như thế nào là có điều kiện về kinh tế, dẫn đến gây khó khăn cho công chức Tư pháp - hộ tịch trong việc đánh giá, xác định điều kiện của cha mẹ nuôi. Một số trường hợp sau khi nhận con nuôi, gia đình cha mẹ nuôi đến tạm trú, sinh sống, làm ăn tại một nơi khác, không thực hiện việc thông báo tình hình phát triển của con nuôi cho UBND cấp xã nơi thường trú dẫn đến gây khó khăn cho UBND cấp xã trong việc kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi.

Sở Tư pháp Cao Bằng tổ chức Lễ giao nhận con nuôi
Nguồn  ITN

Đại diện tỉnh Quảng Nam cho hay, nhiều trường hợp, UBND cấp xã không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ để lấy ý kiến đồng ý cho trẻ làm con nuôi theo quy định. Phán ảnh trên cũng là vướng mắc của nhiều tỉnh, thành phố khác. Đại diện UBND huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế cho biết, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định, người nhận con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Tuy nhiên, trên thực tế, lại không có căn cứ xác định chuẩn thế nào là có điều kiện về kinh tế.

Trong khi đó, đại diện UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc thực hiện Điểm b, Khoản 2, Điều 15 Luật Nuôi con nuôi về trường hợp trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích không có khả năng nuôi dưỡng thì không có cơ sở để xác định thế nào là không có khả năng nuôi dưỡng. Trên thực tế, việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ mắc bệnh hiểm nghèo ở trong nước rất khó khăn.

Quy định tưởng là có lợi, nhưng…

Quá trình tổ chức triển khai Luật Nuôi con nuôi còn cho thấy, theo quy định của Luật thì việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ hoặc của người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi. Nhưng thực tế lại phát sinh rất nhiều trường hợp cho nhận con nuôi rất tùy tiện, như sau khi sinh con, cha mẹ đẻ cho con làm con nuôi có thể là trao tay, giấy viết tay, giấy chứng sinh… mà không để lại địa chỉ, thậm chí để lại địa chỉ nhưng lại là địa chỉ giả.

Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, rất nhiều trường hợp sau khi sinh con, mẹ đẻ cho con làm con nuôi chỉ viết giấy tay hoặc giao giấy chứng sinh không để lại địa chỉ. Do đó, khi tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, Ủy ban nhân dân cấp xã không thể liên hệ được với mẹ đẻ để lấy ý kiến đồng ý theo quy định của pháp luật. Thực tế cũng phát sinh không ít trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, người phát hiện không thông báo với cơ quan chức năng để tiến hành lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi mà tự ý đem trẻ về nuôi dưỡng. Sau một thời gian dài, khi cha mẹ nuôi làm thủ tục đăng ký khai sinh để làm thủ tục nuôi con nuôi thì khó thực hiện được.

Sở Tư pháp Quảng Bình tổ chức Lễ  giao nhận con nuôi

Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam nêu khó khăn, việc quy định: 6 tháng/lần trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng tại Điều 23, Luật Nuôi con nuôi gây khó khăn rất nhiều cho cấp xã. Vì sau khi nhận con nuôi, gia đình cha mẹ nuôi đến tạm trú, sinh sống, làm ăn tại một nơi khác.

Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an nêu vướng mắc: trên thực tế có trường hợp xác minh nguồn gốc trẻ em rất khó khăn, cần rất nhiều thời gian, thời hạn trên là chưa đảm bảo xác minh, xác định vì khi bỏ rơi trẻ em, thân nhân thường cố tình che giấu thông tin, lai lịch, không để lại giấy tờ, vật dụng... Trong khi đó, Khoản 1, Điều 33, Luật Nuôi con nuôi quy định: thời hạn trả lời xác minh nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi là 30 ngày - thời gian này là không đủ, ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ. 

Điều 17, Luật Nuôi con nuôi quy định hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi phải có Phiếu lý lịch tư pháp và Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp. Đây là quy định gây khó khăn cho người dân. (Đại diện UBND huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế)

Đình Khoa