Phòng, chống tham nhũng đồng bộ với phòng, chống tiêu cực

Bài 2: Gắn chống tham nhũng và tiêu cực với chống lãng phí

- Thứ Bảy, 18/09/2021, 05:54 - Chia sẻ

TS. Nhị Lê Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Phòng, chống tham nhũng là công cuộc lâu dài và sinh tử. Trong rất nhiều công việc, nổi bật 8 việc hệ trọng cấp bách bảo đảm thành công, phải chỉnh đốn và thực thi nghiêm nhặt.

Tham nhũng nảy nòi và lũng đoạn trước hết bắt đầu từ tiêu cực

Một là, nhận thức lại chung quanh vấn đề tham nhũng và phòng, chống tham nhũng là việc trước hết. Hiện nay, khi sự phức tạp, biến ảo và hậu họa khôn lường trên phương diện này trong thực tế đã trở thành quốc nạn, thì những lời cảnh báo và chỉ giáo đó càng thật sự nghiêm khắc, có giá trị to lớn về phương pháp luận và đòi hỏi cấp bách về đổi mới tư duy, mở rộng tầm nhìn và nghiêm khắc tổng kết thực tiễn. 

Ở đây, nói về tham nhũng. “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên”, “cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”. Chúng ta gọi đó là tham nhũng. Nói khái quát, tham nhũng hiện diện trên 5 phương diện chủ yếu: Tham nhũng kinh tế, tham nhũng chính trị, tham nhũng chính sách, tham nhũng nhân phẩm và tham nhũng lòng tin. Hơn nữa, tham nhũng không chỉ xảy ra trong các bộ máy của hệ thống chính trị mà còn liên thông, bám sâu, khuynh đảo các khu vực kinh tế, các khu vực xã hội, các khu vực nước ngoài ở trong nước và vượt khỏi biên giới quốc gia, liên quan tới các nhân tố nước ngoài mang tính quốc tế

Quan sát và thẩm xét hàng trăm vụ án về tham nhũng, nhất là những vụ điều tra kéo dài nhiều năm, liên quan tới nhiều tổ chức, nhiều người, thậm chí vượt khỏi biên giới quốc gia, liên quan tới cả nước ngoài, đặc biệt các vụ đại án đã xử càng cho thấy, tham nhũng không vận động một cách đơn tuyến, thuần túy một “trung tâm”, chỉ đơn giản hoặc tham nhũng hoặc tiêu cực, mà trái lại thường xoay chung quanh nhiều cá nhân “trung tâm” hoặc “liên minh” đa trung tâm, liên kết vùng, thậm chí cả ở ngoài nước. Chúng vừa trắng trợn vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ ngang - dọc, đan xen trên - dưới, trong - ngoài…, thậm chí bằng cả những “luật ngầm” nằm ngoài pháp luật, tập hợp lực lượng phản kích lại chúng ta, đã và đang xuất hiện ở nhiều nơi. Tức là đã vượt qua vấn đề tư tưởng, đạo đức và đã xâm hại pháp luật, làm băng hoại lòng tin, đe dọa sự sinh tử của thể chế. 

Qua các vụ việc và người liên quan, tham nhũng vận động dưới mọi thủ đoạn, hình thức và ở mọi mức độ: Từ tham nhũng chính trị, kinh tế tới tham nhũng quyền lực, lòng tin, chúng luôn cấu kết rất tinh vi, chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, lợi dụng các khoảng trống, thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, thậm chí bất chấp các quy định của Đảng, bất chấp pháp lý và bất chấp luân thường đạo lý. 

Cần khắc sâu vấn đề: Bất chấp luân thường đạo lý. Từ các vụ án tham nhũng đã xử, dù chưa xứng tầm và thích đáng nhiều năm nay, chưa thấy ai phạm vào tội tham nhũng mà không sa vào và bắt đầu từ tiêu cực, từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, dù ở phương diện này hay mức độ kia. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Nếu chính trị là sự thanh khiết từ to tới nhỏ, thì tiêu cực chính là phi chính trị, là vô chính trị và là kẻ thù của chính trị. Rõ ràng, tham nhũng nảy nòi, phát tác và lũng đoạn trước hết bắt đầu từ tiêu cực, nghĩa là từ sự tha hóa, hủ bại về tư tưởng chính trị; sự thoái hóa, mục ruỗng, băng hoại về đạo đức, sự táng thất liêm sỉ; và, sự phù hoa, xa xỉ, thậm chí suy đốn, đồi bại về lối sống.  

Qua những vụ việc tham nhũng cho thấy, đều liên quan đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là sự tha hóa đạo đức dẫn tới tha hóa quyền lực, thoái hóa, thậm chí “trộm cắp quyền lực” thường có mối quan hệ chằng chịt, đa dạng, có không ít trường hợp được bao che, thậm chí phản kích quyết liệt lại lực lượng kiểm tra, giám sát và các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật. Ngay từ tháng 6.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi các loại cán bộ “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên”, “cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư...” đều là BẤT LIÊM “mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”. Sự cảnh báo nghiêm khắc ở đây là, tham nhũng không thuần túy là tham nhũng mà còn cần truy nguyên tới nguồn gốc của nó là nạn tiêu cực, không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần còn là vấn đề chính trị, văn hóa, đạo đức và xã hội nóng bỏng. 

Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - những chiếc bình thông nhau

Qua 5 lần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là 10 năm trở lại đây, đã và đang xác tín: Sự lệch lạc về tư tưởng, sự băng hoại về đạo đức và sự hủ bại về lối sống, dù bất kể là ai, nhất định dẫn tới sự thất bại về chính trị, sự đổ vỡ về sự nghiệp và sự méo mó về nhân cách cá nhân, bởi sa vào vũng bùn tham nhũng, tiêu cực.

Nhưng từ thực tiễn nóng bỏng hiện nay, đặc biệt từ kinh nghiệm lịch sử càng cấp bách cho thấy, không thể sửa sai những lỗi lầm hiện tại của công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó. Hơn 69 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Nếu chiến sĩ và Nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Vì vậy, cùng với việc phòng, phải gắn chống tham nhũng và tiêu cực với chống lãng phí, nếu không chúng ta mới chống tham nhũng “một nửa”, chống tiêu cực nửa vời. 

Thực tế đang cho thấy, lãng phí là cái “ô” để tham nhũng núp bóng và là “lô cốt” để tham nhũng cố thủ và tiêu cực len lỏi, hoành hành. Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên khác của quốc gia một cách không hiệu quả. Đối với các lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định thì lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và các nguồn tài nguyên khác mà vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.

Theo nghĩa đó, dưới góc độ quản trị xã hội, lãng phí - một khuyết tật trong quản lý,mối liên hệ tự nhiên với tham nhũng và tiêu cực. Đặc biệt, trong quản lý công (trong hệ thống chính trị), lãng phí là một hiện tượng khá phổ biến, diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực của hoạt động quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đặc biệt chú ý khi coi lãng phí là có tội với đất nước và Nhân dân, vì vậy người yêu cầu cán bộ phải “chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.  

Từ thực tế cho thấy, lãng phí là các hoạt động không hiệu quả của cải, vật chất xã hội vào một công việc, bất kể đó là việc công hay việc riêng. Lãng phí không phải là “vô dụng”, càng không phải là “mất hoàn toàn”, mà “mất từ túi này chuyển sang túi khác” một cách khuất tất, mờ ám và phi pháp. Do đó, có thể nói, lãng phí, theo góc nhìn khác, chính là sự gặm nhấm, đục khoét tài sản nhà nước thường núp dưới danh nghĩa công vụ. Khi người lãng phí chủ ý mưu lợi cá nhân (sĩ diện hoặc lợi dụng lãng phí để tham nhũng) thì rất tinh vi và không kém nguy hại bởi đổ cho lãng phí, họ sẽ “biển thủ” ngân sách quốc gia, không thể tính hết được. Qua kiểm soát, lượng lãng phí, thất thoát hàng năm chắc chắn tới nhiều chục nghìn tỷ đồng, nhưng thường rơi vào tình trạng không rõ địa chỉ thiếu tính phản biện. Chỉ một dự án TISCO đã gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước hơn 830 tỷ đồng. Thử hỏi 10 vụ đại án năm 2020 thất thoát, lãng phí là bao nhiêu tỷ đồng? Nhưng, chúng chảy về đâu? Chính vì thế, đây đã và đang là một trong những nguyên cớ, là môi trường để tham nhũng nảy nòi và phát tác.   

Dưới góc độ của phát triển xã hội bền vững và góc độ kinh tế - xã hội, lãng phí là một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội. Suy đến cùng, lãng phí không chỉ là sự hủy hoại tài sản, thời gian, nhân lực của xã hội từ các hoạt động công quyền (xây dựng, điều hành, thực thi chính sách) đến tài nguyên, cơ hội... mà gặm nhấm, làm mất lòng tin của Nhân dân, hủy hoại uy tín của thể chế. Nhìn vào các vụ đại án đã xử, vụ nào cũng thấy phần thất thoát, lãng phí này, nhưng Tòa án rất khó lượng hóa và phán xử, vì các điều luật chưa khép kín và hoàn thiện. Đây cũng là một nguyên cớ, môi trường cho tệ tham nhũng nảy nòi và phát triển.       

Các thủ đoạn của tham nhũng thường nhằm tới và núp bóng vào sự thất thoát, lãng phí. Rất nhiều vụ, việc tham nhũng được xử đã qua đều cho thấy, mục đích là lấy tiền của công làm tài sản riêng cho bản thân hay nhóm người, nhưng được ẩn náu vào chi phí công hoặc mượn cớ thất thoát, thậm chí đổ vào các lý do bất khả kháng (thiên tai, động đất, hỏa hoạn…), để đục khoét ngân khố quốc gia. Điều đáng nói, sự giả dối, lừa lọc, xảo trá nảy nòi, và đây là sự băng hoại về tư tưởng chính trị, về đạo đức. Từ sự tiêu cực, núp vào lá bài lãng phí đến “âm mưu” lãng phí, lợi dụng khe hở kỷ luật, pháp luật và đi tới tham nhũng chỉ là một bước chuyển ngắn, thậm chí rất ngắn và hậu quả khôn lường. Đây là một trong những “lỗ hổng” tuyệt đối, cần phải tiếp tục nhận diện và bịt kín.    

Không phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống tiêu cực một cách cương quyết và sinh tử thì tất có ngày đất nước bạc nhược, tất dân tộc sẽ có ngày nguy nan; và Đảng sẽ không còn là Đảng cầm quyền nữa!

Rõ ràng, đã tới lúc khẳng định rằng, phải quy định hành vi lãng phí là hành vi cấu thành tội phạm và người gây lãng phí đều có nguy dẫn tới tham nhũng, tiêu cực và trở thành tội phạm. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những chiếc bình thông nhau! Nói một cách hình ảnh, tam loại nhất thể, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Vì thế, thay vì chỉ phòng, chống tham nhũng cần là phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Nói khái lược, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không thể không bổ sung và có phải kế sách ngăn chặn, khắc chế, đẩy lùi lãng phí, hợp thành chỉnh thể cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, một cách tự nhiên, chỉnh thể và chiến lược. 

Không nhận thức rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết công phá vào chỗ hiểm yếu này rất khó phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực một cách chủ động, toàn diện và hiệu quả. 

TS Nhị Lê