Bài 2: Đề cao phẩm chất, năng lực
Khẳng định hội nhập tốt là một trong những yếu tố quyết định thành công của mỗi cá nhân, hiện nay nhiều trường bắt đầu lồng ghép các hoạt động đào tạo kỹ năng vào chương trình học. Ngoài bảo đảm kiến thức cần thiết, hướng đi này còn giúp học sinh có những phẩm chất, năng lực để làm chủ bản thân, tự tin bước ra xã hội.
>> Bài 1: Học trải nghiệm, sáng tạo
Bồi đắp nhân cách, kỹ năng
Theo Viện trưởng Viện Giáo dục và trí tuệ Việt Nam Lê Lan Anh, giáo dục kỹ năng sống là xu hướng tất yếu của giáo dục chất lượng cao. Kinh nghiệm cho thấy, học sinh Nhật Bản, Singapore hay các nước Tây Âu sống tự lập, tích lũy kỹ năng sinh tồn, kỹ năng ứng xử, thích ứng, tùy biến, vượt qua hoàn cảnh khó khăn từ khi rất nhỏ. Có như vậy, các em mới hội tụ đủ các yếu tố của công dân toàn cầu và sẵn sàng cho hội nhập quốc tế. |
Xin chào tất cả các bạn đang xem chương trình. Khách mời đặc biệt hôm nay là thầy hiệu trưởng. Ngay sau đây thầy sẽ chia sẻ với chúng ta đôi điều về dự án 4 biết đang được triển khai. Trước tiên, thầy có thể cho em và các khán giả được biết là ở trường mình, có bạn nào gặp khó khăn hay không?... Sau mỗi phần trả lời, từng câu hỏi được bạn nhỏ đặt ra một cách rõ ràng. Cả lớp học chăm chú theo dõi. Đó không phải là tiết học bình thường mà trở thành một cuộc phỏng vấn thực sự giữa học sinh và thầy hiệu trưởng. Mạnh dạn, sáng tạo, có khả năng ứng biến linh hoạt, tư duy làm việc nhóm, biết bảo vệ bản thân… là những mục tiêu trong “Dự án 4 biết ở học sinh tiểu học” mà Trường Tiểu học Thăng Long Kidsmart đang thực hiện. Tất cả hoạt động học tập trên lớp, giờ học ngoại khóa, lao động, lập kế hoạch dự án theo chủ đề… đều phục vụ nội dung này.
Dạy chữ song song với dạy người, giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh đang là xu hướng mà không ít trường phổ thông áp dụng. Nhất là đối với các trường ngoài công lập, các trường quốc tế, do thời gian học hầu hết là 2 buổi/ngày nên những hoạt động học tập này được triển khai tương đối nhiều. Lấy ví dụ, tại Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring, bộ môn “Kỹ năng sống” đã được đưa vào lịch học chính thức từ nhiều năm nay. Căn cứ vào các hoạt động rèn luyện khả năng tư duy, thái độ tự tin, lối sống tích cực, lành mạnh, nhà trường lựa chọn, sắp xếp theo nhu cầu và hứng thú của từng học sinh.
Qua khảo sát một số trường tại Hà Nội, bên cạnh hoạt động thực nghiệm, phát triển kỹ năng sống, giáo dục nhân cách cũng được đặt lên hàng đầu. Như trường Đoàn Thị Điểm có tiêu chí “Ngôi trường của ước mơ và lòng nhân ái”; trường Lômônôxốp chọn chủ đề năm học 2016 - 2017 là “Học trải nghiệm, sáng tạo - Sống trách nhiệm, yêu thương”... Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lômônôxốp Nguyễn Quang Tùng nói: “Nhà trường không đặt nặng thành tích mà hướng cho các em trở thành công dân tích cực, giúp các em hình thành phẩm chất sống lành mạnh, dám nghĩ dám làm, dám nhận lỗi, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội, biết yêu thương, sẻ chia... Chúng ta hướng đến hội nhập quốc tế nhưng cũng cần phải giữ gìn và phát huy giá trị cốt lõi của đạo đức truyền thống”.
![]() Tiết học Kỹ năng sống tại Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring - Ảnh: Lê Thư |
Tự tin hội nhập
Hướng đến mục tiêu hội nhập, bên cạnh giá trị đạo đức và kỹ năng sống, một số trường đã đổi mới chương trình giảng dạy. Theo đó, trên cơ sở bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số trường đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ, quan tâm đến tư vấn, hướng nghiệp dựa trên khả năng của từng học sinh. Theo PGS.TS. Lê Anh Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học giáo dục, thuộc Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, nhu cầu của người học bây giờ đa dạng chứ không đơn thuần học để thi như trước đây. Điều này đòi hỏi giáo dục trong nhà trường cũng cần có những thay đổi, để đào tạo học sinh một cách toàn diện, giúp các em được tiếp cận với nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn và phát huy được năng khiếu, sở trường cá nhân. “Buổi sáng các em được trang bị kiến thức theo chương trình chung của Bộ, riêng ba môn Toán - Lý - Hóa được giảng dạy bằng tiếng Anh, những em còn yếu thì sẽ được học tăng cường tiếng Anh. Buổi chiều sẽ học theo định hướng, nhu cầu của mỗi cá nhân, với các lớp phụ đạo, CLB toán, khoa học tự nhiên, tiếng Anh, nghệ thuật, CLB Robotic, CLB Marketing, CLB Debate…” - PGS.TS. Lê Anh Vinh cho biết.
Chương trình đào tạo tại một số trường quốc tế và trường ngoài dân lập tại Hà Nội như Đoàn Thị Điểm, Vinschool, Olympia, Wellspring… cho thấy, tiếng Anh (ngoài ra còn một số ngôn ngữ khác như: Pháp, Đức) là một trong những nội dung học tập quan trọng của nhà trường, thể hiện từ việc tuyển giáo viên nước ngoài, học sinh được sàng lọc dựa trên trình độ đầu vào, ưu tiên số lượng tiết học ngoại ngữ… Ở Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring, môn Toán và các môn khoa học đều được dạy trực tiếp bằng tiếng Anh, do thầy cô bản địa giảng dạy. Ngoài ra, tiếng Anh cũng được đưa vào sử dụng trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa, giúp học sinh biết cách sử dụng ngoại ngữ vào những bối cảnh khác nhau, từ đó năng động và tự tin trong môi trường quốc tế. Hiệu trưởng Trường THPT song ngữ Wellspring Đặng Đình Đại cho rằng: “Các em vừa học chương trình tiếng Việt, vừa học chương trình tiếng Anh là bước chuẩn bị cho hội nhập quốc tế. Các em sẽ dễ dàng hội nhập và tự tin khi có cơ hội du học cũng không bị rào cản về ngôn ngữ hay tác phong, ứng xử”.