Đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh

Bài 2: Đầu tư tương xứng

- Thứ Tư, 24/11/2021, 07:01 - Chia sẻ

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Thực tế, đi cùng những chính sách phát triển, nếu không được đầu tư nguồn lực cả về tài chính và con người, văn hóa khó được gìn giữ và phát huy giá trị.

Huy động mọi nguồn lực

Theo Kết luận 30-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX ngày 20.7.2004 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, phấn đấu đến năm 2010 đầu tư cho văn hóa ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên, từ Nghị quyết đến thực hiện có một độ trễ. Giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách nhà nước chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chỉ chiếm 1,71% tổng chi đầu tư phát triển ngân sách nhà nước. Nguồn lực bố trí cho văn hóa hàng năm ngày càng giảm.

Đầu tư cho văn hóa chưa đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước - Nguồn: dangcongsan.vn

“Văn hóa bao giờ cũng ở vị trí cuối cùng (trong dự toán - PV). Chưa cấp bách lắm thì để từ từ. Nếu cứ tình trạng này, không biết văn hóa đất nước sẽ đi về đâu” - nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện từng bức xúc khi đầu tư ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực Bộ phụ trách rất khiêm tốn và cách phân bổ hàng năm chưa hợp lý.

Ở đây không chỉ là đầu tư về tiền bạc, mà còn là đầu tư về con người để phát triển văn hóa xứng tầm. Chính vì vậy, lĩnh vực văn hóa, xã hội thời gian qua đã xảy ra một số bất cập, được nhiều đại biểu phản ánh trên diễn đàn Quốc hội. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa chưa ngang tầm vị trí, vai trò, khả năng và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Đầu tư cho thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội chưa gắn bó chặt chẽ với văn hóa...

TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng, cần phân tích rõ tại sao đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng để có giải pháp đúng. Bên cạnh đó cũng cần xác định nguồn lực cho văn hóa gồm những gì? Làm sao sử dụng hiệu quả nguồn lực ấy? Văn hóa có là nguồn lực không? Có khi văn hóa lại là nguồn lực phát triển chính nó và phát triển xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế, ngân sách chi cho hoạt động văn hóa phải chiếm 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tuy nhiên, như nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) Phan Thanh Bình lưu ý, xã hội hóa không chỉ là thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động văn hóa, mà cần nhìn nhận đây là quá trình tạo chuyển đổi nhận thức của xã hội về vai trò văn hóa, để toàn xã hội thấy rằng văn hóa là quan trọng, là sức mạnh của dân tộc, từ đó cùng tham gia với Nhà nước phát triển văn hóa. Và nguồn lực từ ngân sách nhà nước vẫn giữ vai trò rất quan trọng, đi cùng với đó là cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực xã hội.

Nhân lực là then chốt

Theo GS.TSKH. Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật (nay là Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, văn hóa được coi là lĩnh vực ai cũng làm được, nhưng không phải như thế. Cán bộ làm công tác văn hóa cần phải được đào tạo vì lĩnh vực này có tính đặc thù. Thực tế, do không được đào tạo đến nơi đến chốn, nên một số nhà quản lý văn hóa đã có những quyết định sai.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2020, cả nước có 251 cơ sở tham gia đào tạo văn hóa nghệ thuật. Trong đó, 16 cơ sở đào tạo chuyên biệt lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nòng cốt là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đào tạo lĩnh vực văn hóa và 13 cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tuy vậy, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch không đồng đều, tập trung ở các thành phố lớn, trong khi nhiều khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu lớn về đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch thì số lượng cơ sở đào tạo còn hạn chế. Nhiều cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở địa phương bị sáp nhập với các cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực khác, dẫn đến công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật không được quan tâm đúng mức, không bảo đảm chất lượng…   

Nguồn lực phát triển văn hóa không chỉ là tiền bạc, mà còn là tri thức, tài năng, sức sáng tạo. GS.TS. Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng, giải phóng tư tưởng, con người tự do sáng tạo trong khuôn khổ. Nhà nước cần khuyến khích sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật; tạo ra những không gian sáng tạo ở thành phố, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hành sáng tạo văn hóa, liên kết các chương trình trở thành những ngành công nghiệp văn hóa đặc thù của từng lĩnh vực và có thế mạnh để phát triển.

Bên cạnh đó, có cơ chế thu hút và sử dụng tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hiện nay, tỷ lệ học sinh theo học các ngành văn hóa nghệ thuật ngày càng giảm, nhất là với nghệ thuật truyền thống; nhiều học sinh thực sự có năng khiếu nhưng không theo. Đó là thực trạng đáng báo động.

Anh Minh - Ngọc Phương