Bài 2: Dân chủ và chuyên nghiệp

TS. Bùi NGọc ThaNh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòngQuốc hội 02/06/2021 07:05

Dân chủ và chuyên nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là phương châm, lại vừa là động lực của đổi mới và phát triển. Quốc hội Khóa XV và các khóa tiếp theo chắc chắn sẽ còn phát huy cao độ hơn nữa theo tư tưởng chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng để nâng tầm chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội lên những tầm cao mới.

Tính chất dân chủ được phát huy cao độ

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”.

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một trong những điểm mới được Đại hội quyết nghị về dân chủ, đó là, “Xử lý kịp thời và nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”.

Trong toàn xã hội nói chung, trong hoạt động của Quốc hội nói riêng, dân chủ đã được Quốc hội thể chế hóa ngay từ khi Quốc hội mới ra đời. Một trong ba nguyên tắc của Hiến pháp năm 1946 là “bảo đảm các quyền tự do dân chủ” và ngay Điều thứ nhất của Hiến pháp đã quy định, “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa”. Trong cả Kỳ họp thứ Hai nói chung và trong thảo luận thông qua Hiến pháp nói riêng, quyền dân chủ đã được bảo đảm và phát huy. Đến ngày nay thì quyền đó càng được bảo đảm và phát huy lên những tầm cao mới.

Ngày 2.11.1946, Quốc hội Khóa I bắt đầu thảo luận để thông qua Hiến pháp. Tất cả đại diện các đảng phái trong Quốc hội như: Trần Huy Liệu, đại diện cho nhóm Mác-xít; Hoàng Văn Đức, đại diện cho nhóm dân chủ; Lê Thị Xuyến, đại diện cho nhóm xã hội; Hồ Đức Thành, đại diện cho nhóm Việt Cách; Nguyễn Đình Thi, đại diện cho nhóm Việt Minh; Trần Trung Dung, đại diện cho nhóm Việt Quốc... đã lần lượt phát biểu ý kiến.

Đại biểu của nhóm Việt Quốc phát biểu không tán thành với chế độ một viện, ông ta cho rằng, dân chúng chưa được huấn luyện nhiều về chính trị nên sợ rằng, chế độ một viện không thích hợp với Việt Nam. Một đại biểu khác thuộc nhóm Việt Quốc cũng không tán thành chế độ một viện, đề nghị cần có chế độ hai viện, vì chế độ một viện là sự “độc tài của đa số”!

Các đại biểu Đỗ Đức Dục, Đinh Gia Trinh, Đào Trọng Kim, Nguyễn Sơn Hà và nhiều đại biểu khác đã tranh luận lại và đều tán thành với chế độ một viện. Trong số đó, đại biểu Đào Trọng Kim nhấn mạnh: “Hiến pháp đã phản ánh được nguyện vọng của dân chúng. Chế độ tập quyền có sự phân công là rất thích hợp để có thể ứng phó mau lẹ với thời cuộc luôn luôn biến chuyển”. Đại biểu Khuất Duy Tiến đã tranh luận với đại biểu nhóm Việt Quốc và nói rõ, “Hiến pháp Việt Nam rất cấp tiến. Chính thể của nước Việt Nam là chính thể tập quyền có sự phân công rành mạch. Chúng ta, ai cũng tha thiết với tự do, nhưng phải nhớ rằng, tự do của cá nhân không được trái với quyền lợi tối cao của Tổ quốc. Cá nhân muốn được tự do thì phải nỗ lực đấu tranh cho Tổ quốc”.

Đại biểu của Việt Quốc nói nhiều đến quyền tự do, nhưng lại cố ý chỉ trích Chính phủ, trong một năm nắm chính quyền chưa cho dân chúng được hưởng quyền tự do như dự thảo của Hiến pháp. Lập tức, đại biểu Phạm Văn Đồng đã tranh luận lại, ông nói rằng, phê phán như vậy không đúng đối với Chính phủ, vì trong một năm, Chính phủ đã nỗ lực đấu tranh quyết liệt để giữ vững nền độc lập, đã chỉ đạo toàn dân tăng gia sản xuất để cứu đói ở Bắc Bộ, đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước thành công...

Qua nhiều phiên thảo luận, có nhiều ý kiến khác nhau trong cùng một vấn đề, nhưng qua tranh luận dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, rồi đi đến hoàn thiện từng điều, từng chương, ngày 9.11.1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp với tỷ lệ gần như tuyệt đối 240/242 đại biểu có mặt tán thành(1).

Ngày nay, trong sinh hoạt Quốc hội, tính chất dân chủ ngày càng được phát huy mạnh mẽ, cao độ. Trong thảo luận xây dựng luật, trong hoạt động giám sát và trong việc quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, tất cả các ý kiến khác nhau (thậm chí trái chiều) đều được trình bày công khai, minh bạch trước Quốc hội. Khi thảo luận, giữa các đại biểu có sự tranh luận và tranh luận lại làm cho nghị trường sôi động, nóng lên.

Tuy nhiên có sự khác nhau rất xa giữa “xưa kia” và “ngày nay”. “Xưa kia”, trong cơ cấu, Quốc hội Khóa I có nhiều đảng phái, vì thế phát biểu dân chủ, tranh luận gay gắt là nhằm mục tiêu, vừa bảo vệ được đường lối của Đảng Cộng sản và Nhà nước công - nông, vừa thực hiện được chương trình nghị sự, giải quyết được nhiệm vụ cấp bách của Quốc hội trong hoàn cảnh chiến tranh đã bùng phát và đã lan rộng ra cả nước...

Còn “ngày nay”, Quốc hội là một thể thống nhất, thảo luận thẳng thắn, sôi động, ý kiến đa dạng là sự phản ánh góc nhìn của đại biểu. Từ những ý kiến với các góc nhìn khác nhau mà tiếp cận toàn diện, sát với thực tiễn, tìm ra được phương án tối ưu cho mỗi vấn đề được thảo luận. Chính vì vậy mà dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội cũng mang ý nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Quốc hội thảo luận tự do, dân chủ nhưng phải tuân thủ Quy chế làm việc của Quốc hội, tuân theo Nội quy kỳ họp và theo sự điều hành của chủ tọa. Bởi vậy mà dân chủ được gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, “phép nước”.

Đại biểu giơ biển tranh luận tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu giơ biển tranh luận tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV  

Ảnh: Quang Khánh

Chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội

Chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố cơ bản. Một là, đại biểu chuyên nghiệp (hoạt động chuyên trách). Hai là, công việc của Quốc hội phải mang đầy đủ tính chất chuyên môn nghiệp vụ. Trong đó yếu tố thứ hai đã được Điều 69, Hiến pháp năm 2013 xác định “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Tuy nhiên, hiện nay, đa số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm nên mức độ chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội phần lớn phụ thuộc vào tổ chức bộ máy của Quốc hội và số lượng, chất lượng của đại biểu chuyên trách.

Trong các nguyên nhân làm cho Quốc hội ngày càng hoạt động có chất lượng có nguyên nhân quan trọng là số lượng và tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách (gồm cả ở Trung ương và địa phương) tăng lên liên tục: Khóa XI có 119 đại biểu (chiếm 23,9% so với tổng số đại biểu); tương tự như vậy, Khóa XII có 144 đại biểu (chiếm 29,21%); Khóa XIII có 155 đại biểu (chiếm 31%); Khóa XIV có 167 đại biểu (chiếm 33,8%).

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ, phải “Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách”(2). Do điều kiện lịch sử, Quốc hội nước ta từ Khóa VIII trở về trước về cơ bản hoạt động kiêm nhiệm, nay tiến lên chuyên nghiệp hóa thì phải có bước đi hợp lý. Con số 40%, tương ứng với 200 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà chúng ta đặt mục tiêu cho Quốc hội Khóa XV là bước đi tích cực, hợp lý. Song song với đó, vấn đề mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ đạo là phải nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội nói chung và chất lượng đại biểu hoạt động chuyên trách nói riêng. Để thực hiện được các mục tiêu, yêu cầu này thì trong tổ chức cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tuyệt đại bộ phận số đại biểu chuyên trách nên là đại biểu tái cử, nhất là những đại biểu đã từng hoạt động chuyên trách. Tiếp đó là những người đã làm việc lâu năm trong các cơ quan phục vụ Quốc hội. Bởi các đại biểu này đã nắm được (đã thông thạo) quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội; đã “thiết kế” được mối quan hệ công tác trong và ngoài Quốc hội, đã có nhiều kinh nghiệm (có năng lực chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, nắm chắc nhiều vấn đề...) nên ngay từ đầu nhiệm kỳ có thể bắt tay vào việc được ngay. Hai là, nếu là đại biểu chuyên trách mới, thì nên chọn những đại biểu biết nhiều chuyên môn nghiệp vụ, những người có bề dày kiến thức, đã từng kinh qua công tác quản lý, lãnh đạo; những người đã từng làm công tác phân tích, tổng hợp, xây dựng chính sách, nhất là ở tầm vĩ mô. Ba là, đã là đại biểu hoạt động chuyên trách thì phải làm được ít nhất hai nhiệm kỳ. Do đó, phải cơ cấu độ tuổi cho tương thích.

Sở dĩ phải có bước đi hợp lý vì phải tính toán cả “đầu vào” và “đầu ra”. Một trong những đặc điểm của đại biểu Quốc hội thuộc “biên chế” Nhà nước là, tuổi “đầu ra” đúng như tuổi của cán bộ, công chức các cơ quan hành pháp và tư pháp. Kinh nghiệm một, hai nhiệm kỳ qua cho thấy, không ít đại biểu khi kết thúc nhiệm kỳ rơi vào tình trạng khó bố trí vì hưu trí thì chưa tới, làm tiếp thì ngoài khung tuổi của nhiệm kỳ mới đã được quy định. Đây cũng là một loại vấn đề (một loại chính sách) mà Quốc hội cần sớm nghiên cứu.

Khi đã lựa chọn kỹ càng đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó có tiêu chí là nguồn nhân lực chất lượng cao, thì nên tận dụng tối đa “chất xám” (năng lực, trình độ, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức phẩm chất) của họ. Đơn cử, theo tuổi nghỉ hưu, nếu họ còn một năm tuổi trở lên thì nên để họ được ứng cử - tái cử, tương đương như giáo sư, phó giáo sư - tiến sĩ được làm việc tiếp 5 năm so với tuổi nghỉ hưu hiện hành. Cùng với đó, nghiên cứu để thực hiện sớm chính sách tiền lương đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cụ thể là “cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn... với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả”(3).

Có thể nói, dân chủ và chuyên nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là phương châm, lại vừa là động lực của đổi mới và phát triển. Quốc hội Khóa XV và các khóa tiếp theo chắc chắn sẽ còn phát huy cao độ hơn nữa theo tư tưởng chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng để nâng tầm chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội lên những tầm cao mới.

_______________

(1) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, trang 102 - 105.

 (2) Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Tập I, trang 176.

(3)Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Tập I, trang 149.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 2: Dân chủ và chuyên nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO