Xây dựng đội ngũ cán bộ theo yêu cầu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Bài 2: Dám đương đầu khó khăn, hành động vì lợi ích chung

- Chủ Nhật, 11/07/2021, 05:34 - Chia sẻ
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, “Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”(1). Và theo tinh thần Nghị quyết Trung ương Bảy Khóa XII (2) thì công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ cách mạng thông qua thực tiễn và phong trào cách mạng của Nhân dân.

Hiệu quả công việc là tiêu chí hàng đầu

Người đứng đầu và cơ quan tổ chức cán bộ: Để thực hiện có hiệu quả cao sự chỉ đạo của Đại hội về tuyển chọn và sử dụng cán bộ thì phải giải quyết trước một bước chất lượng người đứng đầu và bộ máy làm công tác tổ chức và cán bộ, vì mọi việc thành, bại được bắt đầu từ hai vị trí này. 

Về người đứng đầu: Nghị quyết Đại hội đã chỉ dẫn, “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(3). Đây cũng được coi là các tiêu chí, là yêu cầu cần đạt đến để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo - người đứng đầu. Theo các tiêu chí đó, trước hết phải “xốc” lại đội ngũ những người đứng đầu hiện có, xem có bảo đảm các tiêu chí đó không? Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, thì người đứng đầu phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi; là người có phương pháp làm việc khoa học, thành thạo công nghệ thông tin, kỹ thuật số, xử lý công việc có nguyên tắc và hợp đạo lý; nói gọn hơn, thủ trưởng phải là người có tài, có đức (nếu không, đây sẽ là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng quyền lực, sẽ cản trở việc thực thi Nghị quyết Đại hội).

Tiếp đó là phải chấn chỉnh lại các cơ quan, đơn vị làm công tác tổ chức và cán bộ. Người ta nói, không có gì thú vị bằng làm việc về con người, nhưng cũng không có gì khó khăn, phức tạp, tế nhị bằng làm việc về con người. Người đứng đầu và người làm công tác tổ chức và cán bộ ngoài những yêu cầu tinh thông nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức “trong sáng hơn người” (không tham nhũng, không ham hố quyền lực, thẳng thắn, công minh, chính trực...), nắm chắc cấu trúc bộ máy cơ quan hơn ai hết... còn phải biết với mức độ sâu sắc tâm lý quản lý, tâm lý lãnh đạo...

Ở mỗi cơ quan, đơn vị, khi có được người đứng đầu tài đức và đơn vị làm công tác tổ chức và cán bộ vững mạnh thì mọi việc về công tác nhân sự mới có khả năng bảo đảm tính đúng đắn và chính xác theo yêu cầu.

Việc tuyển chọn cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ: Có hai nguồn chủ yếu để các cơ quan, đơn vị tuyển người vào làm việc, đó là, lấy người từ các cơ quan, đơn vị khác về cơ quan mình và tuyển mới từ các trường đào tạo.

Trường hợp lấy người từ cơ quan, đơn vị khác về để đáp ứng yêu cầu trước mắt (làm việc được ngay) thì phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng (người dự kiến lấy về phải đúng với chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan mình, đã có nhiều “sản phẩm” ở nơi đang làm việc; nghiêm túc trong thi hành nhiệm vụ, được tin dùng...). Nghĩa là phải lựa chọn được người thực sự tốt, đáp ứng yêu cầu công việc, nhận việc là tác nghiệp có hiệu quả.

Tuyển chọn từ nguồn các trường, lớp: Đây là trường hợp lấy người về và tiếp tục đào tạo trong thực tế, vừa làm vừa học, chuẩn bị kế nhiệm cho các lớp cán bộ đi trước. Nghị quyết Trung ương Bảy, Khóa XII về công tác cán bộ đã chỉ đạo “Chủ động nắm, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài”(4). Giải pháp này ít nhiều chúng ta cũng đã có kinh nghiệm, nhưng nay phải phát huy hơn nữa, trong đó, “hiệu quả công việc” phải là tiêu chí hàng đầu...

Trong một cơ quan, đơn vị, thông thường có 4 lớp cán bộ gồm: Cán bộ mới, vừa học vừa làm; cán bộ làm là chính, nhưng vẫn phải tiếp tục học thêm; cán bộ đã trưởng thành, rất thành thục trong mọi công việc, là “chủ công” của cơ quan, đơn vị; và cán bộ cao niên, nhiều kinh nghiệm, có vai trò định hướng, hỗ trợ cho các lớp cán bộ trẻ. Các lớp cán bộ đó sẽ chuyển dịch lên, thay thế các lớp tiền nhiệm. Thực hiện được như thế sẽ khắc phục được tình trạng “đông mà không mạnh”.

Tùy tài mà dùng người

Việc sử dụng cán bộ, thông thường nhất là phải đúng, sát với chuyên môn nghiệp vụ của mỗi người. Vấn đề này một lần nữa chúng ta phải tiếp tục học và làm theo Bác Hồ. Ngay từ năm 1947, Bác đã dạy: “Phải khéo dùng cán bộ - Không có ai cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ, thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”(5)

Tuyển lựa cán bộ quản lý, lãnh đạo: Quy luật “phát triển không đều” có ý nghĩa cả trong công tác cán bộ. Trong mỗi lớp cán bộ đều có người nổi trội, có người phát triển tốt, có người phát triển bình thường, có người cần nhiều thời gian hoạt động thực tiễn hơn mới thể hiện được năng lực. Bởi vậy phải có quy trình tiến hành hợp lý, chắc chắn. Theo Nghị quyết Trung ương Bảy, Khóa XII về công tác cán bộ thì quy trình đó là: Căn cứ tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo từng cấp mà lựa chọn những người tiêu biểu, xuất sắc, lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo từng chức danh. Bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt và kỹ năng làm việc; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng. Đánh giá chính xác từng nhân sự theo chức danh dự kiến.

Việc đánh giá đúng đắn, chính xác từng nhân sự là công việc không đơn giản. Về kiến thức, trình độ thì có thể qua thi cử, qua tọa đàm, trao đổi trực tiếp mà nắm được; nhưng về phẩm chất, tư cách, đạo đức thì thật sự là khó. Việc sử dụng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, đến lúc này điều kiện đất nước hoàn toàn cho phép nói đến việc đãi ngộ xứng đáng với họ. Hết sức tránh suy nghĩ, cứ có chức, có quyền là “hái” ra tiền, của. Ai mắc tội vơ vét, đục khoét, tham nhũng, có tội với cơ quan, với nước, với dân thì quốc pháp trừng trị đến nơi, đến chốn, hình phạt tương xứng. Còn những cán bộ liêm chính, tận tụy, tất cả vì công việc, có cống hiến nhất định cho cơ quan, cho đất nước thì phải được đãi ngộ xứng đáng. Trước mắt theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thì phải cải cách chính sách tiền lương gắn với giá trị sức lao động, để cán bộ, công chức có tiền lương, thu nhập phù hợp, tương đồng với sức lao động đã tiêu hao, đồng thời phải chú trọng nâng cao phúc lợi, an sinh cuộc sống cho họ. Đó cũng chính là nguyện vọng rất cơ bản của cán bộ, công chức hiện nay.

———————

(1) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tập I, trang 231.

(2) và (4) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19.5.2018 Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy, Khóa XII về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

(3) Như (1), trang 187.

(5) Hồ Chí Minh Về vấn đề cán bộ, Nxb ST, Hà Nội 1975, trang 34.

TS. Bùi Ngọc Thanh -  Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội