Chính trị

Bài 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người của những quyết định lịch sử (*)

Võ Nguyên Giáp - Đại biểu Quốc hội khóa I, tỉnh Nghệ An 12/02/2025 11:00

Vượt qua biết bao nhiêu tình huống khó khăn phức tạp, được sự chỉ đạo tài tình của Bác, ngày 2.3.1946, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I đã long trọng khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Cũng như các đại biểu khác, Bác Hồ mang thẻ đại biểu số 305 mà lúc bấy giờ gọi là “Giấy chứng minh”.

ky_hop_dau_tien_cua_qh-14_51_19_412.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra sau ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 06/01/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh tụ thiên tài


Trong bản báo cáo ngắn gọn trước Quốc hội, Bác nói: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam ta. Nó là kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta,… gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ hiểm nguy tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc…

Trong cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không phải đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam”[1].

Sau gần một ngày làm việc khẩn trương, căng thẳng, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa I đã thành công tốt đẹp. Bằng uy tín tuyệt đối của mình, Bác Hồ đã đứng ra thành lập Chính phủ chính thức và được toàn thể Quốc hội nhất trí phê chuẩn. Lịch sử đã chứng tỏ, quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử và chưa đầy một tháng sau đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa I vào đầu năm 1946 là một quyết định cực kỳ sáng suốt và dũng cảm. Bởi, nếu để chậm hơn thì tình thế sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp. Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử.

Một thành tựu có tính chất lịch sử Bác Hồ đã để lại cho chúng ta ngày nay là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà chính Bác là Trưởng ban dự thảo. Đây là tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh tụ thiên tài. Bởi, Hiến pháp là biểu hiện tập trung nhất ý chí của một dân tộc, kỷ cương của một đất nước. Chỉ một tháng sau khi giành được chính quyền, ngày 20.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34, thành lập ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.

Mặc dù đất nước đang hết sức bộn bề với muôn vàn công việc khẩn cấp, Ban dự thảo Hiến pháp đã họp nhiều phiên họp nhiều phiên họp dưới sự chủ tọa trực tiếp của Bác. Với trí tuệ uyên bác, với quan điểm lấy dân làm gốc, Bác đã đưa ra bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến trên thế giới, nhiều điều còn có giá trị mang tính thời sự cho đến hôm nay, mà bản Hiến pháp 1992 đã kế thừa và phát triển.

Hiến pháp 1946 gồm có Lời nói đầu, 7 chương với 70 điều. Về tính chất, đó là bản Hiến pháp của thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Lời nói đầu của bản Hiến pháp ghi rõ: “Sau 80 năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới.

Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.

… Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:

- Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân".

Về chính thể của nước Việt Nam, Hiến pháp ghi ngay trong Điều 1: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.

Đây là cuộc cách mạng cực kỳ to lớn trong lịch sử dân tộc. Người dân từ địa vị bị áp bức, bóc lột, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đã tự mình đứng lên làm chủ cuộc đời mình.

Để khẳng định ý chí thống nhất của toàn dân tộc, Điều 2 Hiến pháp ghi rõ: Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia.

Tiếp theo Hiến pháp quy định các biểu tượng của nước Việt Nam mới: Quốc kỳ nền đỏ giữa có sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài Tiến quân ca. Thủ đô là Hà Nội (Điều 3).

Bản Hiến pháp đầu tiên đã khẳng định những quyền cơ bản của công dân Việt Nam:

- Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều 6).

- Đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình (Điều 7).

- Quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp với trình độ chung (Điều 8).

- Đàn bà ngang quyền với đàn ông, về mọi phương diện (Điều 9).

- Công dân Việt Nam có các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài (Điều 10).

- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, về thư tín. Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật (Điều 11).

- Quyền tư hữu tài sản (Điều 12).

- Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm (Điều 13).

- Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được chăm sóc về mặt giáo dưỡng (Điều 14).

- Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước (Điều 15).

Những nguyên tắc về chế độ bầu cử trong bản Hiến pháp đầu tiên


Về chế độ bầu cử, Hiến pháp năm 1946 quy định những nguyên tắc dân chủ nhất:

- Phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín (Điều 17).

- Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền, người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử (Điều 18).

1(1).jpg

- Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu (Điều 20) và có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia (Điều 21).

Bản Hiến pháp đầu tiên quy định rõ việc tổ chức bộ máy Nhà nước.

Cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nghị viện nhân dân (danh từ hồi ấy dùng để chỉ Quốc hội). Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài (Điều 22 và Điều 23).

Nghị viện nhân dân có Ban thường trực.

Nghị viện nhân dân họp mỗi năm hai lần, họp công khai, công chúng được vào nghe (Điều 30).

- Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc (Điều 43).

Chính phủ gồm có: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước và nội các.

Hiến pháp quy định cách bầu, quyền hạn, nhiệm vụ và các chức vụ này.

Về Tư pháp, Hiến pháp đầu tiên của nước ta quy định những nguyên tắc rất tiến bộ: Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước tòa án (Điều 66). Các phiên tòa đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt.

Bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư (Điều 67). Cấm không được tra tấn, đánh đập, ngược đãi những bị cáo và tội nhân (Điều 68).

Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp (Điều 69).

Những nguyên tắc này đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Trước khi Bác lên đường đi Pháp, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được khởi thảo xong, đang chờ Quốc hội kỳ 2, Khóa I họp để thông qua. Do đó, sau khi ở Pháp về, vấn đề triệu tập Quốc hội được Bác đặt ra khẩn trương. Rất nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra từ sau cuộc họp hồi đầu tháng 3 đến giờ. Nhiều hoạt động của Chính phủ cần được báo cáo trước Quốc hội.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến thành lập đầu tháng 3 đã được tổ chức trong một hoàn cảnh đặc biệt. Thành phần của Chính phủ đã đáp ứng yêu cầu lúc đó, nhưng một số người có chân trong Chính phủ không hề được nhân dân bầu ra. Sau khi quân Tưởng rút, nhiều phần tử Việt Nam quốc dân Đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội bỏ chạy theo quan thầy, đã để lại trong Chính phủ và Quốc hội những chỗ trống. Hơn 7 tháng qua tình hình đất nước thay đổi nhiều. Bác và Thường vụ Trung ương Đảng nhận thấy đã đến lúc phải có một Chính phủ mạnh, đủ uy tín, năng lực để làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo quốc dân trước tình hình mới.



[1] . Hồ Chí Minh: Sđd, tr.189-190.

(*) Đầu đề và các tít phụ do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

(*) Trích đăng theo cuốn “Hồi ký Đại biểu Quốc hội khóa I” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2000

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người của những quyết định lịch sử (*)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO