Có mặt ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát - “thủ phủ” đồng bào Khơ Mú “cực Tây” tỉnh Thanh Hóa vào một buổi sáng se lạnh của những ngày cuối Thu. Nhìn cuộc sống của bà con nơi đây, ít ai nghĩ rằng đã có một thời Đoàn Kết chìm trong “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm, không đất trồng lúa nước… Theo chân Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Đoàn Kết Cút Văn Dân (sinh năm 1993), chúng tôi đến nhà già làng Lương Xuân Ban - Bí thư chi bộ đầu tiên của bản Đoàn Kết ngày ấy!
Biết chúng tôi tới, già Ban đã chuẩn bị sẵn ấm trà nóng hổi để thiết đãi khách. Ở cái tuổi 79 với hơn 50 năm tuổi Ðảng, già Ban vẫn đau đáu với công tác tạo nguồn, ươm mầm những “hạt giống đỏ” cho Đảng, xây dựng chi bộ trở thành chi bộ tốt nơi biên giới xứ Thanh… Trong câu chuyện với chúng tôi, già Ban nhớ lại: Chi bộ Đoàn Kết ra đời trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của xã Tén Tằn nói chung và đời sống đồng bào Khơ Mú ở đỉnh Pha Lát nói riêng gần như tách biệt với bên ngoài. Với vị trí “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, việc phát triển kinh tế - xã hội quả thực là bài toán khó. Và lời giải được Chi bộ Đoàn Kết đưa ra lúc này là: “Việc gì càng khó càng phải vận động đảng viên làm trước, làm tốt mới tuyên truyền cho dân làm theo. Đảng viên làm tốt thì đồng bào nhìn thấy sẽ yên tâm làm theo”.
Phát huy vai trò “hạt nhân” lãnh đạo, già Ban cùng với các đảng viên giàu tâm huyết trong chi bộ như cụ Lò Văn Phồm, Lò Văn Xiết, Lò Văn May, Pít Văn Xinh… đã “cầm tay chỉ việc” giúp dân bản khai hoang đất ven suối và thung lũng Tén Ăng để trồng lúa nước; vận động bà con đắp những con đập nhỏ ngăn suối, bắt con nước chảy ngược vào ruộng lúa. Từ việc “đi cùng, làm cùng” với bà con mà diện tích lúa nước của bản cứ thế được mở rộng thêm sau mỗi mùa vụ… Bên cạnh đó, chi bộ cũng tập trung nỗ lực mở đường vào bản, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong hôn nhân cận huyết thống, xây dựng nếp sống mới. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng, chi bộ Đoàn kết đã giải được bài toán “xóa đói” cho người dân. “Chi bộ sẽ không thể mạnh nếu cuộc sống người dân vẫn mãi luẩn quẩn trong cái đói, cái nghèo”, già Ban quả quyết.
Khi được hỏi kinh nghiệm để cho chi bộ của các bản đặc biệt khó khăn mạnh lên, già Ban đăm chiêu: Để chi bộ mạnh, cần đặc biệt quan tâm phát triển đảng viên người DTTS, nhất là những người hội tụ đủ “tài - đức” để dẫn dắt, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở và đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Do đó, để tăng xung lực cho chi bộ và xây dựng đội ngũ đảng viên kế cận tại chỗ, tránh nguy cơ “tái trắng”, Chi bộ Đoàn Kết đã trực tiếp xuống từng hộ dân, động viên người dân cho con em đến lớp học chữ; đồng thời, rà soát nguồn phát triển Đảng lựa chọn những nhân tố tích cực tham gia các hoạt động xã hội để dìu dắt, bồi dưỡng, giới thiệu cho Ðảng… “Nhờ chủ trương “phủ xanh” những “cánh rừng trọc đảng viên” của Đảng, từ chỗ chỉ có 7 đảng viên khi mới thành lập nay Chi bộ phố Đoàn Kết có 28 đảng viên. Các đảng viên đều gương mẫu tuyên truyền đường lối, giúp bà con dần thay đổi nhận thức và có ý thức xây dựng quê hương”, ông Lương Xuân Ban chia sẻ.
Để có thêm tư liệu cho tuyến bài viết, chúng tôi tiếp tục hành trình về với xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ. Sau 5 năm thực hiện Đề án 01-ĐA/TU về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020, Đảng bộ xã Môn Sơn đã phát hiện, bồi dưỡng 60 quần chúng ưu tú học cảm tình Đảng, trong đó, có 11 người là con em tộc người Đan Lai... Bí thư Đảng ủy xã Đặng Văn Thân chia sẻ: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Cây Đa - Cồn Chùa - nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ, hiện nay, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng mà trực tiếp là các chi bộ ở cơ sở, cuộc sống của bà con nơi đây đang từng ngày đổi mới.
Điều này được minh chứng khi chúng tôi đến Khe Ló - một bản nhỏ thuộc xã Môn Sơn vừa mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 12.2020). Bên bếp lửa bập bùng trong buổi chiều sương mù dày đặc, Bí thư kiêm Trưởng bản Lương Thị Tâm chia sẻ: Để đưa Khe Ló trở thành bản nông thôn mới, Chi bộ Khe Ló đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn bạc, tìm phương án chỉ đạo sát đúng, hiệu quả nhất. Các đảng viên trong chi bộ đã đóng góp, hiến cây, hiến đất, ngày công xây dựng đường giao thông; đồng thời, các đảng viên cũng xung phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Khi triển khai, nhiều bà con còn e ngại, nhưng khi thấy cây bí lên xanh đồng thì ai cũng an tâm hưởng ứng... “Muốn dân tin vào mình, tin vào Chi bộ Đảng thì phải làm cho đời sống của người dân ấm no hơn. Lúc đó bà con mới hiểu, mới theo mình”, chị Tâm bày tỏ.
Khe Ló là ví dụ sinh động cho việc muốn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì Đảng phải lãnh đạo toàn diện. Trong đó đảng viên phải tiên phong đi trước, nhất là phát triển kinh tế. Chỉ khi thấy người thật việc thật, hiệu quả thì bà con sẽ nghe theo… “Nếu không có chi bộ, không có vai trò hạt nhân là các đảng viên chắc rằng bản không có ngày hôm nay”, lãnh đạo xã Môn Sơn chia sẻ.
Hay như ở Chi bộ thôn 2/9 ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, để đưa thôn hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới vào năm 2018, hiện đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, là nhờ chi bộ có những nghị quyết chỉ đạo sát đúng. Theo Bí thư Chi bộ thôn 2/9, mỗi việc triển khai xuống dân đều phải gắn với một nghị quyết của chi bộ. Quan trọng là trước khi ra nghị quyết, chi bộ chọn cách làm và thăm dò ý kiến Nhân dân rồi mới họp bàn, thống nhất nội dung triển khai để bảo đảm hiệu quả cao và phù hợp với lòng dân. “Cách nhanh nhất để đưa nghị quyết của chi bộ vào cuộc sống là “Cán bộ, đảng viên cứ thực hiện đúng “nói đi đôi với làm” thì bà con sẽ nghe, tin và làm theo”, Bí thư Chi bộ thôn 2/9 cho biết.
Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy huyện Con Cuông, Nghệ An Nguyễn Đình Hùng cho biết: Còn nhiều khó khăn tạo “sức nặng” lên mỗi Đảng viên vùng biên khi cuộc sống phải dành nhiều lo toan “cơm áo, gạo tiền”, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy cơ sở, vai trò của các chi bộ Đảng ở các bản làng đang từng bước được củng cố… “Điều có thể nhận thấy rõ ràng nhất là từ khi có chi bộ cắm bản, tinh thần đoàn kết toàn dân được nâng lên; tình hình chính trị được giữ vững; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được đến thẳng người dân một cách nhanh chóng hơn”, ông Hùng chia sẻ.
“Một chi bộ mạnh còn phải biết cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng, để người dân thấy được, hiểu được và làm theo một cách thiết thực nhất”.
____
Bí thư Huyện ủy Đakrông,
tỉnh Quảng trị
Nguyễn Trí Tuân
Cũng theo ông Hùng, Đảng bộ huyện Con Cuông thời gian qua đã chỉ đạo phải đa dạng nguồn kết nạp; hướng vào việc tuyên truyền, vận động, giác ngộ lý tưởng cho các quần chúng tích cực ở từng cụm dân cư, nhất là quần chúng đang hoạt động ở các hội, đoàn thể, và những người lao động sản xuất giỏi, đóng góp tích cực cho cộng đồng… Nhờ đó, năm 2021, toàn huyện đã kết nạp được 134 đảng viên (vượt so với kế hoạch); 10 tháng đầu năm 2022, kết nạp được 132 đảng viên, vượt chỉ tiêu cả nắm đặt ra.
Bí thư Huyện ủy Đakrông, tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trí Tuân chia sẻ: Để xây dựng chi bộ mạnh, bên cạnh tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thì còn cần tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ. Nếu không đồng thuận thì dù cá nhân có năng lực cũng không phát huy được vai trò “hạt nhân” của chi bộ, không tạo được hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành… “Một chi bộ mạnh còn phải biết cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng, để người dân thấy được, hiểu được và làm theo một cách thiết thực nhất”, ông Tuân nhấn mạnh.
“Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Phải yêu kính Nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai. Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Phải thật thà, ngay thẳng; không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn luôn chǎm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người cộng sản.
Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”
Trích Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc, tháng 3 năm 1961, được đăng trên Báo Nhân dân, số 2563, ngày 27-3-1961 với tiêu đề: Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội.
Tuyến đường vào bản người Mông duy nhất ở xã Lưu Kiền đẹp hơn nhờ những vạt hoa xuyến chi bung nở bên đường. Chỉ tay về phía một phụ nữ trẻ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mạc Văn Nguyên giới thiệu: Kia là đồng chí Vừ Y Dở - nữ đảng viên người Mông đầu tiên của huyện Tương Dương giữ cương vị Bí thư Chi bộ bản. “Đồng chí Vừ Y Dở là tấm gương phụ nữ vùng biên vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và cộng đồng, góp sức xây dựng bản làng no ấm, yên vui”, ông Nguyên nhận xét.
Với phương châm “Nói dân hiểu, dân tin, dân nghe thì việc gì cũng dễ và thành công”, Bí thư Vừ Y Dở là người tiên phong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, điển hình là mô hình chăn nuôi dê đã thu hút nhiều hộ dân ở Lưu Thông tham gia và đem lại thu nhập cao. Chị còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm y tá của bản đã cùng chị em tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hôn nhân - gia đình, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, các quy định về bảo đảm an ninh biên giới… cho dân bản. Khi được hỏi bí quyết để bà con tin theo chủ trương, đường lối của chi bộ, Bí thư Vừ Y Dở cười tươi: “Cứ “người thật, việc thật, hiệu quả thật’’ thì dân bản tin thôi, muốn vậy thì cán bộ, đảng viên và gia đình phải gương mẫu đi đầu!”.
Tạm xa dòng suy nghĩ về nữ “thủ lĩnh” Vừ Y Dở: “Cái lưng của người phụ nữ Mông sẽ không chỉ gùi ngô, gùi lúa mà bây giờ còn “gùi” cả chủ trương, chính sách của Đảng về với bản làng…”, chúng tôi về với Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở vùng đất cát trắng, gió Lào này, bà con thường nhắc đến Nguyễn Thị Nương (sinh năm 1990) như một tấm gương đáng quý về nỗ lực học tập và khát vọng vươn lên, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, yên bình cho bản làng.
Là Bí thư Chi bộ bản, chị Nương luôn trăn trở nghĩ cách tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân và chủ động phát huy phương châm “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, bắt tay tiên phong thử nghiệm nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới. Sau vài vụ thành công, nữ Bí thư chi bộ bản đã tuyên truyền và hướng dẫn bà con đưa những giống mới này vào nuôi, trồng. Bằng những việc làm thiết thực mà những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con được thuận lợi hơn… Nhờ đó, đời sống bà con trong bản ngày càng khởi sắc.
Theo lời chị Nương, khi mới nhận nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ bản, bản thân gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền, vận động bởi một số bà con trình độ văn hóa, hiểu biết còn hạn chế. Nhiều người còn cho rằng, phụ nữ sẽ không lãnh đạo được… “Tôi không nản lòng mà quyết tâm làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đến nay, bản thân đã tạo được sự tin tưởng cho mọi người, đạt những thành quả mong muốn”, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Nương chia sẻ.
Chia sẻ về vai trò của các Bí thư Chi bộ bản trong công cuộc đồng hành cùng bà con gây dựng cuộc sống mới, lãnh đạo huyện Bố Trạch cho biết: Huyện Bố Trạch có 21 chi bộ thuộc vùng đồng bào DTTS, trong đó 18 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã Thượng Trạch… Là “cánh tay nối dài” của Đảng, các Bí thư Chi bộ luôn bảo đảm duy trì chế độ sinh hoạt chi bộ đều đặn, đúng quy định; chú trọng nắm bắt tư tưởng của đảng viên và bà con; quán triệt, triển khai đầy đủ nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tích cực lồng ghép nội dung sinh hoạt chi bộ với phổ biến kỹ thuật canh tác, vận động bà con trong bản thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.
Chia tay bà con bản Cà Roòng 1 khi bình minh hửng sáng. Trên cung đường đồi núi quanh co với những khúc cua tay áo, thôn Ra Ty thuộc xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện ra trước mắt chúng tôi một vẻ đẹp dung dị đặc trưng của bản làng người Pa Kô, Vân Kiều. Trong câu chuyện vui về sự “thay da đổi thịt” của vùng đất này, bà con nơi đây còn bày tỏ niềm tự hào về Bí thư Chi bộ Hồ Văn Lô.
Với vai trò là Bí thư Chi bộ, anh Hồ Văn Lô đã phân công đảng viên giúp đỡ những hộ nghèo trong thôn phát triển trồng trọt, chăn nuôi bằng cách “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; hiến đất, đóng góp công sức xây dựng đường nội thôn; vận động thanh, thiếu niên không sa vào các tệ nạn xã hội… “Để phát triển kinh tế, gia đình tôi đã chuyển đổi từ trồng lúa rẫy, ngô cho năng suất thấp sang trồng sắn KM94 và chuối. Đồng thời, vay thêm vốn đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò và trồng hơn 5ha tràm. Bình quân mỗi năm gia đình thu về hơn 200 triệu đồng từ sắn, chuối và chăn nuôi”, anh Lô chia sẻ.
Trên cơ sở tiên phong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, anh Hồ Văn Lô và các đảng viên trong chi bộ đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, những năm gần đây, người dân Ra Ty không còn thiếu lương thực, dần có cuộc sống no ấm bằng cách vượt qua tư tưởng trông chờ, ỷ lại, biết tận dụng đất đai, kỹ thuật vào sản xuất. Riêng năm 2021, toàn thôn có 15 hộ thoát nghèo…
Vừ Y Dở, Nguyễn Thị Nương hay Hồ Văn Lô… chỉ là số nhỏ đại diện cho những Bí thư Chi bộ, đảng viên người DTTS ở các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ mà chúng tôi đã gặp, tuy mỗi người có phương pháp hoạt động riêng nhưng có điểm chung là đều “lấy dân làm gốc”. Họ không chỉ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền mà luôn tiên phong trong mọi hoạt động; tích cực vận động bà con bài trừ lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới ở các bản làng…
Rời các bản làng biên cương lúc mặt trời gác núi. Trên con đường trở lại phố thị, chúng tôi không khỏi xúc động khi câu nói của Người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa vang lên từ chính nơi có các bản làng ẩn mình trong những ngọn núi cao sừng sững và bên các cánh rừng già: “Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng…”
"Mỗi một thanh niên trẻ vùng đồng bào DTTS đều mong muốn được đi học, tiếp cận các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để được rèn luyện, tu dưỡng bản thân; đồng thời giúp đỡ đồng bào dân tộc mình, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp hơn".Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, song song với việc học chuyên môn, tôi đã được giáo dục tư tưởng và tham gia các đợt sinh hoạt chính trị hàng năm. Sau khi ra trường, về công tác vị trí viên chức tại Trạm Y tế xã Hóa Phúc rồi đến Trưởng Trạm Y tế xã Hóa Thanh, tôi không ngừng phấn đấu, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ của Đảng… “Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp và ủng hộ của cử tri, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021, tôi tiếp tục ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và tái cử… Sự giáo dục, bồi dưỡng của tổ chức đã giúp tôi vững vàng và bản lĩnh hơn để có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của một cán bộ, đảng viên và nhiệm vụ của người đại diện cho ý chí, tâm tư, nguyện vọng của cử tri’’, bác sỹ Đinh Thị Chuẩn chia sẻ.
- Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình,
Bác sỹ Đinh Thị Chuẩn (dân tộc Chứt) -
Nội dung: Chí Tuấn - Anh Thế - Diệp Anh - Đào Cảnh
Ảnh: Hải Phong - Mỹ Hạnh
Trình bày: Duy Thông - Xuân Tùng