Phát triển văn hóa đọc

Bài 2: Thấm sâu và lan rộng

- Thứ Năm, 20/04/2017, 08:05 - Chia sẻ
Hoạt động xây dựng tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh, công cộng đang lan rộng khắp thành thị, nông thôn; nhiều CLB đọc sách, thư viện tại nhà phục vụ miễn phí bạn đọc; các sự kiện tặng sách, giới thiệu sách của nhà xuất bản, phát hành… cho thấy nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trên hành trình đưa sách đến cộng đồng.

>> Bài 1: Sách giấy vẫn được ưa chuộng

Bắt nhịp cho sách

“Người đọc sách thực thụ sẽ thích cầm trên tay những cuốn sách giấy, vấn đề là lan tỏa nó như thế nào để mọi người nhận thức được vai trò của sách và cùng tham gia phát triển văn hóa đọc. Kinh nghiệm từ BFree khi xây dựng tủ sách công cộng và đi trao tặng sách, là truyền cảm hứng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng không khó. Quan trọng là các đơn vị sáng lập dự án về sách quyết tâm và nghiêm túc theo đuổi đến cùng, tích cực nhân rộng hoạt động đọc theo cả bề rộng lẫn chiều sâu”.

Quản lý thư viện đọc sách miễn phí BFree Nguyễn Quốc Chiến

Có thể trong lúc chờ đợi tàu xe, hoặc trên ghế đá công viên, bạn sẽ tình cờ nhận được một món quà đặc biệt là những cuốn sách. Chủ động trao đến tận tay độc giả những mẩu truyện thú vị, đưa thông điệp từ sách đến người kế bên… là cách mà chương trình “Cùng Tiki lan tỏa văn hóa đọc” đang thực hiện tại các cung đường, các trường đại học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với số sách lên tới 6.000 cuốn. Đây là một trong rất nhiều hoạt động góp phần kéo công chúng đến với sách mà không ít tổ chức, đơn vị đang tích cực triển khai.

Kể từ năm 2014, khi Ngày sách Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, ngày càng có nhiều chương trình tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh người tham gia vào quá trình xuất bản, lưu giữ và truyền bá sách. Từ đó, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Hiện tại, không chỉ Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng tích cực tổ chức triển khai Ngày sách Việt Nam, như Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Cà Mau, Đồng Tháp… Ngoài chương trình tri ân bạn đọc, các địa phương cũng chủ động xây dựng, triển khai tổ chức nhiều hoạt động phong phú, phù hợp với điều kiện vùng miền, lồng ghép với các tổ chức xã hội về sách. Chẳng hạn, việc xây dựng đường sách, phố sách, tổ chức các gian hàng bán sách giảm giá, nhân rộng chương trình thu gom, tặng sách, đưa sách về các trung tâm người khuyết tật, bệnh viện, trại giam...

Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Phụ Nữ Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ: “Chúng tôi có một ước mơ là ở Việt Nam, lãnh đạo có thời gian đọc sách, doanh nhân có thời gian đọc sách, mọi gia đình đều có thời gian dành cho đọc sách, trẻ em nào cũng được đọc sách... Chúng tôi mơ trên khắp đất nước mình đều có không gian đọc, mong được lan tỏa tình yêu của những người thực sự yêu sách và trân quý sách, có trách nhiệm với cộng đồng”.


Đọc sách thoải mái tại Không gian văn hóa Đông Tây

Sợi chỉ đỏ của văn hóa đọc

Khẩu hiệu “Không để sách chết trên giá” được treo ngay phía trên tủ sách là kim chỉ nam của thư viện sách miễn phí Bfree (Từ Liêm, Hà Nội). Ra đời năm 2014 với mô hình kết hợp với quán cafe, sau đó trở thành thư viện độc lập, đến nay, BFree có hơn 1.600 cuốn sách, sắp xếp theo từng lĩnh vực: Văn học, tôn giáo, lịch sử, ngoại ngữ, kỹ năng sống, truyện thiếu nhi... Quản lý Thư viện Nguyễn Quốc Chiến cho biết, BFree khác biệt với thư viện khác ở chỗ, đây là mô hình tự quản, độc giả đọc và mượn sách tự giác. Bằng cách làm này, thư viện ngày càng thu hút độc giả ở mọi lứa tuổi. Hay như Không gian Văn hóa Đông Tây với diện tích hơn 1.000m2 tại làng sinh viên HACINCO (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là chốn lui tới lý tưởng cho nhiều người yêu sách Hà Nội… Các không gian sách phục vụ miễn phí bạn đọc như vậy xuất hiện khá nhiều trong mấy năm trở lại đây, góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của sách và văn hóa đọc đến cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều dự án sách cũng hình thành, được cho là sợi chỉ đỏ để nhân rộng hoạt động đọc. Điển hình là Chương trình Sách hóa nông thôn đã và đang tạo được tiếng vang lớn. Bằng việc hướng đến nhóm đối tượng đọc cụ thể tại các vùng quê, kêu gọi xây dựng các tủ sách dòng họ, tủ sách lớp học… chương trình cộng hưởng, ngày càng lan rộng, như: Sách hóa nông thôn miền Nam, Sách hóa nông thôn Thanh Chương (Nghệ An), Đức Thọ (Hà Tĩnh), Lam Sơn (Thanh Hóa), Sách hóa nông thôn Quảng Trị… Theo ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Sách hóa nông thôn, hiện nay đã có 35 tỉnh, thành trên cả nước hưởng ứng phong trào phủ sách tại địa phương. Thậm chí, có những tỉnh phủ gần như toàn địa bàn như Nam Định, Thái Bình… “Muốn thúc đẩy văn hóa đọc trước hết phải có sách. Đưa sách về nông thôn là nền tảng quan trọng, tạo ra phong trào lan rộng trên toàn quốc. Qua đó, có thể thấy tinh thần chia sẻ trách nhiệm nâng cao dân trí đang trở thành xu thế của xã hội” - ông Nguyễn Quang Thạch nhận định. 

Thái Minh