Châu Âu:

Tăng cường bảo vệ người lao động trong thời kỳ dịch bệnh

- Chủ Nhật, 07/02/2021, 07:03 - Chia sẻ
Vừa qua, các nghị sĩ châu Âu đã kêu gọi trao quyền ngắt kết nối kỹ thuật số khỏi công việc cho người lao động mà không phải đối mặt với hậu quả tiêu cực nào. Sáng kiến lập pháp trên được Nghị viện châu Âu thông qua cách đây khoảng 2 tuần với 472 phiếu ủng hộ so với 126 phiếu chống, ra đời trong bối cảnh tình trạng nhiễm virus Corona gia tăng trên khắp châu lục khiến nhiều Chính phủ phải áp dụng lại các biện pháp đóng cửa, buộc người lao động ở nhà và làm việc từ xa trong thời gian dài hơn.
		Nguồn ITN
Nguồn ITN

Quyền không thể thiếu trong thời đại kỹ thuật số

Cái gọi là quyền ngắt kết nối mà các nghị sĩ châu Âu đưa ra sẽ cho phép người lao động “không phải tham gia vào các nhiệm vụ, hoạt động liên quan đến công việc và giao tiếp điện tử, chẳng hạn như cuộc gọi điện thoại, email và các tin nhắn khác ngoài thời gian làm việc”, kể cả trong thời gian nghỉ ngơi, các ngày nghỉ hàng năm và các hình thức nghỉ phép khác. Quyền sẽ cho phép người lao động tắt thiết bị liên lạc của mình “mà không có nguy cơ dẫn đến hậu quả bất lợi, chẳng hạn như sa thải hoặc nhiều biện pháp trả đũa khác”.

Theo quy định của quyền được ngắt kết nối, doanh nghiệp có 50 nhân viên trở lên hoạt động ở EU sẽ bị người lao động và các công đoàn độc lập giám sát việc sử dụng tin nhắn, email hay điện thoại để giao việc cho nhân viên ngoài giờ làm. Nếu vi phạm, doanh nghiệp có thể phải bồi hoàn cho người lao động tương tự như việc Pháp từng buộc một công ty của Anh trả 60.000 euro cho một nhân viên người Pháp vì yêu cầu người này liên tục truy cập email, tin nhắn để thực hiện công việc ngoài giờ làm, trong năm 2018.

Đối với nghị sĩ châu Âu, quyền ngắt kết nối là một phần không thể tách rời của kỷ nguyên kỹ thuật số. Họ cho rằng, chưa có luật cụ thể của EU điều chỉnh lĩnh vực này và luật pháp liên quan khác nhau rất nhiều giữa các nước trong khối.

Ông Alex Agius Saliba, nghị sĩ châu Âu người Malta cho rằng: “Cuối cùng, chúng ta đang gặp phải tình huống mà luật được viết trong thời kỳ mà số hóa không quá nổi bật trong cuộc sống, do đó đây là thời điểm thích hợp và chúng ta có động lực chính trị”.

Để khắc phục sự phân mảnh trong luật pháp về vấn đề này ở châu Âu, các nghị sĩ đang yêu cầu Ủy ban châu Âu đề xuất một dự luật để bảo đảm quyền ngắt kết nối ở cấp độ EU, thiết lập các yêu cầu và điều kiện tối thiểu để làm việc từ xa.

Ngoài việc áp dụng tại 27 nước thành viên, quyền được ngắt kết nối có thể được EU coi là điều kiện trong hợp tác kinh tế với các quốc gia khác và những tổ chức hoạt động về nhân quyền tại EU cũng coi đây là mục tiêu cần giám sát. Điều này đặt ra những lo ngại không chỉ ở các nước EU mà trên phạm vi toàn cầu, bởi đến nay chỉ có Pháp là quốc gia duy nhất tại EU có luật cụ thể về vấn đề này và việc đánh giá mức độ vi phạm của doanh nghiệp còn chưa rõ ràng.

Đòi hỏi hành động khẩn cấp trên toàn EU

		Nguồn ITN
Nguồn ITN

Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19, hàng triệu người lao động trên khắp châu Âu đã phải chuyển từ văn phòng đến nhà riêng của mình. Trong khi biện pháp này ban đầu chỉ là tạm thời, những đợt lây nhiễm diễn ra liên tiếp khiến mọi kế hoạch trở lại bình thường như cũ bị tạm dừng. Nhiều người lao động châu Âu hiện đang phải thường xuyên làm việc tại nhà.

Sự sắp xếp công việc mới đó dẫn đến cái mà các nghị sĩ châu Âu coi là “văn hóa luôn làm việc”. Áp lực mà người lao động cảm thấy phải thường xuyên có mặt trong các cuộc gọi điện video, email vào phút chót hoặc các phương tiện liên lạc kỹ thuật số khác, thường kéo dài ngoài giờ làm việc theo hợp đồng của họ. Các nhà lập pháp cảnh báo, làm thêm giờ có thể không được “miễn dịch”. Kết quả là, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên xấu đi, và sức khỏe tâm thần của họ cũng vậy.

Các nhà tâm lý học và chuyên gia sức khỏe lâu nay liên tục lên tiếng báo động về tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của con người. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, “mức độ cô đơn, trầm cảm, lạm dụng rượu và ma túy, và các hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự sát” sẽ tăng lên do hoạt động sống bình thường bị gián đoạn.

Đối với những người làm việc tại nhà, tác động của sự cô lập với xã hội còn tăng thêm bởi áp lực phải luôn sẵn sàng cho các cuộc họp trực tuyến, email, điện thoại… từ nơi làm bất cứ lúc nào, tạo ra những hậu quả nguy hiểm, chẳng hạn như lo lắng, mệt mỏi, stress công nghệ và kiệt sức.

Bà Stéphanie Leblanc, nhà tâm lý học từ Mensura, một dịch vụ y tế của Bỉ cho biết, “trong những tháng đầu tiên của tình trạng kiệt sức, việc nghỉ ngơi thực sự rất quan trọng. Những người bị kiệt sức thực sự rất khó nói với bản thân rằng mình phải dừng lại”.

Thực tế, các nhà lập pháp châu Âu không hoàn toàn tiêu cực về làm việc từ xa. Họ thừa nhận nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người lao động trong suốt đại dịch, cũng như tính linh hoạt và độc lập mà các công cụ kỹ thuật số mang lại. Thậm chí, nhiều nghị sĩ kỳ vọng số người làm công việc từ xa vẫn ở mức cao, thậm chí còn tăng lên, sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc.

Tuy nhiên, họ kết luận, các tác dụng phụ liên quan đến làm việc từ xa có thể trở nên bất lợi và không công bằng đối với người lao động và tình huống này đòi hỏi hành động khẩn cấp trên toàn EU.

Hiện sáng kiến quyền ngắt kết nối đang trong giai đoạn đầu của quá trình lập pháp và Ủy ban vẫn chưa đệ trình dự thảo luật, vốn sau đó sẽ được thương lượng giữa Nghị viện châu Âu và các bộ trưởng quốc gia.

Thái Anh