Nhìn lại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Bài 14: Phân chia khung thời gian bỏ phiếu tránh tập trung đông

- Chủ Nhật, 18/07/2021, 06:51 - Chia sẻ
Theo Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Quảng Nam, quá trình thực hiện công tác bầu cử trên địa bàn, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo như: In danh sách trích ngang, tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên gửi đến từng hộ gia đình; dán tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên trên bàn viết phiếu để cử tri dễ theo dõi, thông báo cho cử tri đến địa điểm bỏ phiếu theo từng cụm dân cư, phân chia khung thời gian bỏ phiếu tránh tập trung đông người nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời sắp xếp khu vực bỏ phiếu phù hợp với khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế.

Nhiều cách làm sáng tạo

Theo UBBC tỉnh Quảng Nam, Khoản 3, Điều 79, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định: “Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử”. Quy định như vậy, cử tri cho rằng không phù hợp vì lần bầu cử trước cử tri đã không tín nhiệm thì tại sao bầu cử thêm lại tiếp tục bầu cho những người này, cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Diễn ra trong bối cảnh khó khăn do bùng phát dịch Covid-19 diện rộng trên toàn quốc, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân địa phương phải thực hiện cùng một lúc ba nhiệm vụ quan trọng. Đó là: Tổ chức thành công cuộc bầu cử; phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước yêu cầu đó, với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thành công tốt đẹp. Tỷ lệ 99,94% cử tri đi bầu cử đã chứng tỏ sự đồng thuận rất cao của Nhân dân đối với cuộc bầu cử, thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Cử tri đã bầu đủ số lượng ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND cấp tỉnh; có 16/18 huyện, thị, thành phố bầu đủ số lượng đại biểu HĐND cấp huyện; 212/241 xã, phường, thị trấn bầu đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã; nhiều đại biểu trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao.

Theo UBBC tỉnh Quảng Nam, quá trình thực hiện, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo như: In danh sách trích ngang, tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên gửi đến từng hộ gia đình để cử tri thuận lợi nghiên cứu, tìm hiểu; dán tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên trên bàn viết phiếu để cử tri dễ theo dõi, thông báo cho cử tri đến địa điểm bỏ phiếu theo từng cụm dân cư, phân chia khung thời gian bỏ phiếu trong ngày để tránh tập trung đông cử tri trong cùng thời điểm nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, cùng với đó sắp xếp khu vực bỏ phiếu phù hợp với khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế.

Cử tri Quảng Nam được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, đo thân thiệt theo quy định phòng, chống dịch bệnh

Ảnh: Thuý Hằng

Tuyên truyền phù hợp với nhóm đối tượng, đặc thù từng địa phương

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBBC tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh: Sự tin tưởng, kỳ vọng, đồng lòng và tinh thần trách nhiệm của cử tri là yếu tố quan trọng quyết định bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi của cuộc bầu cử. Vì vậy, công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử phải được tập trung đẩy mạnh. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, thành phần dân tộc, mang yếu tố đặc thù của từng địa phương trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền cần bám sát nội dung công việc theo kế hoạch đề ra và được thể hiện đầy đủ, súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu. Phát huy hiệu quả tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cấp phát tờ rơi đến từng hộ gia đình; chú trọng công tác trao đổi, mạn đàm thông qua tiện ích của ứng dụng công nghệ thông tin như: Email, Zalo, Viber...

Cùng với đó, việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử phải bảo đảm kịp thời, đủ số lượng, thành phần quy định. Có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, chi tiết và bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động. Đặc biệt lưu ý lựa chọn những người tham gia Tổ bầu cử phải có tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực, sức khỏe, uy tín, năng động, linh hoạt, hiểu biết và làm đúng quy trình theo quy định của pháp luật... Các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là thành viên Tổ bầu cử và cán bộ được trưng tập phục vụ bầu cử phải được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bầu cử.

Cần chuẩn bị tốt công tác nhân sự ứng cử ĐQBH và đại biểu HĐND các cấp bảo đảm về số lượng, cơ cấu thành phần, độ tuổi; bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện quy trình công tác nhân sự; phát huy dân chủ, bình đẳng trong quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử... Định hướng tốt việc ấn định đơn vị bầu cử; phân bố ứng cử viên tại từng đơn vị bầu cử bảo đảm hợp lý.

Cũng theo UBBC tỉnh Quảng Nam, UBBC các cấp cần nghiên cứu sâu, vận dụng linh hoạt, đúng đắn các quy định của pháp luật; thành lập hệ thống đường dây “nóng” cập nhật tình hình, giải đáp kịp thời những thắc mắc về nội dung nghiệp vụ công tác bầu cử và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan bảo đảm tính minh bạch, công khai, đúng quy định; có phương án giải quyết tốt các vụ việc phức tạp, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử - Chủ tịch UBBC tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh.

THÁI HÒA