Nhìn lại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp

Bài 12: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

- Thứ Sáu, 16/07/2021, 07:04 - Chia sẻ
Trong các bài học kinh nghiệm và kiến nghị rút ra từ thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn, Ủy ban Bầu cử (UBBC) thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Trong bối cảnh phát triển nhanh, rộng khắp của công cuộc chuyển đổi số, từ cuộc bầu cử nhiệm kỳ sau, cần thiết tăng cường ứng dụng CNTT và các ứng dụng số trong việc lập, rà soát danh sách, phát thẻ cử tri, xác nhận cử tri đi bầu; trong công tác tuyên truyền, vận động bầu cử, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu phù hợp... nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, chính xác, tiện dụng và an toàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai phức tạp có thể xảy ra.

Chưa tổ chức hiệu quả việc mạn đàm về người ứng cử

Theo UBBC thành phố, với sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức phục vụ bầu cử, cuộc bầu cử đại biểu QH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực sự là ngày hội của toàn dân. Tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao (99,90%), trong đó có sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo với công tác bầu cử. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước và trong ngày bầu cử được giữ vững; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và các vấn đề liên quan đến bầu cử. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong bầu cử được bảo đảm.

Tuy nhiên, UBBC thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận: Việc lập, rà soát danh sách cử tri ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, còn tình trạng sót, trùng lặp cử tri; việc phối hợp rà soát, báo cáo danh sách cử tri trước, trong ngày bầu cử tại một số địa phương vẫn còn chậm, chưa kịp thời. Nhất là chưa phát huy hết lợi ích của việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư sẵn có tại phường, xã. Bên cạnh đó, một số tổ bầu cử vẫn còn lúng túng về quy trình nghiệp vụ; tuy không phổ biến nhưng tình trạng bầu thay còn diễn ra. Do khó khăn của công tác phòng chống dịch nên các địa phương chưa có điều kiện tổ chức hiệu quả công tác mạn đàm về tiểu sử, cơ cấu, thành phần người ứng cử đến đông đảo cử tri thành phố, làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đại biểu được bầu. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND thành phố theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được bảo đảm (21,15%/30%).

Cử tri Đà Nẵng tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong ngày bầu cử
Ảnh: L.Thảo

Thực hiện tốt quy trình công tác nhân sự

Từ thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn, UBBC thành phố Đà Nẵng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, sự tin tưởng, đồng lòng, ý thức trách nhiệm của cử tri toàn thành phố, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị vào công tác bầu cử và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể đối với công tác chuẩn bị bầu cử là những yếu tố quyết định, bảo đảm cho thành công của cuộc bầu cử. Cùng với đó là sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong công tác chỉ đạo chuẩn bị bầu cử đã tạo sự thống nhất, thông suốt từ cấp thành phố đến cơ sở trong tổ chức chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu cử. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về tiến độ triển khai công tác bầu cử; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở địa phương, cơ sở…

Bên cạnh đó là bài học về việc bảo đảm thực hiện tốt quy trình công tác nhân sự, từ xây dựng cơ cấu, thành phần người ứng cử; việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn pháp luật đã quy định.

Tiếp đó, là bài học về việc ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành bầu cử, tổ chức TXCT, phòng chống dịch Covid-19, thông tin, tuyên truyền bầu cử... đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến cử tri; bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong từng công việc chuẩn bị bầu cử. Quan tâm biên soạn đầy đủ tài liệu, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử; chú trọng làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các tổ bầu cử, bảo đảm thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử có tâm huyết, trách nhiệm, nắm vững luật pháp về bầu cử, thành thạo công việc, giữ vững nguyên tắc thể lệ bầu cử.

Từ kinh nghiệm bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, UBBC thành phố kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia cần ban hành sớm các văn bản hướng dẫn nhằm ứng phó với các tình huống tương tự có thể xảy ra trong các đợt bầu cử tiếp theo, để các địa phương chủ động hơn trong việc chuẩn bị và triển khai, tránh tình trạng lúng túng, bỏ sót công việc. “Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển nhanh, rộng khắp của công cuộc chuyển đổi số, từ cuộc bầu cử nhiệm kỳ sau, cần thiết tăng cường ứng dụng CNTT và các ứng dụng số trong việc lập, rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri, xác nhận cử tri đi bầu; trong công tác tuyên truyền, vận động bầu cử, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu phù hợp... nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, chính xác, tiện dụng và an toàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai phức tạp có thể xảy ra” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBBC thành phố Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

PHƯƠNG NGUYÊN