Cấu trúc lưỡng viện
Quốc hội Liên bang Nga hoạt động như một cơ quan thường trực, bảo đảm hoạt động lập pháp và giám sát liên tục. Quốc hội gồm hai viện là Hội đồng Liên bang (Thượng viện), nơi đại diện cho lợi ích của các chủ thể liên bang (khu vực) và Duma Quốc gia, nơi đại diện cho cử tri. Cấu trúc này nhằm cân bằng nhu cầu, quan điểm của các khu vực khác nhau và toàn thể người dân.
Hiến pháp Nga không cho phép bất kỳ cá nhân nào đồng thời nắm giữ các vị trí ở cả hai viện. Một thượng nghị sĩ không thể là đại biểu trong Duma Quốc gia và ngược lại. Hơn nữa, các thành viên của Duma Quốc gia cũng không thể là đại biểu của các cơ quan đại diện khác của quyền lực nhà nước và chính quyền địa phương.
Các thành viên của cả Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia đều được hưởng quyền miễn trừ trong suốt nhiệm kỳ của mình. Quyền này để bảo đảm các nghị sĩ được bảo vệ trong những phát biểu phản biện của mình trước Quốc hội. Bất kỳ động thái nào nhằm tước quyền miễn trừ của một nghị sĩ đều phải có sự đệ trình chính thức của Viện trưởng Viện Kiểm sát Liên bang Nga lên cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội.
Cả hai viện thường tổ chức các phiên họp riêng khi tranh luận và xem xét các vấn đề lập pháp. Tuy nhiên, có những trường hợp có thể họp chung, chẳng hạn như khi nghe thông điệp từ Tổng thống. Thông thường, các phiên họp chung rất hiếm khi được tiến hành và chỉ dành cho những dịp quan trọng.
Cả Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia đều thành lập nhiều ủy ban và tiểu ban khác nhau để xử lý các lĩnh vực quản trị và chính sách cụ thể. Các cơ quan này đóng vai trò thiết yếu trong việc soạn thảo, xem xét các dự án luật, cũng như trong việc tiến hành các phiên điều trần của Quốc hội về những vấn đề thuộc thẩm quyền của họ. Mỗi viện sẽ thông qua các quy tắc thủ tục riêng và giải quyết các vấn đề liên quan đến quy định nội bộ về hoạt động của mình.
Quy trình lập pháp chặt chẽ
Quyền khởi xướng luật được trao cho Tổng thống Liên bang Nga, các thượng nghị sĩ thuộc Hội đồng Liên bang, đại biểu Duma Quốc gia, Chính phủ Liên bang và các cơ quan lập pháp (đại diện) của các chủ thể liên bang. Trong một số trường hợp, Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tối cao Liên bang Nga cũng có quyền đề xuất luật về các vấn đề thuộc thẩm quyền của họ.
Tất cả các dự luật, bất kể do cơ quan nào đề xuất, trước tiên đều được trình lên Duma Quốc gia. Hạ viện chịu trách nhiệm đưa ra thảo luận ban đầu và phê duyệt dự luật được đề xuất.
Tại Duma Quốc gia, dự luật trải qua quy trình 3 lần đọc, và sau khi được thông qua với sự ủng hộ của đa số đại biểu, dự luật sẽ được chuyển sang Hội đồng Liên bang để xem xét trong vòng 5 ngày. Hội đồng Liên bang không có quyền sửa đổi dự thảo luật của Duma Quốc gia, mà chỉ có quyền thông qua hoặc bác bỏ.
Để được Hội đồng Liên bang thông qua, dự luật cần được đa số thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ. Trong vòng 14 ngày nếu dự luật chưa được Hội đồng Liên bang xem xét, dự luật sẽ được coi là đã thông qua.
Trong trường hợp Hội đồng Liên bang bác bỏ một dự luật liên bang, hai viện có thể thành lập một ủy ban hòa giải để khắc phục những bất đồng giữa hai viện về dự luật, sau đó dự luật sẽ được Duma Quốc gia xem xét lại. Trong trường hợp Duma Quốc gia không đồng ý với quyết định của Hội đồng Liên bang, luật có thể được thông qua nếu ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Duma Quốc gia bỏ phiếu ủng hộ trong một cuộc bỏ phiếu lại.
Sau khi đã được thông qua tại cả hai viện, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Liên bang Nga để ký và công bố trong vòng 5 ngày. Tổng thống có 14 ngày để ký ban hành hoặc trả dự luật cho Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang xem xét lại theo thủ tục do Hiến pháp quy định.
Dựa trên ý kiến của Tổng thống, Duma Quốc gia sẽ biểu quyết thông qua một trong những phương án sau: Thứ nhất, Duma Quốc gia có thể thông qua đạo luật liên bang theo phương án mà Tổng thống đề xuất. Thứ hai, Duma Quốc gia nhất trí với ý kiến của Tổng thống Liên bang về việc bác bỏ hoàn toàn dự luật. Thứ ba, thông qua đạo luật liên bang có tính đến những đề xuất của Tổng thống. Thứ tư, thành lập một tiểu ban đặc biệt để khắc phục những điểm bất đồng. Thứ năm, giữ nguyên nội dung dự luật và thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc Duma Quốc gia đã bác bỏ sự phủ quyết của Tổng thống. Với tính chất quan trọng của quyết định này, Hiến pháp yêu cầu phải có ít nhất 2/3 tổng số nghị sĩ tham gia biểu quyết thông qua. Và khi đó, Tổng thống buộc phải ký ban hành dự luật trong vòng 7 ngày. Quy định này chứng tỏ Hiến pháp trao cho Duma Quốc gia một quyền hạn rộng lớn trong quá trình lập pháp, đồng thời, cũng thể hiện mối quan hệ kiềm chế và đối trọng giữa Tổng thống và cơ quan lập pháp.
Hiến pháp mới cũng trao cho Tòa án Hiến pháp quyền kiểm tra tính hợp hiến của các luật do Quốc hội Liên bang Nga thông qua. Cụ thể, nếu Tổng thống yêu cầu Tòa án Hiến pháp xác minh tính hợp hiến của luật, thì thời hạn ký phê chuẩn sẽ bị đình chỉ trong thời gian tòa xem xét. Nếu tính hợp hiến của luật được Tòa án xác nhận, Tổng thống sẽ ký trong vòng 3 ngày. Ngược lại, Tổng thống sẽ trả lại luật cho Duma Quốc gia mà không cần ký.