Không thiếu vốn cho đồng bằng sông Cửu Long
Đó là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại Hội nghị "Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hôm 18.11 tại Cần Thơ; đồng thời, cũng là cam kết của Agribank về bảo đảm cung ứng vốn cho khu vực này.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (Đề án), cùng với ngành ngân hàng, Agribank đã chủ động rà soát, tổng hợp số liệu cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo; đồng thời, lên kế hoạch làm việc với các sở, ngành địa phương để cung cấp sản phẩm, dịch vụ tín dụng cho các bên tham gia.
Tại Đồng Tháp, đến cuối tháng 9.2024, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1.800 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay lĩnh vực này, hiện đang rất tích cực giải ngân các khoản vay ưu đãi với lãi suất giảm 1 - 1,5%/năm.
Tại Kiên Giang, tổng dư nợ cho vay lúa gạo tính đến cuối tháng 9 cũng đạt khoảng gần 10.400 tỷ đồng. Đa số các khoản vay đều áp dụng mức lãi suất ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2028/NĐ-CP với khoảng 4%/năm, thấp hơn 1,5 - 2%/năm so với các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn.
Tương tự tại Cần Thơ, Hậu Giang hiện nay, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đều có mức tăng trưởng mạnh nhất trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Cụ thể, dư nợ cho vay lúa gạo ở Cần Thơ tăng trưởng 13,6%, đạt mức gần 21.000 tỷ đồng. Tại Hậu Giang, tăng trưởng tín dụng lúa gạo thậm chí đạt mức 18,25%; ngoài Agribank, các chi nhánh của VietinBank, Sacombank cũng cho vay hàng nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực này với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,3 - 1,5%/năm so với các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn.
Theo nhận định của đại diện các chi nhánh Agribank khu vực ĐBSCL, việc triển khai cho vay đối với Đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng sẽ không gặp vướng mắc gì về nguồn vốn và lãi suất. Vì đến nay, hầu hết các chương trình cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo đều áp dụng ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2028/NĐ-CP với mức lãi suất rất thấp. Các hộ gia đình, hợp tác xã cũng có thể vay vốn không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng. Các mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đang được vay không có tài sản bảo đảm ở mức 70% - 80% giá trị phương án, dự án. Trong khi nguồn vốn của các chi nhánh khá dồi dào và đang tập trung ưu tiên giải ngân mạnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đại diện lãnh đạo Agribank khu vực Tây Nam bộ cho biết, hiện nay, ngân hàng này đã triển khai đến hệ thống chi nhánh ở 12 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (trừ Bến Tre) để chuẩn bị các phương án, giải pháp hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án về chính sách, quy trình thủ tục, đồng thời nắm bắt nhu cầu vay vốn đề tổng hợp xây dựng chính sách sản phẩm tín dụng phù hợp nhất cho bà con triển khai Đề án.
Tổng dư nợ toàn khu vực tăng 8%
Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank Lê Văn Tuấn cho biết, đến cuối tháng 10.2024, tổng dư nợ nền kinh tế của Agribank đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm trước, trong đó dư nợ của khu vực ĐBSCL đạt 262 nghìn tỷ đồng, tăng 8%, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng trong khu vực và chiếm 20,8% dư nợ nông nghiệp nông thôn của Agribank.
Tại khu vực ĐBSCL, phần lớn dư nợ thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chiếm đến 82% tổng dư nợ cho vay của khu vực và có mức tăng cũng cao hơn mức tăng dư nợ nền kinh tế (+8,5%).
Về cơ cấu dư nợ tại khu vực ĐBSCL, Agribank tập trung cho vay đối tượng khách hàng cá nhân đến nay đạt gần 226 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,3% tổng dư nợ. Dư nợ ngắn hạn đạt gần 163 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng dư nợ, phần còn lại là dư nợ trung, dài hạn (chiếm 37,8% tổng dư nợ).
Riêng tại thành phố Cần Thơ, dư nợ cho vay của Agribank đến 31.10.2024 đạt khoảng gần 16.000 tỷ đồng (dự nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 50%), tăng 5,8% so với đầu năm và chiếm khoảng 13% thị phần tín dụng của thành phố. Trong đó, phần lớn là dư nợ khách hàng cá nhân, chiếm 68% tổng dư nợ; dư nợ khách hàng pháp nhân mặc dù chỉ chiếm 32% nhưng năm nay đã có tốc độ tăng trưởng rất tốt, khi tăng 11,4% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung tại khu vực và toàn hệ thống Agribank).
Đặc biệt, dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản, lúa gạo, trái cây tại khu vực ĐBSCL chiếm tỷ trọng cao nhất của cả hệ thống Agribank. Cụ thể, lĩnh vực thủy sản đạt 38 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 10,3% so với cuối năm trước và chiếm gần 49% dư nợ thủy sản của Agribank. Lĩnh vực lúa gạo đạt 33 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 19,3% so với cuối năm trước và cũng chiếm gần 48% dư nợ lúa gạo của Agribank. Lĩnh vực trái cây đạt 8,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cuối năm trước, chiếm 36,4% tổng dư nợ trái cây của Agribank.
Mặc dù, ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng khẳng định không thiếu vốn để đáp ứng nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL. Song, vẫn có hiện tượng một số người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.