B1.png

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong đó yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Ngày 12.8.2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Một nội dung quan trọng được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW là: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”. Theo các chuyên gia, đây là chủ trương lớn để thực hiện mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Để thực hiện được chủ trương này, đưa ra chiến lược đầu tư và lộ trình triển khai phù hợp, trước hết cần hiểu về bối cảnh quốc tế cũng như thực trạng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam hiện nay.

A1-02.png
Học sinh một trường tiểu học ở TP. Hồ Chí Minh trong giờ học tiếng Anh
(Ảnh: Nhật Phương)
A1-03.png

Theo TS Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngôn ngữ thứ hai (second language) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ nhưng được sử dụng rộng rãi trong một quốc gia hoặc cộng đồng. Một ngôn ngữ có thể được coi là ngôn ngữ thứ hai khi đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, học tập, công việc và giao tiếp chính thức của một cộng đồng hay quốc gia. Đồng thời, người dân có khả năng sử dụng ngôn ngữ này trong các hoạt động giao tiếp ngoài phạm vi gia đình.

Hiện nay, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thuộc nhóm Commonwealth (khối Thịnh vượng chung) hoặc các nước từng là thuộc địa của Anh. Có thể kể đến một số quốc gia như: Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Nigeria, Philippines,...

“Sự khác biệt cơ bản giữa tiếng Anh là một ngoại ngữ và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai nằm ở mức độ, trình độ sử dụng và tầm quan trọng của nó trong đời sống xã hội và hoạt động hành chính”, TS Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng, tại Ấn Độ, mặc dù có nhiều ngôn ngữ địa phương nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai chính thức của nước này, được sử dụng trong giáo dục, luật pháp và hành chính nhà nước. Điều này xuất phát từ thời kỳ thuộc địa Anh, khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quản lý và thương mại chính thức.

A1-04.png

Tại Singapore, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai chính thức và cũng là ngôn ngữ làm việc chính trong Chính phủ và doanh nghiệp, giúp Singapore kết nối quốc tế và duy trì tính cạnh tranh toàn cầu. Dù tiếng Malay (tiếng Mã Lai) là ngôn ngữ quốc gia của Singapore, nhưng tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong giáo dục và đời sống hàng ngày.

Tương tự Singapore, ở Malaysia, tiếng Malay là ngôn ngữ chính thức nhưng tiếng Anh vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc giao tiếp quốc tế và kinh tế. Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai của nước này, dùng phổ biến trong hệ thống giáo dục và trong các hoạt động kinh tế, thương mại.

Tại Nigeria - một trong những quốc gia lớn nhất châu Phi, tiếng Anh cũng là ngôn ngữ thứ hai, được sử dụng rộng rãi trong giáo dục, luật pháp và hành chính. Nigeria có nhiều ngôn ngữ địa phương, nhưng tiếng Anh vẫn là cầu nối chung giữa các cộng đồng.

Tiếng Anh cũng là ngôn ngữ thứ hai ở Philippines và là ngôn ngữ chính trong giáo dục, truyền thông, hệ thống tư pháp. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi tại nước này từ thời kỳ thuộc địa Mỹ và vẫn giữ vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại.

TS Đỗ Tuấn Minh cho rằng, việc tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai ở những quốc gia này có ý nghĩa chiến lược sâu sắc. “Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ quốc tế, vì vậy nhiều quốc gia quyết định phát triển nó như một ngôn ngữ thứ hai để tăng khả năng kết nối với thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài và tham gia vào thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ của giáo dục và nghiên cứu khoa học ở nhiều quốc gia. Việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cho phép người dân tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu quốc tế, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ toàn cầu và tạo điều kiện cho việc học tập, làm việc ở nước ngoài”, TS Đỗ Tuấn Minh nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, để được coi là ngôn ngữ thứ hai, một ngôn ngữ phải được sử dụng phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong xã hội, giáo dục và chính quyền của một quốc gia, dù không phải là tiếng mẹ đẻ của đa số dân cư. Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai ở nhiều quốc gia do các yếu tố lịch sử, kinh tế và chiến lược phát triển.

TS Đỗ Tuấn Minh phân tích, có nhiều ví dụ cho thấy tiếng Anh đã chuyển đổi từ vị thế là một ngoại ngữ sang ngôn ngữ thứ hai trong một cộng đồng hoặc quốc gia. Quá trình này thường xảy ra do sự thay đổi trong cấu trúc xã hội, chính trị và nhu cầu phát triển kinh tế, giáo dục.

A1-05.png
Ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong giáo dục tại Singapore là tiếng Anh
(Ảnh minh họa: discovery.org)

Đơn cử, khi Singapore còn là thuộc địa của Anh, tiếng Anh là một ngoại ngữ, chủ yếu được sử dụng trong các hoạt động thương mại và hành chính. Sau khi giành độc lập vào năm 1965, Singapore nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu trong việc kết nối với thế giới và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ Singapore đã quyết định phát triển tiếng Anh thành một ngôn ngữ thứ hai và dần đưa tiếng Anh vào hệ thống giáo dục. Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giảng dạy chính trong các trường học, cùng với các ngôn ngữ khác như tiếng Hoa, Malay và Tamil.

Hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc chính trong hành chính, kinh doanh và hệ thống giáo dục của Singapore. Sự phát triển của tiếng Anh từ vị thế ban đầu là ngoại ngữ sang ngôn ngữ thứ hai là kết quả của quá trình chính sách và xã hội hóa kéo dài nhiều thập kỷ.

Năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam đang ở mức nào?

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) cho biết, thời kỳ Đổi mới năm 1986 - khi Việt Nam bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế với chính sách mở cửa nhằm đáp ứng sự hội nhập toàn cầu hóa kinh tế và chính trị, tiếng Anh chính thức trở thành ngoại ngữ đầu tiên được giảng dạy trong chương trình giáo dục quốc dân.

Tiếng Anh cũng trở thành 1 trong 6 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia và là môn học bắt buộc ở bậc đại học. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phương pháp dạy và học trong giai đoạn này ưu tiên lĩnh vực dịch thuật và ngữ pháp, với mục đích chuẩn bị cho người học đủ kiến thức ngữ pháp và cú pháp để đạt điểm cao trong các kỳ thi quốc gia.

Từ những năm 1990, với tác động to lớn của tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu (lingua franca), việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam đã bắt đầu chuyển dịch từ phương pháp ngữ pháp và dịch thuật sang cách tiếp cận mang tính phát triển năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ cho người học.

Cụ thể, năm 2002, Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình mới với cách tiếp cận cập nhật, hiện đại hơn cho tất cả môn học trong giáo dục phổ thông bao gồm tiếng Anh, sau đó chính thức áp dụng vào năm 2006. Mục tiêu của chương trình tiếng Anh và sách giáo khoa mới nhằm giúp học sinh phát triển kiến thức tiếng Anh toàn diện cùng 4 kỹ năng “nghe, nói, đọc, viết”, cũng như xây dựng sự hiểu biết về các nền văn hóa thế giới, phát triển nhận thức về sự giao thoa văn hóa.

GS.TS Lê Anh Vinh nhìn nhận, đối với những thay đổi mang tính cải cách này, trong 3 thập kỷ qua, năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam nói chung đã có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiệu quả của việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục Việt Nam chưa thực sự vượt trội trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế.

Theo Báo cáo thường niên về dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm học 2022-2023, điểm thi IELTS trung bình của học sinh Việt Nam năm 2022 là 6.2/9, xếp thứ 23 trên thế giới - vị trí tương đồng với 3 nước Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan (Hội đồng Anh, 2023). Ngoài ra, điểm thi TOEFL trung bình của học sinh Việt Nam năm 2022 là 77/120, xếp thứ 24 trên 30 nước trong khu vực châu Á (ETS, 2022).

Trong cả hai kỳ thi này, học sinh Việt Nam thể hiện thế mạnh trong môn Đọc (Reading) và Nghe (Listening); gặp khó khăn nhất với môn Nói (Speaking). Điểm trung bình môn Nói cho kỳ thi TOEFL là 14/30 và cho kỳ thi IELTS là 5.8/90.

A1-06.png

Bên cạnh đó, kết quả trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã cho thấy bức tranh toàn thể về trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam đáng lo ngại. Cụ thể: Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2023 cho thấy, có 876,102 thí sinh tham gia thi bài thi tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5,45 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,2 điểm; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 392,784 (chiếm tỷ lệ 44.83%).

A1-07.png

Phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có chuyển biến tích cực hơn so với năm trước. Cụ thể, trong số 906.549 thí sinh dự thi môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, có 565 thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhưng có 145 thí sinh bị điểm liệt, 42,67% thí sinh có điểm dưới trung bình. Điểm trung bình của thí sinh ở môn tiếng Anh cũng thấp nhất trong số các môn thi, với mức 5,51 điểm. Mức điểm này chỉ tăng rất ít so với mức 5,45 điểm của năm 2023.

A1-08.png
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Trần Hiệp)

Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First ngày 18.11.2023 công bố bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, 12 nơi có chỉ số tiếng Anh ở mức thông thạo rất cao (600-800 điểm), 18 nơi thông thạo cao (550-599 điểm), 33 nơi ở mức trung bình (500-549 điểm), 27 thấp (450-499 điểm) và 22 ở mức rất thấp (dưới 450 điểm).

Việt Nam đạt 505 điểm, cao hơn năm 2022 và điểm trung bình thế giới năm nay 3 điểm, tiếp tục trong nhóm có độ thông thạo tiếng Anh trung bình trên thế giới. Cách đây 2 năm, Việt Nam chỉ đạt 486 điểm, xếp vào nhóm có mức độ thông thạo tiếng Anh thấp.

Khu vực thông thạo Anh ngữ hàng đầu tại Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng, trong đó thành phố Hà Nội có chỉ số cao hơn cả (538). Nhóm tuổi 26-30 sử dụng tiếng Anh tốt nhất cả nước. Chỉ số thạo tiếng Anh của nam giới Việt Nam là 513, cao hơn nữ giới (498).

Trong 23 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, chỉ số của Việt Nam cao thứ 7, không đổi so với năm trước. Singapore tiếp tục dẫn đầu, đồng thời xếp thứ hai toàn thế giới, với 631 điểm. Đây cũng là quốc gia duy nhất ở châu Á có chỉ số thông thạo tiếng Anh ở mức rất cao. Ở mức cao là Philippines, Malaysia và Hong Kong (Trung Quốc).

GS.TS Lê Anh Vinh cho biết, mặc dù được quan tâm, chú trọng nhưng trong quá trình triển khai, việc dạy, học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức người dạy, học; khó khăn về thiếu giáo viên và chất lượng đội ngũ giảng dạy; hạn chế tiếp cận do vùng miền; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học…

Được biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành chương trình các môn ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018. Chương trình môn tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 được thiết kế nhằm tạo sự liên thông, liền mạch trong quá trình dạy - học tiếng Anh trong toàn bộ hệ thống, từ lớp 1 đến lớp 12. Việc triển khai theo lộ trình dần dần thay thế các chương trình dạy ngoại ngữ hiện có.

Trong năm học 2022-2023, Chương trình môn tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai theo diện rộng trên quy mô cả nước với 100% học sinh các khối 3, 6, 7, 10. Đối với các khối, lớp khác, học sinh theo học Chương trình môn tiếng Anh hệ 7 năm (học từ lớp 6 đến lớp 12), Chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm thí điểm.

Thực tế cho thấy một sự chuyển dịch mạnh sang triển khai chương trình mới tại các địa phương trên cả nước. Số lượng học sinh đang theo học Chương trình môn tiếng Anh hệ 7 năm chủ yếu ở những năm cuối cấp và tại các tỉnh vùng sâu vùng xa như Bạc Liêu, Bến Tre, Cao Bằng, Đắk Lắk, Điện Biên, Gia Lai và Hà Giang.

A1-09.jpg

Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông và kết quả hoạt động bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiếng Anh các cấp tại các địa phương, đến năm học 2022-2023, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình ngoại ngữ mới là 84%, trong đó cấp tiểu học là 84%, trung học cơ sở là 87%, trung học phổ thông là 77%.

A1-10.png

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài cho biết, với nỗ lực không ngừng và nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, từ một môn học tự chọn, đến năm 2024 tổng số học sinh lớp 1 và lớp 2 học tiếng Anh trong cả nước đạt trên 80%; số học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 học tiếng Anh đạt 100%.

“Năm học tiếp theo là năm thứ 3 triển khai học bắt buộc ở cả 3 khối lớp 3, 4, 5, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực hơn nữa và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để có thể triển khai thành công cả về số lượng và chất lượng”, ông Tài cho hay.

A1-11.png

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NĂM HỌC MỚI

Năm học 2024-2025 đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến tới Đại hội đảng các cấp. Đây cũng là năm học Chương trình GDPT 2018 sẽ được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12.

Bộ GD-ĐT đã đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm học mới, trong đó đề cập đến việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

A1-13.png
Học sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 môn tiếng Anh

GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận, chưa bao giờ yêu cầu hội nhập quốc tế, hay cao hơn nữa là quốc tế hóa nguồn nhân lực và nền kinh tế lại bức thiết và trực tiếp như hiện nay, khi Việt Nam bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).


Càng ngày, chúng ta càng thấy rõ khả năng sử dụng ngoại ngữ và tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ cho tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh. Trí tuệ nhân tạo đã sáng chế ra máy dịch ngôn ngữ, nhưng chưa thay thế được con người và chuyên gia.

Những chính sách quan trọng trong dạy và học tiếng Anh

Một số văn bản chính sách quan trọng trong triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2025:

- Quyết định số 1400/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020".

- Quyết định số 2080/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.

- Chỉ thị số 3575/CT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ Dạy và Học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Bộ GD-ĐT đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành chương trình các môn ngoại ngữ theo Chương trình GDPT năm 2018

Tác giả: Hồng Hạnh - Nguyễn Liên - Cao Kỳ
Trình bày: Quang Trung

Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô
Giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô

Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ chuỗi dự án vì cộng đồng “Một Triệu Bữa Cơm Có Thịt”, tại trường Tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, Lạng Sơn, CHIN-SU đã phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo Vùng cao và các nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp mang đến “chảo cơm có thịt khổng lồ”. Đây là một hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tiếp sức học trò và tiếp lửa thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đạo làm thầy
Giáo dục

Đạo làm thầy

Mỗi người chúng ta đã một thời là học trò và cũng có người đã là thầy. Những người làm thầy, dù mới ra trường hay đã có mấy chục năm trong nghề vẫn bâng khuâng nhớ tới những kỷ niệm của tuổi học trò, nhớ tới những người thầy với tất cả tình cảm thiêng liêng, trân quý và biết ơn sâu lắng nhất.