Các nghị viện thành viên AIPA - Liên bang Malaysia

Vài nét về thể chế chính trị

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:10 - Chia sẻ
Malaysia theo mô hình quốc gia quân chủ tuyển cử lập hiến với Quốc vương là lãnh đạo tối cao. Hệ thống chính trị của Malaysia theo mô hình gần với hệ thống Quốc hội Westminster, một di sản của chế độ thuộc địa Anh.

Tính chất quân chủ

Với tính chất là một nhà nước quân chủ, nguyên thủ quốc gia của Malaysia là Yang di-Pertuan Agong (Quốc vương). Quốc vương được bầu theo mỗi nhiệm kỳ 5 năm từ 9 quân chủ kế tập của các bang Mã Lai; 4 bang còn lại có nguyên thủ trên danh nghĩa song không tham gia vào việc tuyển lựa. Theo thỏa thuận không chính thức, vị trí Quốc vương sẽ do quân chủ 9 bang luân phiên nắm giữ. Vai trò của Quốc vương phần lớn mang tính lễ nghi kể từ sau các thay đổi trong Hiến pháp vào năm 1994.

Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah trong lễ đăng quang ở Kuala Lumpur ngày 30.7.2019  

Nguồn: MSN 

Tính chất dân chủ đại nghị

Là một quốc gia theo hệ thống đại nghị của mô hình Anh, một trong những đặc trưng của hệ thống này là việc phân chia tam quyền phân lập với 3 nhánh: hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Quyền hành pháp được trao cho Nội các do thủ tướng lãnh đạo. Thủ tướng phải là thành viên của Hạ viện, được Quốc vương chuẩn thuận, nhận được đa số ủng hộ tại Quốc hội. Nội các được lựa chọn từ Hạ viện. Thủ tướng là người đứng đầu Nội các và cũng là người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng và Nội các chịu trách nhiệm trước Quốc hội và có thể bị giải tán nếu không đạt được tín nhiệm của Quốc hội.

Chế độ liên bang

Malaysia cũng là một nước theo hệ thống liên bang với 13 bang hợp thành: Perlis, Kedah, Penang, Perak, Selangor, Negeri Sembilan, Malacca, Johore, Pahang, Terengganu, Kelantan, Sarawak và Sabah.

Quyền lập pháp được phân chia giữa các cơ quan lập pháp liên bang và bang. Ở cấp liên bang, Quốc hội liên bang của Malaysia bao gồm Hạ viện và Thượng viện. Ở cấp bang, mỗi bang có một Hội đồng lập pháp đơn viện, các nghị viên được bầu từ các đơn vị bầu cử một ghế. Người đứng đầu các Chính phủ bang là các thủ hiến (Chief Minister), họ là những thành viên Quốc hội và đến từ đảng chiếm đa số trong Quốc hội. Tại các bang có quân chủ kế tập, thủ hiến theo thường lệ cần phải là người Mã Lai, do quân chủ bổ nhiệm theo tiến cử của Thủ tướng. Ngoại trừ Sarawak, cuộc bầu cử cấp bang tại các khu vực còn lại diễn ra đồng thời với bầu cử liên bang.

Điều 74 của Hiến pháp quy định, Quốc hội có thể ban hành luật về các vấn đề được liệt kê trong danh sách bang hoặc danh sách bổ sung do Hiến pháp quy định. Đặc biệt, bang Sabah và Sarawak còn có một số quyền lập pháp bổ sung như việc đánh thuế mua bán.

Quốc hội có thể ban hành luật cho một bang nào đó hoặc cho toàn liên bang. Luật của bang do chính cơ quan lập pháp của bang đó ban hành và chỉ có hiệu lực ở bang đó. Nếu luật của bang mâu thuẫn với luật liên bang thì luật của bang đó được coi là không có giá trị, không có hiệu lực trong phạm vi mâu thuẫn. Cho đến nay mới có một đạo luật của Penang năm 1966 được ghi nhận có mâu thuẫn với luật liên bang.

Liên minh Barisan Nasional

Malaysia theo chế độ đa đảng, mỗi đảng được thành lập đều nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của chủng tộc, cộng đồng mình. Tuy nhiên, có một đảng duy nhất từ khi Malaysia giành độc lập là luôn chiếm đa số trong Quốc hội, đó là Liên minh 3 chủng tộc Mã lai - Hoa - Ấn (Barisan Nasional). Đây là 3 chủng tộc chủ yếu nắm quyền lực kinh tế, chính trị ở Malaysia. Ngoài ra có một số đảng được thành lập trên cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Người dân Malaysia cũng ý thức được rằng một chính đảng mạnh có khả năng đưa đất nước phát triển, do đó, hiện nay đã có nhiều đảng nhỏ gia nhập Đảng liên minh.

Vũ Quỳnh