“Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” - nguyên tắc nhất quán

Bài 1: Tự do, bình đẳng, tuân thủ pháp luật

- Thứ Hai, 06/12/2021, 13:49 - Chia sẻ
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ra đời, một trong sáu công việc cấp bách của đất nước được đưa ra bàn trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời là vấn đề tôn giáo. Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất: “Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương với đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”.

Nguyễn Khắc Huy

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra,

Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ

Văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về tôn giáo

Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Nước đã ban hành Sắc lệnh số 234/SL ngày 14.6.1955 về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Sắc lệnh có một chương về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng gồm 7 điều quy định: (1) Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mỗi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo (như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý…). Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nghĩa vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền dân chủ và pháp luật của nước VNDCCH.

(2) Các nhà tu hành và các tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi của người công dân và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân. (3) Các nhà tu hành người ngoại quốc mà Chính phủ VNDCCH cho phép, thì được giảng đạo như các nhà tu hành Việt Nam và phải tuân theo pháp luật của nước VNDCCH, như các ngoại kiều khác. (4) Các tôn giáo được xuất bản và phát hành những kinh bổn, sách báo có tính chất tôn giáo, nhưng phải tuân theo pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc xuất bản.

(5) Các tôn giáo được mở trường đào tạo những người hoạt động tôn giáo của mình. (6) Các nhà thờ, đền chùa, miếu, thánh thất và các đồ thờ, các trường giáo lý của tôn giáo được pháp luật bảo hộ. (7) Pháp luật sẽ trừng trị những kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm đến tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác, hoặc làm những việc khác trái pháp luật.

Có thể nói Sắc lệnh 234/SL là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về tôn giáo của nước VNDCCH, thể chế nguyên tắc “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” của Chính phủ bằng các quy định cụ thể, bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Sắc lệnh còn đề cập đến quyền tự do tư tưởng, một trong những quyền đã được quy định tại Điều 18, Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948.

Chính sách đối với tôn giáo sau năm 1975

Sau ngày 30.4.1975, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, trên cơ sở Hiến pháp 1959 và Sắc lệnh số 234/SL ngày 14.6.1955 về vấn đề tôn giáo, ngày 11.11.1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 297-CP về một số chính sách đối với tôn giáo. Nghị quyết nêu ra 5 nguyên tắc chung, khẳng định: (1) Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của Nhân dân. (2) Các nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đều được hưởng mọi quyền lợi và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân.

(3) Các tôn giáo và mọi công dân theo đạo hoặc không theo đạo đều bình đẳng trước pháp luật. (4) Các tôn giáo phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật và chủ trương, chính sách, thể lệ của Nhà nước trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình. (5) Những kẻ lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập của Tổ quốc, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, chống lại các chính sách và pháp luật của Nhà nước sẽ bị pháp luật nghiêm trị.

Trong những năm đầu đất nước vừa thống nhất, mặc dù còn rất nhiều khó khăn khi vừa kết thúc chiến tranh, cả nước tập trung bảo vệ độc lập chủ quyền, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, song Nhà nước vẫn quan tâm đến việc thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng cho Nhân dân. Nội dung cơ bản của Nghị quyết số 297-CP đã thể chế tinh thần Điều 26, Hiến pháp 1959 về quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và quyền hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước.

Bước vào thời kỳ Đổi mới, cùng với sự đổi mới toàn diện của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính sách tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng được quan tâm đổi mới, thể hiện qua Nghị định số 69/HĐBT ngày 21.3.1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về các hoạt động tôn giáo, Nghị định có 5 điều quy định chung mang tính nguyên tắc về quyền tự do tín ngưỡng của công dân như sau: (1) Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của công dân; nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. (2) Mọi công dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ công dân.

(3) Các hoạt động tôn giáo phải tuân theo Hiến pháp và luật pháp của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (4) Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng và hợp pháp của tín đồ được bảo đảm. Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân được khuyến khích. (5) Mọi hoạt động mê tín dị đoan bị bài trừ. Mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập dân tộc, chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, làm hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân đều bị xử lý theo pháp luật.

Thể chế Điều 70, Hiến pháp năm 1992 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, ngày 19.4.1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo thay thế Nghị định số 69/HĐBT. Nghị định có 5 điều quy định chung, 21 điều quy định cụ thể về hoạt động tôn giáo. Về nguyên tắc, cơ bản Nghị định 26/1999/NĐ-CP giữ nguyên những quy định về quyền tự do tín ngưỡng như quy định của Nghị định 69/HĐBT, chỉ thay đổi cách diễn đạt và bổ sung một số nội dung. Ngoài những quy định về quyền của công dân, của tổ chức tôn giáo như các văn bản pháp luật trước, Nghị định đã quy định về quyền được hoạt động hợp pháp và được pháp luật bảo hộ của các tổ chức tôn giáo có tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo, cơ cấu tổ chức phù hợp với pháp luật.