Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo

Bài 1: Trợ lực cần thiết cho giảm nghèo bền vững

- Thứ Ba, 23/02/2021, 08:49 - Chia sẻ
Nghèo, được vay vốn; thoát nghèo lại trả vốn; trả vốn lại tái nghèo… vòng luẩn quẩn này đã lặp lại gần như chu kỳ đối với rất nhiều hộ nghèo. Bởi thế, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg về cho vay hộ mới thoát nghèo nhằm khắc phục tình trạng này. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã chứng minh những đóng góp tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững của đất nước; giúp hộ nghèo có thêm động lực bật ra khỏi ranh giới mỏng manh giữa mới thoát nghèo - tái nghèo.

Hiệu quả thấy rõ

Đến hết năm 2019, tổng dư nợ của NHCSXH đạt 206.805 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 34.421 tỷ đồng (chiếm 17%). Tổng doanh số cho vay đạt 48.308 tỷ đồng, chiếm 16% tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng; với 1,4 triệu lượt hộ đã được vay vốn. Tổng số hộ còn dư nợ là 1,03 triệu hộ.

Tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, nguồn vốn vay theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện có vốn sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Nhìn mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà Hoàng Thị Luận ở thôn Nà Tạng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái không ai tin trước đây bà từng thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Được chính quyền xã tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, gia đình bà đã mau chóng thoát nghèo. Song, bước ngoặt cuộc đời thực sự chỉ đến khi bà Luận được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi bò, vịt thương phẩm, cá… Việc chăn nuôi đã mang lại cho gia đình bà nguồn lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng mỗi năm. Vợ chồng bà đã có tiền tích lũy để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, bà Luận cho biết, chỉ 50 triệu đồng nhưng gia đình bà đã vượt hẳn lên, không còn nơm nớp lo sợ cái nghèo quay lại.

Trước đây gia đình anh Hoàng Trọng Khang, thôn Ao Sen Lũng, xã Tân Lập, huyện Lục Yên cũng nhiều năm liền nằm trong diện hộ nghèo của xã. Năm 2015, khi Phòng giao dịch NHCSXH huyện có chủ trương cho hộ mới thoát nghèo vay vốn làm ăn, anh Khang đã mạnh dạn làm hồ sơ và được hỗ trợ vay 30 triệu đồng. Cùng với số vốn tích cóp được, anh đã đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi lợn, gà và cá… Nhờ chịu khó làm ăn nên đến nay, gia đình anh không chỉ có điều kiện cho con cái học hành mà còn mua sắm thêm trang thiết bị để mở rộng mô hình kinh tế. “Qua 5 năm vay vốn, gia đình đã bán được 50 triệu từ rừng, đến nay tôi đang tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế, tôi mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện để vay vốn phát triển hơn nữa” - anh Khang bày tỏ.

Không chỉ người nghèo ở Lục Yên được trợ lực để bứt phá vươn lên, mà nguồn vốn vay hộ mới thoát nghèo cũng đã giúp hộ mới thoát nghèo ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ vượt xa hẳn danh sách hộ nghèo. Năm 2019, gia đình ông Đinh Trung Kiên ở xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã thoát nghèo nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao. Cũng năm đó, ông Kiên được vay 50 triệu đồng theo chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Đầu tư vào sản xuất, sau hơn 1 năm đồng vốn đó đã giúp đời sống gia đình ông dần ổn định, mức thu nhập tăng lên từ hơn 50 triệu đồng/năm lên gần 100 triệu đồng/năm.

Người Dân Thanh Sơn, Phú Thọ thoát nghèo bền vững với nguồn hỗ trợ từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo  

Hạn chế nạn vay nặng lãi

Trên thực tế, những năm trước đây, nguồn vốn tín dụng ưu đãi chỉ tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các hộ mới thoát nghèo chưa được vay ưu đãi của NHCSXH và cũng khó tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng thương mại nên không ít hộ tiếp tục tái nghèo sau khi đã thoát nghèo không lâu. Trước thực trạng này, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, hộ mới thoát nghèo được vay 50 triệu đồng/hộ. Đến năm 2019, chương trình nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng/hộ.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Yên Nông Ngọc Huấn cho biết, nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân. Nguồn vốn này kịp thời tiếp sức cho các hộ mới thoát nghèo tại huyện Lục Yên tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống. Việc cho hộ mới thoát nghèo vay vốn của NHCSXH đã mang lại cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng cho nhiều hộ gia đình đang gặp khó khăn về vốn. Sau 5 năm thực hiện, số hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện được vay vốn là 1.239 hộ với tổng dư nợ hơn 56,3 tỷ đồng, dư nợ bình quân 44 triệu đồng/hộ. Thông qua chương trình, các hộ vay tiếp tục có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập; đồng thời hạn chế tình trạng vay nặng lãi, ngăn chặn tín dụng đen đến các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND xã Cựu Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ Đặng Quốc Bảo cũng khẳng định, trong những năm qua nhờ nguồn vốn của NHCSXH huyện đã giúp cho các hộ nghèo trên địa bàn có nguồn vốn để phát triển kinh tế và vươn lên phát triển kinh tế, từ nguồn vốn vay các hộ dân đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất và nhiều hộ đã xin ra khỏi hộ nghèo và thoát nghèo bền vững. Với mức cho vay tối đa của chương trình này là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 8,25%/năm. Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã có trên 650 hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt gần 35 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho những người mới thoát nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên. Từ đó, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Trên thực tế, Thanh Sơn có 23/23 xã, thị trấn được thụ hưởng nguồn vốn của chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Ngay từ đầu năm, NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng. Để thực hiện hiệu quả chương trình vốn, NHCSXH Thanh Sơn chủ động tham mưu huyện có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xã, thị trấn. Đồng thời giao chỉ tiêu đến các xã, thôn; phối kết hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp, UBND các xã, thị trấn, các tổ tiết kiệm vay vốn tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay, của người dân.

Bình Nhi