Đổi mới và kiến tạo kinh tế quốc gia

Bài 1: Thực tiễn và những thách thức

- Chủ Nhật, 08/11/2020, 07:20 - Chia sẻ
Suốt gần 35 năm qua, chúng ta kiên định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tất yếu, ở các mức độ khác nhau. Dù khó khăn, chúng ta đã tiến những bước quan trọng: Bước ra từ khủng hoảng và chủ động trên lộ trình phát triển, từng bước vững chắc vượt qua từng chặng đường 5 năm, gần 35 năm qua, kể từ năm 1986, trước thềm năm 2020, rõ ràng nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển.

Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn

Dư luận quốc tế đánh giá: Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm trong ba thập kỷ qua, trong số những nước nhanh nhất toàn cầu. Hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm tới, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và việc thực hiện các chính sách và khuôn khổ có lợi cho đầu tư lớn hơn vào sản xuất. Làm như vậy, hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế phát triển hơn ở châu Á và các nơi khác. Đất nước Việt Nam đã sẵn sàng tham gia với các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới và trên tất cả các ngành công nghiệp.

Khi đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, Chính phủ Việt Nam vẫn cam kết cải cách và đây là nền kinh tế sẵn sàng đón nhận luồng đầu tư và lợi nhuận toàn cầu lớn hơn. Ngày nay, Việt Nam đã được các nhà đầu tư xem là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nền tảng kinh tế vững chắc cùng với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về thương mại và đầu tư cởi mở hơn đã giúp đất nước Việt Nam vững chãi hơn.

Năm 2018, Việt Nam lọt top 49 trong bảng xếp hạng do năm 2018 giá trị nền kinh tế Việt Nam đạt mức 240 tỷ USD, tăng 20 tỷ USD so với năm 2017. So với năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đã lùi một thứ hạng.

Ngày 13.7.2019, theo quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 46 trên thế giới. Ngân hàng Thế giới vừa công bố số liệu chính thức về GDP theo danh nghĩa của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2018. Theo đó, GDP của Việt Nam đạt 245 tỷ USD, đứng thứ 14 châu Á và thứ 4 trong Đông Nam Á nhưng lại được dự báo tăng trưởng bền vững. 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt nhiều dư địa bất ổn, nhịp tăng trưởng có xu hướng chậm lại, ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, Ngân hàng DBS Bank cũng đưa ra dự báo trong thập niên tới, Việt Nam vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 6 - 6,5% cho nền kinh tế quốc dân. Với đà này, kinh tế Việt Nam sẽ vượt Singapore vào năm 2029. Theo Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ năm 2019 của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy, giai đoạn 2021 - 2030, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những thuận lợi và bất lợi, thời cơ và thách thức đan xen.

Dự báo nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại so với giai đoạn trước: Trung bình giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 lần lượt là 3,5% và 3,2%. Tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực từ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang trong xu hướng ngày một gay gắt và phức tạp. Xu hướng bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa dân túy tiếp tục cản trở đà tăng trưởng thế giới. Thương mại thế giới dự kiến tăng trưởng ở mức thấp, từ mức trung bình 4,1% giai đoạn 2021 - 2025 và 3,7% giai đoạn 2026 - 2030. Một số nước đối tác quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc được dự báo sẽ có sự hồi phục tích cực do nhiều cải cách được thực hiện trong nước tuy khó có thể tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước.

Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với xu hướng tăng trưởng chậm của lao động do tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, tốc độ tăng dân số ngày càng thấp. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ theo xu hướng giảm xuống, tốc độ tăng lực lượng lao động sẽ chậm lại. Vai trò của khu vực ngoài nhà nước và FDI theo xu hướng tăng. Tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn FDI trên tổng vốn đầu tư sẽ theo xu hướng tăng nhanh, dự kiến sẽ tăng thêm 20% trong vòng 10 năm tới, từ mức 65% hiện nay lên 74% trung bình giai đoạn 2021 - 2025 và có thể đạt 85% trung bình giai đoạn 2026 - 2030.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh đó, nhiều rủi ro tiềm ẩn cũng có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tác động gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030. Đáng chú ý, độ mở tài chính quốc gia cao hơn so với trình độ phát triển của nền kinh tế. Điều này ẩn chứa nhiều rủi ro về khả năng đổ vỡ tài chính cũng như khả năng ứng phó với các biến động lớn có tính bất lợi từ thị trường tài chính thế giới. Nhưng, so với các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn, từ sau năm 2008, chỉ số hội nhập tài chính (Kaopen) của Việt Nam thậm chí còn cao hơn cả Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Trong khi đó, trình độ phát triển của thị trường tài chính trong nước đang ở mức thấp. Độ sâu tài chính cũng như tính hiệu quả của thị trường tài chính Việt Nam cũng ở mức rất thấp. Đây là một cảnh báo.

Với tốc độ gia tăng nhanh, Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều rủi ro lớn, nếu vẫn duy trì tốc độ bội chi và bảo lãnh Chính phủ như hiện nay, nợ công sẽ vượt trần Quốc hội cho phép  trong những năm tới. Trong khi đó, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng đang chậm lại, có thể gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính vĩ mô và tạo ra các khoản nợ công. Mặt khác, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi nền kinh tế gặp những “cú sốc” nhẹ. Nếu tình hình ngân sách hiện nay không được điều chỉnh, hoặc không có lộ trình giảm bội chi ngân sách, lộ trình nợ của Việt Nam sẽ sớm đi vào vùng có rủi ro cao. Từ đó, gây trở ngại cho tăng trưởng và ổn định vĩ mô.

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI. Sự phụ thuộc vào khu vực này ngày càng rõ nét khi những năm gần đây, tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo chủ yếu là đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Sự biến động về sản xuất và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức song nhờ tận dụng được tác động tích cực từ xu hướng toàn cầu hóa và kinh tế số, cộng với nỗ lực từ nền kinh tế trong nước, khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tiếp theo sẽ khó có xu hướng chậm lại.

Theo Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ năm 2019, dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng của Việt Nam vẫn duy trì được mức khá cao, khoảng 7%; GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 4.500 USD vào năm 2025. Nếu theo tiêu chí phân loại hiện nay của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể bước vào ngưỡng các quốc gia thu nhập trung bình cao do tiếp tục hưởng lợi từ mô hình tăng trưởng kinh tế cũ nhưng có sự cải thiện về hiệu quả và năng suất.

Được đánh giá là tiềm năng Việt Nam không ngừng phát triển thế mạnh của mình, như ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu…, đồng thời có những chính sách thích dụng. Về tình hình ngoại hối, dự trữ ngoại hối tăng từ 28 tỷ USD vào cuối nhiệm kỳ, sau 2 năm rưỡi tăng lên gần 64 tỷ USD. Bên cạnh đó tỷ giá cũng ổn định hơn và lạm phát thấp. Thị trường chứng khoán tăng hơn 250% từ 2012 đến nay. Nếu tiếp tục nỗ lực như thế, kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể và sớm trở thành một nền kinh tế vững mạnh.

Dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, Đông Nam Á đã tăng trưởng thấp hơn dự báo. Dự báo tăng trưởng năm 2019 của toàn khu vực đã giảm từ 4,9% còn 4,8%. Trong đó, nhóm ASEAN 6 (gồm: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam) thì 5 nước được dự báo có mức tăng trưởng thấp và sụt giảm - hệ lụy từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, duy nhất chỉ có Việt Nam được dự báo vẫn duy trì mức tăng trưởng như dự báo và tiếp tục dẫn đầu khu vực. Trước đó, số liệu tăng trưởng kinh tế năm 2018, Việt Nam vẫn dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng trung bình 7%, đứng thứ 2 là Philippines, thấp nhất là Singapore chỉ với 2,5%.

Kinh tế là “giá đỡ” của chính trị. Ấy là thiên chức của kinh tế tất yếu. Đến lượt nó, chính trị là “bà đỡ” dẫn dắt kinh tế theo mục tiêu và con đường mà nó lựa chọn, trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối và dành thực lực trong phạm vi cho phép và khả năng có thể của quốc gia trong việc định hướng và hành động tuân theo những quy luật phát triển tất yếu của kinh tế. Ấy chính là thiên chức của chính trị tất yếu. Như thế, cả hai phương diện đều đạt tới tự do của sự phát triển xã hội tất yếu theo quy luật. Nhận thức và hành động trái điều đó nhất định thất bại.

Không thể phủ nhận rằng, sự cố gắng của Việt Nam trong phát triển kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu về của cải, thương mại và đầu tư. Việt Nam đã có nhiều chuyển biến đáng kinh ngạc. Dự báo, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định (lạm phát khoảng 3 - 3,2%), mô hình tăng trưởng kinh tế dần chuyển đổi tuy giai đoạn 2021 - 2025 vẫn chủ yếu vẫn dựa vào những động lực tăng trưởng kinh tế cũ, nhưng chất lượng, hiệu quả nền kinh tế được cải thiện hơn. Chuyển dịch cơ cấu ngành tiếp tục diễn ra mạnh mẽ với sự tăng lên của tỷ trọng ngành dịch vụ trong tăng trưởng (từ 41% lên 44%) và sự giảm xuống rõ rệt của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (từ 14,8% xuống còn 10,5%), theo đó, tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ sẽ tăng lên 79,3% GDP đến năm 2025; năng suất lao động tăng trung bình 6,3%/năm.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao này sẽ khó có thể được duy trì trong các năm tiếp theo khi động lực cũ đã tới hạn. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2026 - 2030 sẽ chỉ còn 6,5%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước mặc dù vẫn theo hướng tích cực nhưng sẽ chậm lại. Năng suất lao động tăng chậm sẽ tiếp tục là rào cản cho tăng trưởng trong giai đoạn này. Chất lượng tăng trưởng chậm cải thiện, động lực tăng trưởng đang ở mức tới hạn là hạn chế lớn cho phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Dĩ nhiên, vấn đề không phải vì nền kinh tế Việt Nam là lớn nhất hay tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực mà điểm thu hút ở đây đó là công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, trên con đường hội nhập quốc tế. 

Đó cũng thực sự là thách thức đối với công cuộc phát triển nền kinh tế thị trường XHCN.

 

 

TS. Nhị Lê