Bước ngoặt thay đổi diện mạo vùng cao Thanh Hóa
Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Thanh Hóa gồm 11 huyện miền núi với dân số gần 1 triệu người, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 60%. Sau gần 3 năm triển khai, nguồn lực đầu tư và các chính sách thiết thực từ Chương trình 1719 đã tạo ra bước ngoặt giúp diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có nhiều đổi thay tích cực.
Bài 1:
Thu hẹp “khoảng cách” miền núi và miền xuôi
Thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương giao trên 1.154 tỷ đồng vốn ngân sách. Tính đến hết năm 2023, tỉnh đã phân bổ được trên 1.097 tỷ đồng, đã giải ngân được trên 748 tỷ đồng. Tỉnh tập trung đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất giúp tạo sinh kế, nâng cao thu nhập. Theo đó, “khoảng cách” giữa miền núi và miền xuôi đang dần được thu hẹp.
Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng
Ngay khi Chương trình 1719 được ban hành, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện và ban hành các văn bản hướng dẫn gửi các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719. Trong đó, tỉnh xác định, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông sẽ là “chìa khóa” thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển nhanh.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Quan Hóa tập trung triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình 1719. Từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường giao thông được cứng hóa đạt trên 73%; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%. Huyện đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sắp xếp ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, như: bản Tang, bản Sạy, xã Trung Thành; bản Lở, xã Nam Động...
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Dũng khẳng định: Các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và nhiều dự án, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn đã góp phần quan trọng giảm bớt khó khăn về cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao tinh thần đồng bào cho các DTTS.
Không riêng Quan Hóa, mà ở 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, hệ thống hạ tầng thiết yếu đang được tập trung đầu tư đồng bộ bằng nguồn vốn từ Chương trình 1719 lồng ghép với nhiều nguồn vốn hợp pháp khác. Giai đoạn 2021 - 2023, riêng nguồn vốn từ Chương trình 1719, tỉnh đã và đang đầu tư 364 công trình; duy tu, bảo dưỡng 55 công trình; hỗ trợ làm nhà ở cho hàng trăm hộ dân…
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Mai Xuân Bình, nhờ tập trung đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, ưu tiên các vùng khó, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng DTTS được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, 100% đường giao thông được cứng hóa từ thôn, bản đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 93,6%; đã hoàn thành đầu tư hạ tầng cấp điện cho 23 thôn, bản của 6 huyện; hạ tầng mạng lưới viễn thông, truyền hình được mở rộng, có 2.904 trạm thu phát sóng và 363 trạm truy cập internet, bảo đảm phủ sóng, cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, truyền hình đến 100% trung tâm các xã...
Nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Mai Xuân Bình, tạo sinh kế để người dân cải thiện thu nhập chính là giải pháp tốt nhất xóa bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”, thúc đẩy tinh thần “chủ động” và ý chí vươn lên của đồng bào. Đây cũng là giải pháp căn cơ thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tại huyện Lang Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Thanh cho biết, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình 1719, huyện đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thay đổi tập quán sản xuất cũ từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS. Điển hình, các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi bước đầu đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng miền, nhân rộng mô hình gia trại, trang trại...
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, giai đoạn 2021 - 2023, thực hiện Tiểu dự án 2 (thuộc Dự án 3) về “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 8 dự án chuỗi giá trị cấp tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh đã ký hợp đồng với 5 đơn vị Chủ trì liên kết/5 dự án, các dự án đang triển khai thực hiện; 3 dự án đang được Sở Tài chính thẩm định dự toán để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đối với cấp huyện, có 4/12 huyện đã phê duyệt 29 dự án và đang triển khai thực hiện; 8/12 huyện đang triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Các dự án trên dành cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia với mong muốn tạo sinh kế bền vững để người dân vùng DTTS và miền núi ổn định đời sống.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Bình chia sẻ, Chương trình 1719 đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh và cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 giảm còn 11,04%, thu nhập bình quân của 11 huyện miền núi đến hết năm 2023 là 39,6 triệu đồng/người/năm.
Những con số ấn tượng trên là minh chứng cụ thể cho hiệu quả từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, trong đó trọng tâm là Chương trình 1719.