Bài 1: Thời cơ và sáng kiến

Hương Sen 29/01/2018 07:40

Diễn ra trong bối cảnh đế quốc Mỹ ngoan cố leo thang chiến tranh, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã được Trung ương Đảng đề xuất giải pháp mới, đưa quyết tâm chuyển hướng tiến công chiến lược từ rừng núi, nông thôn, đánh thẳng vào sào huyệt, đầu não hiểm yếu nhất của địch là các thành phố, căn cứ trung tâm.

Sáng kiến lịch sử

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975). Nó được xem như gạch nối giữa phong trào Đồng khởi (1959 - 1960) với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam mùa Xuân 1975.

Nhận thấy tình thế mới có lợi cho ta, bất lợi cho địch, từ cuối năm 1966, đầu 1967, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã chủ trương tìm cách đánh chiến lược mới, xác lập cục diện “vừa đánh vừa đàm”, “vừa đàm vừa đánh”. Vận dụng sách lược mềm dẻo, tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho thấy, khả năng phía Việt Nam sẽ thực hiện đàm phán nếu Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện miền Bắc. Trên cơ sở đó, kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968 được Trung ương Đảng nghiên cứu, khởi thảo, hé mở một chủ trương mới.

Theo Thiếu tướng, PGS.TS. Trịnh Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đây là quá trình thảo luận, cân nhắc… giữa Tổng hành dinh với lãnh đạo, chỉ huy chiến trường. Bộ Thống soái tối cao nhận thấy, nếu cứ tiếp tục mở các hoạt động quân sự như trước, đánh theo cách đánh cũ, thì khó tận dụng được thời cơ có lợi để tạo chuyển biến chiến lược trên chiến trường, chiến tranh sẽ vẫn trong thế nhùng nhằng, giằng co.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị bàn về Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị bàn về Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Trong khi Tổ kế hoạch Cục Tác chiến còn đang trong quá trình tìm tòi, chưa nghĩ ra cách đánh, thì các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đề xuất giải pháp mới. Hai tư duy vừa sáng tạo, vừa táo bạo đã kết thành ý định quyết tâm chiến lược là đột ngột chuyển hướng tiến công chủ yếu từ rừng núi, nông thôn, đánh thẳng vào sào huyệt, đầu não hiểm yếu nhất của địch là các thành phố, căn cứ trung tâm…

Nhận định đây là một sáng kiến lịch sử, Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng dẫn liên hệ thực tế và thú vị của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi ông từ chiến trường miền Nam ra Hà Nội họp Bộ Chính trị năm 1966, đại ý “đánh vào đầu, não, tim, dạ dày của nó thì chân tay nó rã rời… chặt vào chân nó thì thấy chảy máu me nhưng không can chi cả… Nhưng chỉ dùng cái kim châm vô tim thì nó chết. Tức là phải đánh vào chỗ hiểm. Chỗ hiểm của địch là ở đâu? Là thành phố, thị trấn, căn cứ đầu não, kho tàng, sào huyệt của chúng”.

Nghi binh chiến lược

Với mục đích đánh lạc hướng Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo bằng mọi cách phải khiến địch “đánh giá sai tình hình, hoàn toàn bất ngờ về quy mô và thời gian trong đòn chiến lược Xuân Mậu Thân”. Tháng 9.1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đăng bài báo “Thắng lợi lớn, nhiệm vụ lớn”, tiếp tục khẳng định phương châm đánh lâu dài, bảo tồn lực lượng. Lập tức, Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA cho dịch và phân phát tới các chi nhánh truyền thông công khai ở nước ngoài. Hai tháng sau, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam phổ biến cho các tư lệnh chiến trường miền Nam kế hoạch nghi binh chiến lược, công bố bản kế hoạch tác chiến giả… Theo Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng: “Các thông tin giả kể trên càng củng cố nhận định của Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ, Đại tướng William C.Westmoreland rằng, Việt Nam thất bại lớn; còn Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn nhận định, năm 1968 trọng tâm kế hoạch của Việt cộng là chống phá bình định”.

Cũng nhằm dụ đối phương lún sâu thêm vào những phán đoán sai lầm, tháng 1.1968, quân ta phối hợp với nước bạn Lào mở chiến dịch Nậm Bạc, nhiều đơn vị chủ lực Quân giải phóng rời căn cứ hướng về các đô thị, trong đó có Sài Gòn - Gia Định; một số sư đoàn chủ lực miền Bắc tập kết quanh vùng rừng núi Khe Sanh. Trước động thái đó, Westmoreland hủy bỏ dự án mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba, đưa quân về giữ Sài Gòn; dừng các cuộc hành quân ở phía Bắc, tăng cường lực lượng cho hướng Trị - Thiên.

“Vậy là, từ thế chủ động phản công, tìm diệt, lực lượng quân sự Mỹ buộc phải chuyển sang phòng ngự bị động mà hai hướng chính là quanh Sài Gòn và Trị - Thiên. Trong khi đối phương còn đang lúng túng tìm cách đối phó, thì đêm 20.1.1968, quân ta bất ngờ nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Đạn pháo của quân ta dội xuống Khe Sanh đã xua tan đám mây mù mà chính quyền Mỹ cố tạo ra lừa mị công chúng Hoa Kỳ rằng họ đang thắng và đã thấy ánh sáng cuối đường hầm!”, Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng cho hay.

Nhiều tác giả Việt Nam và Mỹ nhận định, cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Sài Gòn đều nghĩ đến khả năng Việt Cộng tập trung lực lượng để tiến hành một trận “Điện Biên Phủ” ở Khe Sanh. Bằng cách đánh vây lấn với những trận địa chiến hào của ta, họ cho rằng ta sẽ dứt điểm Khe Sanh như Điện Biên Phủ. “Các trận đánh trong Tết Mậu Thân làm cho người ta có cảm tưởng rằng Khe Sanh có vẻ như là cuộc bao vây để đấy. Nếu vậy thì Bắc Việt Nam là bậc thầy trong việc nghi binh”. (Michael Maclear, “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”, số 2.2017, Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam).

 Cách đánh độc nhất vô nhị

Thành công lớn trong Tết Mậu Thân là tìm ra cách đánh mới và giữ được bí mật cách đánh làm cho Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn bất ngờ. Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của địch, tất cả thành phố, tỉnh lỵ đều bị đồng loạt tiến công, kể cả các vị trí trọng yếu như Bộ Tổng Tham mưu đến Biệt khu Thủ đô, từ Dinh Độc Lập đến Tòa Đại sứ Mỹ. Đây là cách đánh độc đáo, không chỉ tiến công tuần tự từ bên ngoài vào trong mà kết hợp từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, dưới nhiều hình thức (quân sự, chính trị, binh vận), bằng nhiều lực lượng (chủ lực, đặc công, biệt động, lực lượng tại chỗ), kết hợp giữa tiến công và nổi dậy đồng loạt, rộng khắp trên toàn chiến trường miền Nam.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm kháng chiến, ta đã đưa chiến tranh vào thành thị, biến hậu phương và hậu cứ địch thành chiến trường của ta.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 1: Thời cơ và sáng kiến
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO