Đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh

Bài 1: Thay đổi nhận thức

- Thứ Ba, 23/11/2021, 06:38 - Chia sẻ

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, từ định hướng đó đến tạo chuyển biến trong thực tế là chặng đường dài, cần tập trung mọi nỗ lực chỉ đạo, đề xuất và kiên trì thực hiện giải pháp đột phá, tạo được bước phát triển về chất lượng của văn hóa.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của mỗi quốc gia trở thành nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi đặt sự phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và thường xuyên cập nhật khi tư duy lý luận về văn hóa đang có sự thay đổi nhanh chóng.

	Văn hóa và đa dạng văn hóa là nguồn lực phát triển - Nguồn: tapchimattran
Văn hóa và đa dạng văn hóa là nguồn lực phát triển
Nguồn: tapchimattran

"Mất bản sắc là mất hết”

10 năm qua, sự phát triển của kinh tế thế giới đã thay đổi cơ cấu trong đầu tư, quan tâm hơn tới các lĩnh vực xã hội và tăng đầu tư cho văn hóa, từ đó tạo ra sự chênh lệch giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển về hưởng thụ văn hóa của người dân. Bên cạnh đó, công nghệ tiến bộ vượt bậc giúp các quốc gia tận dụng, phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Cộng với quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa là không thể tránh khỏi. Nhiều loại hình giải trí mới ra đời, nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật đa dạng của khán giả, đồng thời có sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ một cách sâu sắc...

GS. TSKH. Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nhận định: “Công nghệ và toàn cầu hóa làm cho sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế một mặt có tác dụng tích cực, mặt khác tác động tiêu cực. Hiện nay, làn sóng văn hóa từ một số nước phát triển tràn vào nước ta một cách mạnh mẽ... không độc hại nhưng ngấm ngầm xảy ra tình trạng phục ngoại, coi rẻ những giá trị dân tộc. Do đó, phải giữ gìn bản sắc dân tộc. Mất bản sắc là mất hết”.

GS. TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, có chung quan điểm: Sự du nhập của các sản phẩm văn hóa có nguồn gốc nước ngoài còn được xem là xâm lăng văn hóa. Trong thế giới phẳng như hiện nay, bài toán đặt ra là ứng xử như thế nào? Cuộc Cách mạng 4.0 cho phép con người có quyền tiếp nhận, hưởng thụ và sáng tạo, nhưng nó cũng tạo ra thế giới ảo mà thực, thực mà ảo.  

“Chúng ta không thoát khỏi ảnh hưởng chung của nhân loại, nhưng phải tìm ra giải pháp để tồn tại và phát triển trong dòng chảy chung” - GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định. Trong quá trình lâu dài vừa qua và đến hiện tại, việc xác định đặc trưng, giá trị văn hóa của Việt Nam vẫn khá mơ hồ. Trong khi đây là cốt lõi, để dẫn đến tư duy, quan niệm về văn hóa. Nếu không xác định rõ thì khó nói về bản sắc, tự tôn, bảo vệ giá trị văn hóa; hoặc thiếu toàn diện. Mặt khác, chủ trương bảo tồn và phát huy văn hóa dường như chưa đặt trong bối cảnh chung để thấy cái nào cần bảo vệ, cách nào để phát huy. Nếu cứ nói bảo tồn, phát huy chung chung thì không làm được.

Làm rõ quan hệ kinh tế - văn hóa

Trong thập kỷ vừa qua, nhờ đường lối định hướng của Đảng, sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp và được tăng cường đầu tư, lĩnh vực văn hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc quan tâm phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội chưa tương xứng với phát triển kinh tế, chưa đủ mức tác động hiệu quả trong việc xây dựng con người mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trong một số trường hợp còn chưa có sự thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở một số nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn khoảng cách lớn. Môi trường văn hóa có nơi diễn biến phức tạp, xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp về đạo đức, lối sống. Các biến đổi kinh tế - xã hội này làm cho bộ mặt văn hóa đô thị và nông thôn thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải có chiến lược phát triển văn hóa phù hợp...

TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng: Văn hóa có bối cảnh riêng của nó. Thời kỳ đầu đổi mới chúng ta tập trung cho kinh tế và có thể kinh tế đi trước một bước. Nhưng đến thời kỳ này, nếu kinh tế tiếp tục đi trước và không quan tâm đến văn hóa, sẽ tạo ra hệ lụy... Cần nghiên cứu lý luận và thực tiễn để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa để thấy rõ văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Để có thể giải quyết đúng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa thì phải thấu hiểu các giá trị văn hóa dân tộc, nhận rõ vị trí đặc biệt quan trọng và ý nghĩa lớn lao của văn hóa. Phải phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân.

Thập kỷ gần đây, tư duy lý luận về văn hóa của nhân loại có thay đổi, thông qua hoạt động của UNESCO và một số nước phát triển. Các quốc gia tăng cường sử dụng sức mạnh mềm mà văn hóa là thành tố quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa của nhân loại thay đổi. UNESCO quan niệm, di sản không phải là gánh nặng, mà là hành lang để phát triển. Tại Việt Nam, theo PGS. TS. Nguyễn Văn Chính, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có sự gặp gỡ quan trọng giữa đường lối của Đảng và tư tưởng của UNESCO. Đảng ta xác định văn hóa và đa dạng văn hóa là nguồn lực phát triển, các tổ chức của Liên Hợp Quốc cũng cổ xúy cho tinh thần đó. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là phải đưa văn hóa trở thành nguồn lực của phát triển như Nghị quyết của Đảng đã nêu.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, cần phải có sự thay đổi sâu sắc nhận thức về vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước; tập trung mọi nỗ lực chỉ đạo, đề xuất và kiên trì thực hiện giải pháp đột phá, tạo bước phát triển về chất của văn hóa, để văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng phát triển bền vững đất nước.

“Cứ nói văn hóa là cờ đèn kèn trống, nhưng cần khẳng định văn hóa là sức mạnh mềm. Văn hóa là cái hữu cơ, tạo nền móng phát triển kinh tế. Nếu không làm được thì đây là vấn đề nhận thức”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Anh Minh - Ngọc Phương