Bài 1: Thăng trầm làng nghề thủ công
Đến đầu năm 2022, Nghệ An có 177 làng nghề tại 19/21 huyện, thành, thị. Tuy vậy, sau khi công nhận, để tồn tại và phát triển, đa số làng nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn, một số làng nghề sau một thời gian hoạt động cầm chừng, không hiệu quả nên đã dừng, xóa sổ.
Từ khởi đầu đầy hứng khởi
Cách đây hơn 10 năm, được sự động viên, hỗ trợ từ các cơ chế chính sách được quy định tại Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An Khóa XVI về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020, đi về các miền quê, bất cứ đâu đều dễ bắt gặp các lớp tập huấn, học nghề, truyền nghề do Hội nông dân, Hội phụ nữ hoặc các HTX mời các chuyên gia, nghệ nhân về giảng dạy.

Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Nghệ An có nhiều làng nghề truyền thống (do tỉnh công nhận) và làng có nghề (cấp huyện công nhận) ra đời. Nhiều nhất là huyện Quỳnh Lưu có 38 làng nghề, Nghi Lộc 24 làng, Diễn Châu 23 làng, Yên Thành 16 làng; các huyện còn lại, mỗi địa phương từ 7 - 9 làng.
Đến năm 2021, toàn tỉnh có 13.016 hộ tham gia hoạt động tại các làng nghề, chiếm 1,94% số hộ ở nông thôn, với số lao động tham gia nghề là 22.740 lao động, chiếm 1,35% lao động khu vực nông thôn của tỉnh. Điểm được lớn nhất thông qua chính sách hỗ trợ phục hồi các làng nghề là một số lao động nghề tuy chưa qua đào tạo nhưng theo nghề gia truyền và kinh nghiệm thực tế nên tay nghề khá cao như nghề mộc, thổ cẩm, đan lát, chế biến nông sản, hương trầm, bún bánh…
Bình quân thu nhập của lao động làng nghề đạt 3,5 - 4 triệu/tháng, cá biệt có nghề như sinh vật cảnh thu nhập cao gấp đôi so với các nghề còn lại. Đến năm 2021, theo đánh giá của UBND tỉnh, trong số 177 làng nghề, có 65 làng nghề lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất đồ gỗ hoạt động tốt, 52 làng nghề hoạt động khá, số còn lại làm việc cầm chừng hoặc dừng hoạt động.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An Nguyễn Hồ Lâm đánh giá, việc phát triển các làng nghề nông thôn là nỗ lực rất đáng trân trọng của địa phương, người dân nhằm khai thác lợi thế về tay nghề, kinh nghiệm, nguồn lực tại chỗ. Từ đó tạo thêm việc làm cho lao động ngày nông nhàn, nâng cao đời sống cho người dân. Hơn nữa, đây cũng là cơ sở đề ra chương trình xây dựng nông thôn mới, gợi mở cho các mô hình, sinh kế làm ăn, tạo điều kiện công nhận hoàn thành tiêu chí mô hình sản xuất tại các xã vùng nông thôn.
Đến dừng hoạt động, bị xóa sổ
Tuy vậy, thực tế khảo sát cho thấy có những làng nghề được hình thành quá nóng vội, hoàn thiện các tiêu chí theo kiểu gán ghép cơ học về số người làm nghề hay tính toán doanh thu… để đủ điều kiện công nhận làng có nghề hoặc làng nghề. Điều đáng nói qua tìm hiểu có những xã ở Nghi Lộc, Quỳnh Lưu dù phạm vi trong 1 xã khá nhỏ hẹp nhưng có đến 3 - 5 làng nghề cùng lĩnh vực. Điển hình là nghề mây tre đan ở Nghi Thái, Nghi Phong hay nghề móc sợi, mây tre đan ở Quỳnh Lưu… Chính vì thế, sau một thời gian không tìm được đầu ra, thu nhập quá thấp nên các lao động đã bỏ nghề.
Từ năm 2017 đến nay, các làng nghề gặp rất nhiều khó khăn, dần dần mai một, không ít làng đã bị xóa sổ. Theo kết quả khảo sát cuối năm 2021 của Chi cục Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, trong số 177 làng nghề được công nhận thì đến nay chỉ khoảng 40% làng nghề vẫn đang hoạt động và kinh doanh có lãi; còn lại 30% hoạt động cầm chừng và 34% làng nghề sau một thời gian cầm chừng đã dừng hoạt động. Trong đó nhiều nhất là các làng nghề móc sợi, mây tre đan, chổi đót tại Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Nghi Lộc.
Trước thực tế này, một số huyện đã nhiều lần đề xuất với tỉnh rà soát và xóa danh hiệu làng nghề. Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Lê Mạnh Hiên cho rằng, nguyên nhân các làng nghề bị sa sút, dừng hoạt động chủ yếu do không phù hợp với cơ chế thị trường. Điển hình, nghề đan lát, móc sợi, thêu ren… sản xuất chỉ để xuất khẩu nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên 2 năm nay các nước đối tác không nhập khẩu nữa.
Hơn nữa, một số chính sách của tỉnh đối với làng nghề được công nhận là sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/làng để tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận; 2 tỷ đồng/làng để xây dựng hạ tầng nhưng thực tế mới có ít làng được khoản hỗ trợ này. Trong số gần 177 làng nghề được công nhận, mới chỉ có 62 làng, chiếm gần 30% làng được hỗ trợ xây dựng hạ tầng, số tiền 140 tỷ đồng.
Mặt khác, có làng nghề, nhất là làng nghề sản xuất thực phẩm, bún bánh liên quan đến an toàn thực phẩm, muốn được công nhận phải bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm; hoặc nếu đã được công nhận lại thì các chủ thể làng nghề phải chuyển đổi quy trình, hiện đại hóa sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Cơ giới, Chi cục Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Đức Đạt, không phải làng nghề nào cũng đáp ứng và tiếp nhận đủ điều kiện để thay đổi quy trình sản xuất. Đơn cử, nghề làm mật mía tại làng Găng, xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) được huyện đề nghị làm hồ sơ hỗ trợ máy cán ép mía nhưng vì thủ tục phức tạp, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của làng nên người dân từ chối; hay làng nấu rượu ở Hưng Tân (Hưng Nguyên), tỉnh đã hỗ trợ 3 bộ máy lọc aldehit cho rượu nhưng do công suất máy quá lớn, khó sử dụng nên không ai chịu nhận thiết bị.