Đó là thực tế được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương chỉ ra qua giám sát chuyên đề kết quả nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án KHCN sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2024.
Hướng tới sản xuất an toàn, theo chuỗi giá trị
Trên thực tế, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN hiện nay là một yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển toàn diện, giúp giải quyết những thách thức lớn đối với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh hay an ninh năng lượng…

Nhận thức rõ điều này, những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các nhiệm vụ KHCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đạt được một số kết quả khả quan, giải quyết được một số vấn đề cấp thiết từ thực tiễn sản xuất, đời sống, thu hút được sự quan tâm, tham gia nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu. Giai đoạn 2021 - 2024, có 45 đề tài, dự án KHCN được nghiệm thu, cơ bản đã phát huy hiệu quả, nhiều đề tài được nhân rộng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, chăm sóc sức khỏe người dân.
Đặc biệt, những nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã góp phần tích cực tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung hướng tới sản xuất an toàn, theo chuỗi giá trị, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân; các nhiệm vụ có sự lồng ghép, tiếp cận với các thành tựu KHCN như công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh.
Tiêu biểu như đối với cây lúa, đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất thử và tổ chức ứng dụng, nhân rộng, sản xuất an toàn với nhiều giống lúa mới, có hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Một số đề tài đã tiếp cận được với công nghệ chuyển gen để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên nhiên... Mô hình sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ đã được mở rộng, thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại các vùng bãi rươi của huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà. Các giống lúa được tuyển chọn đều được đánh giá thích nghi với điều kiện sinh thái của tỉnh, phù hợp với sản xuất lúa hàng hóa tập trung, thể hiện được những ưu việt của giống về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh.
Thiếu các đề xuất mang tầm phát triển chiến lược
Bên cạnh những kết quả trên, qua giám sát chuyên đề kết quả nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án KHCN sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2024, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương chỉ ra: tỷ trọng chi từ ngân sách cho KHCN chưa bảo đảm theo yêu cầu đề ra (hiện chỉ đạt trung bình khoảng từ 0,4 - 0,6% tổng chi). Việc sử dụng kinh phí đã bố trí trong dự toán hàng năm thực hiện các nhiệm vụ KHCN còn hạn chế, tỷ lệ quyết toán kinh phí thực hiện đạt thấp so với dự toán được giao.
Các đề tài, dự án KHCN tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đề tài, dự án khoa học, kỹ thuật và công nghệ đề xuất thực hiện chiếm tỷ lệ khá thấp; chưa có sản phẩm khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là các sản phẩm được cấp bằng sáng chế. Việc triển khai áp dụng rộng rãi mô hình thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cây dược liệu.
Trên thực tế, định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KHCN chưa được ban hành; cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong nghiên cứu do Nhà nước chưa xây dựng được các định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho khoán chi thực hiện nhiệm vụ KHCN cũng chưa được thực hiện. Thiếu cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút nhân tài, các nhà khoa học và chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tham gia nghiên cứu KHCN.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực KHCN, nhất là trong việc nghiên cứu, ứng dụng các nhiệm vụ KHCN còn nhiều vướng mắc, chưa thống nhất. Cơ chế quản lý hoạt động KHCN tuy đã đổi mới nhưng còn chậm, nhất là về tài chính cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN còn nhiều vướng mắc về định mức kinh tế - kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, thủ tục thanh, quyết toán... Nguyên nhân chủ quan được Đoàn giám sát chỉ ra do việc đề xuất, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học từ các sở, ngành, địa phương còn chưa nhiều và thiếu các đề xuất mang tầm phát triển chiến lược, có chiều sâu; chưa tích cực tham gia nghiên cứu, nhất là các lĩnh vực về khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Còn thiếu cơ chế phù hợp khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư kinh phí cho việc tham gia nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm…