Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở Hàn Quốc

Sự ra đời của pháp luật về môi trường

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 06:24 - Chia sẻ
Pháp luật về bảo vệ môi trường ở Hàn Quốc đã có một quá trình phát triển tương đối lâu dài và khá đầy đủ. Điều 35 Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Mọi người dân đều có quyền sống trong môi trường trong lành và thoải mái. Nhà nước và người dân phải cố gắng bảo vệ môi trường”. Lịch sử xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường của Hàn Quốc có thể chia làm 3 giai đoạn gồm: 1961 - 1990, 1990 - 2008 và từ 2008 đến nay.

Giai đoạn 1961 - 1990

Vấn đề môi trường ở Hàn Quốc được quan tâm từ những năm 1960 của thế kỷ XX do phát triển các công nghiệp nặng như công nghiệp hóa học, gang thép, đóng tàu, sản xuất ô tô cùng với ngành khai thác dầu khí, dệt may... làm phát sinh ô nhiễm môi trường. Năm 1963, nhằm đối phó với ô nhiễm môi trường phát sinh tại các khu công nghiệp, Luật Phòng chống ô nhiễm đầu tiên ra đời. Tuy nhiên, nội dung còn sơ sài, nên hiệu quả thực thi không cao. Do đó, ngày 31.12.1977, Luật trên được thay thế bởi Luật Bảo vệ môi trường. Trong “Luật Bảo vệ môi trường”, nhiều điểm mới được đưa vào như: Làm rõ quy chế đánh giá tác động môi trường, quy chế giám sát môi trường, tiêu chuẩn cho phép thải ô nhiễm, lắp đặt trang thiết bị chống ô nhiễm...

Tiếp theo, năm 1980, lần đầu tiên “Quyền môi trường” được đưa vào là một hạng mục trong Hiến pháp. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm khí thải ôtô, nước thải đô thị, rác thải đô thị, phá hủy rừng và hệ sinh thái... cũng trở nên nổi cộm.

Tính toàn bộ giai đoạn 1961 - 1990, Hàn Quốc đã ban hành 15 đạo luật có liên quan đến vấn đề môi trường. Có thể kể một số đạo luật quan trọng như: Luật Ngăn chặn ô nhiễm môi trường (1963); Luật Bảo tồn môi trường (1977) sửa đổi Luật Ngăn chặn ô nhiễm môi trường (1963); Luật quản lý vật chất độc hại và nguy hiểm (1963); Luật làm sạch chất thải (1961); Luật Kiểm soát chất thải (1986) thay thế Luật làm sạch chất thải (1961).

Bước sang những năm 1990, các vấn đề môi trường toàn cầu, phá hủy hệ sinh thái, tăng lượng rác thải, tăng sử dụng hóa chất độc hại, giảm nguồn cung cấp tài nguyên nước, suy giảm chất lượng không khí đô thị... bắt đầu trở thành mối nguy hiểm lớn đe dọa chất lượng cuộc sống của người dân. Mối quan tâm của người dân tới các vấn đề ô nhiễm môi trường tăng lên, làm thay đổi nhiều chính sách về môi trường (pháp chế, hành chính...).

Chính vì vậy, năm 1990 đánh dấu một bước chuyển rất lớn trong việc xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường của Hàn Quốc. Luật Bảo tồn môi trường (1977) được tách thành 5 luật khác nhau vào năm 1990, bao gồm: Luật khung về Chính sách môi trường; Luật Bảo tồn không khí sạch; Luật Kiểm soát tiếng ồn và độ rung; Luật Bảo tồn Chất lượng nước và Hệ sinh thái nước; Luật giải quyết tranh chấp môi trường.

Điều này không đơn giản chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật lập pháp và hình thức văn bản pháp luật mà sâu xa hơn đó là vấn đề bảo vệ môi trường đã được đặc biệt quan trọng. Với việc từ bỏ mô hình một luật lớn mà chuyển sang mô hình nhiều luật nhỏ, Quốc hội Hàn Quốc đã tạo điều kiện tốt hơn cho Chính phủ khi muốn sửa đổi các quy định hoặc phải đối phó với một vấn đề môi trường mới phát sinh.

Luật khung về chính sách môi trường (FAEP) là cơ sở pháp luật về môi trường của Hàn Quốc. FAEP gồm 6 chương và 44 điều, được ban hành năm 1990 và sửa đổi gần đây nhất vào năm 2008. Tại điều 1 của Luật có quy định về mục đích của Luật này “là để tất cả mọi người có thể tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh và dễ chịu, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và thiệt hại về môi trường và quản lý, bảo vệ môi trường một cách hợp lý, bền vững thông qua việc xác định quyền và nghĩa vụ của công dân và Chính phủ về bảo vệ môi trường và xác định các vấn đề cơ bản cho các chính sách môi trường”. Nội dung của Luật khung này bao gồm: Chương 1: Các vấn đề chung, Chương 2: Thiết lập kế hoạch BVMT, Chương 3: Các công cụ về luật pháp và tài chính, Chương 4: Ủy ban tư vấn bảo vệ môi trường, Chương 5: Các điều khoản bổ sung, Chương 6: Điều khoản xử phạt hình sự.

Giai đoạn 1990 - 2008

Từ những năm 1990 trở đi, mức thu nhập của người dân tăng lên, ý thức về môi trường nâng cao, pháp luật được ban hành rộng rãi nhằm bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Nhiều chính sách môi trường được cải tiến, khắc phục những lỗ hổng về quản lý môi trường. Đặc biệt, những năm 2000 được xem là thời kỳ then chốt của chính sách quản lý môi trường so với trước. Đây là nền móng cho pháp luật hiện hành tại Hàn Quốc.

Cụ thể sau năm 1990, Quốc hội Hàn Quốc tiếp tục ban hành nhiều đạo luật khác để giải quyết từng vấn đề môi trường cụ thể, có thể kể đến như: Luật Bảo tồn môi trường tự nhiên (1991); Luật Trách nhiệm chi trả cải thiện môi trường (1991); Luật về nâng cao chất lượng không khí đô thị (2003); Luật Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường (2004); Luật về Quan trắc và phân tích môi trường (2006); Luật khung về Phát triển bền vững (2007); Luật Sức khỏe môi trường (2008).

Lưu ý rằng, tại Hàn Quốc, lĩnh vực quản lý chất thải và lĩnh vực quản lý vật chất độc hại và nguy hiểm được tách riêng và không nằm trong phạm vi điều chỉnh của đạo luật khung về chính sách môi trường.

Trong giai đoạn từ 1980 - 2008, số lượng các đạo luật liên quan đến môi trường của Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng, đến năm 2008 đã có 46 luật liên quan đến bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên.

Giai đoạn 2008 đến nay

Bắt đầu từ năm 2008 đến nay, Hàn Quốc tiến hành sửa đổi một loạt các luật về bảo vệ môi trường. Nhưng sự thay đổi này chỉ nhằm siết chặt hơn các quy định về bảo vệ môi trường mà không làm thay đổi cấu trúc hệ thống pháp luật về bảo vệ mội trường của nước này.

Luật Bảo tồn môi trường tự nhiên gồm 7 chương, 66 điều, được ban hành vào năm 1991, lần sửa đổi gần nhất năm 2008 với mục tiêu bảo vệ môi trường tự nhiên, giúp con người sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Trong Luật này có lồng ghép một số công cụ kinh tế như thuế, phí, trợ cấp tài chính vào các điều luật.

Ngày 15.1.2009, Chính phủ Hàn quốc ban hành Luật về Cacbon thấp và Tăng trưởng xanh. Mục đích là thể chế hóa mục tiêu “cacbon thấp” và “Tăng trưởng xanh” thông qua hệ thống thuế thân thiện với môi trường cũng như hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh xanh. Luật này cũng là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2011, Hàn Quốc đã ban hành Luật Hỗ trợ công nghệ và công nghiệp môi trường.

Đạt Quốc