Bài 1 : Sớm thay đổi hạn mức chuyển quyền sử dụng đất
Một trong những điều kiện quan trọng để có thể thực hiện nông nghiệp công nghệ cao đó là tích tụ ruộng đất đủ lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay đang là một vướng mắc, trở ngại lớn, không phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.
Vướng do hạn điền và hạn mức
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 129 của Luật này. Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ (Điều 130, Luật Đất đai năm 2013).
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và quan tâm đầu tư cho phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-TTg ngày 15.1.2021 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên; Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27.1.2021 về chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 với mục tiêu phát triển một số ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, góp phần tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.
Trước đó, một số khu nông nghiệp công nghệ cao đã được Chính phủ phê duyệt tại các tỉnh Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu... Ngoài ra, trên cả nước còn có nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao do Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập.
Một trong những đặc trưng của nông nghiệp công nghệ cao là cần có quỹ đất lớn, có vị trí thuận lợi cho lưu thông để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ, nhưng đất nông nghiệp ở nước ta hiện bị phân tán thành nhiều thửa với diện tích nhỏ. Cả nước hiện có hơn 11 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp với 78 triệu mảnh ruộng và trên 8,5 triệu nông hộ. Trong đó, có khoảng 70% số hộ có diện tích dưới 0,5ha, chỉ có 3,4% số hộ có diện tích trên 3 ha. Trong khi đó, quá trình tập trung đất đai còn khó khăn do quy định hạn điền và thời gian sử dụng đất còn nhiều bất cập.
Theo nhiều chuyên gia, quy định về hạn điền và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Điều 129 và Điều 130 của Luật Đất đai năm 2013 đang dẫn đến tình trạng người có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất để áp dụng công nghệ cao thì lại không được phép nhận chuyển quyền vượt hạn mức cho phép, buộc phải “lách luật” nhờ người thân đứng tên giúp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và rất dễ phát sinh tranh chấp. Vì vậy không ít nông dân có tâm huyết, muốn áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn khó lòng an tâm đầu tư sản xuất.

Nguồn: ITN
Hình thành thị trường đất nông nghiệp
Hiện nay hầu hết diện tích đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài. Quỹ đất do Nhà nước quản lý không còn nhiều để cho doanh nghiệp thuê. Nếu doanh nghiệp muốn tích tụ đất phục vụ sản xuất thì phải ký hợp đồng với hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ nông dân, nhưng việc thỏa thuận, thương lượng, bồi thường rất khó khăn, phức tạp, kéo dài do không ít hộ yêu cầu mức bồi thường quá cao. Bên cạnh đó còn vướng quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, tức là hạn mức này quá nhỏ so với yêu cầu diện tích đất cần có để tiến hành đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Ths. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Nhà nước và Pháp luật, cần sớm thay đổi hạn mức này theo hướng mở rộng diện tích được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, tiến tới bỏ hẳn hạn mức để mở đường cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn. Sự thay đổi này còn có ý nghĩa giảm rủi ro không đáng có đối với người có đất vượt hạn mức nhận chuyển quyền. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận được đất nông nghiệp thuận lợi hơn như mở rộng các dự án sử dụng đất nông nghiệp có ưu tiên cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua cắt giảm thủ tục hành chính trong quá trình bồi thường cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp; giảm bớt các loại phí, lệ phí nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư…
Đồng tình với quan điểm này, Ths. Phạm Thị Na, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần có giải pháp bảo tồn đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị. Quan trọng nhất vẫn là có các cơ chế, chính sách thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ đất đai, mạnh dạn cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, hình thành thị trường đất nông nghiệp, đưa nông nghiệp tiến nhanh lên sản xuất quy mô lớn.
Từ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bền vững của Ba Lan, Ths. Nguyễn Ngọc Ánh, Đại học Luật Hà Nội cho biết, chính sách đất đai của nước này đã tác động tới sự thay đổi cơ cấu sở hữu đất trong nông nghiệp và sự thay đổi quy mô của các trang trại. Cùng với quá trình tư nhân hóa của giai đoạn trước hội nhập năm 2004, các khoản hỗ trợ cho nông dân không chỉ đầu tư vào thiết bị mà còn vào tích tụ ruộng đất. Xu thế chung trong chính sách đất nông nghiệp của Ba Lan là có những giải pháp tiếp tục cải thiện cơ cấu nông nghiệp, tức là chuyển đất của các nông hộ nhỏ cho các trang trại có khả năng phát triển.