Hướng tới mục tiêu 100% dân số được đăng ký, quản lý dân số trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư

Bài 1: Số hóa thủ tục khai sinh, khai tử

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 05:33 - Chia sẻ
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030: 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc. Điều này đặt lên vai người làm công tác hộ tịch - tư pháp, y tế địa phương, nhất là vùng sâu, xa, dân tộc ít người không ít áp lực.

Tính đến ngày 19.11.2021, trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử đã ghi nhận 21.199.519 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 6.467.917 trẻ em đã được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân; 4.238.553 trường hợp đăng ký kết hôn; 3.001.464 trường hợp đăng ký khai tử.

Cải tiến thống kê hộ tịch

Bình quân các Phòng Tư pháp (ngoại trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) có từ 3 - 4 công chức/phòng; 52% đơn vị cấp xã được bố trí 2 công chức tư pháp - hộ tịch.  (Nguồn Bộ Tư pháp)

Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2021 (Chương trình CRVS) đã được thực hiện 5 năm với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch được hoàn thiện thông qua việc xây dựng Luật Hộ tịch, các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đặc biệt, từ Luật tới nghị định, thông tư đều có hiệu lực đồng bộ ngay từ đầu chu kỳ thực hiện Khung hành động khu vực về đăng ký và thống kê hộ tịch (1.1.2016); đồng thời các văn bản tiếp tục ban hành mới, thay thế phù hợp với yêu cầu thực tế, bao gồm cả quy định về chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch.

Đơn cử, việc cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử (xác định đúng nguyên nhân tử vong) là hoạt động quan trọng, có liên quan và ảnh hưởng đến chất lượng đăng ký, thống kê 2 sự kiện hộ tịch cơ bản nhất của cá nhân (sinh, tử). Do đó, Chương trình CRVS đã giao ngành y tế hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác này. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành: Thông tư số 27/2019/TT-BYT ngày 27.9.2019 sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 2, Điều 2; Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24.10.2012 về việc cấp và sử dụng Giấy chứng sinh; Thông tư số 24/2020/TT-BYT ngày 28.12.2020 quy định về Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong, cấp Giấy báo tử và thống kê tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch về cơ bản cũng được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện quan tâm đầu tư. Hầu hết các phòng tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đều được bố trí nơi làm việc phù hợp, trang bị phương tiện làm việc cần thiết như điện thoại, máy vi tính có kết nối mạng Internet, máy in, tủ để tài liệu, máy photocopy, máy scan… trừ một số nơi thuộc địa bàn các tỉnh miền núi có nhiều khó khăn.

Đặc biệt, sau khi Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch, ngày 11.12.2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” (Quyết định số 2173/QĐ-BTP), tạo tiền đề để Bộ Tư pháp triển khai “Thí điểm Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch” với trọng tâm là xây dựng Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và Phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. 

Toàn cảnh hội thảo

98,8% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh

Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam Naomi Kitahara đánh giá, sau 5 năm thực hiện Chương trình CRVS, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ: Củng cố, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, từng bước hiện đại hóa phương thức đăng ký thống kê hộ tịch và đẩy mạnh đăng ký hộ tịch trực tuyến. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đang được xây dựng. Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung đã góp phần cải thiện công tác quản lý hộ tịch, tiến tới cải thiện công tác thống kê hộ tịch phục vụ công tác quản lý, xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng. 

Thực tế cho thấy, từ năm 2017 tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh trên hệ thống điện tử tăng hàng năm. Theo kết quả tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 98,8%. Chỉ tiêu này đã vượt chỉ tiêu của Chương trình CRVS đề ra (đến năm 2020 có 97% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh). Cùng với đó, tỷ lệ đăng ký khai tử dần được cải thiện, người dân ngày càng ý thức được sự cần thiết phải thực hiện đăng ký khai tử, số lượng thực hiện đăng ký khai tử cũng tăng hàng năm. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng hoạch định chính sách. 

Chương trình không chỉ bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho công dân ở trong nước, mà còn bảo đảm cả công dân Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Trích lục khai tử) với đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để tiếp tục hoàn thiện phương thức đăng ký hộ tịch trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử, xây dựng hoàn chỉnh Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử vận hành đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn để nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc (giai đoạn 2021 - 2025). 

Bài và ảnh: Phạm Hải